Đồng chí Hoàng Quốc Việt với Đảng bộ, nhân dân và cán bộ VKSND tỉnh Nam Định
Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2025) và 120 năm ngày sinh của đồng chí Hoàng Quốc Việt – người Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên (28/5/1905 – 28/5/2025), Lãnh đạo, công chức VKSND tỉnh Nam Định luôn bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc tới các thế hệ cán bộ Kiểm sát tiền bối đã cống hiến, đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển ngành KSND.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSND tối cao nói chuyện tại Hội nghị pháp chế huyện Vụ Bản năm 1976 (Ảnh tư liệu).
Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905, tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh - nay là phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được Ðảng, Nhà nước ta phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau trong công tác Mặt trận, Dân vận của Ðảng, Công đoàn, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trong đó, với trọng trách là Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển hệ thống VKSND ở nước ta, qua đó xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong thể chế nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Đối với Đảng bộ, nhân dân và cán bộ, công chức ngành KSND tỉnh Nam Định, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong thời gian hoạt động cách mạng trước năm 1945 và sau này trên cương vị là Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí đã có đóng góp to lớn đối với công cuộc cải tạo, xây dựng chế độ XHCN ở miền Bắc, đồng thời để lại cho ngành KSND một di sản lớn về lý luận, phương pháp công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Đoàn đại biểu VKSND tỉnh Nam Định dưới tượng đài đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Theo đó, cuối năm 1941, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư xứ ủy Bắc kỳ hoạt động tại địa bàn Hà Nội, bị địch truy lùng gắt gao; đến đầu năm 1942, đồng chí đã về Hà Cát và Định Hải (thuộc xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định ngày nay), nơi có phong trào cách mạng phát triển, cơ sở an toàn để hoạt động chỉ đạo phong trào cách mạng của các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng. Các chi bộ đảng tại nơi này đã lập kế hoạch bảo vệ và nuôi giấu cẩn mật đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Tại quê hương Hồng Thuận, Giao Thủy, đồng chí ở một số cơ sở khoảng gần 5 tháng, chủ yếu ở gia đình cụ Bùi Nhiễm. Tại đây, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tổ chức nhiều cuộc họp và lớp huấn luyện, bồi dưỡng lý luận cách mạng cho nhiều cán bộ, đảng viên của các tỉnh Hà Nam - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Hưng Yên, ... Sau một thời gian, do bị lộ, mật thám của Thực dân Pháp tại Hà Nội và Nam Định đã lùng sục nhà cụ Bùi Nhiễm để truy bắt đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhưng rất may đồng chí đã được nhân dân Hà Cát bảo vệ và đưa đến cơ sở bí mật khác để tiếp tục hoạt động. Từ đó, đồng chí đã cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm lên cuộc cách mạng vĩ đại - Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một quốc gia có chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Bản Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý đầu tiên, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã đặt nền móng cho công cuộc bảo vệ nền độc lập, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng các thiết chế, trong đó có các cơ quan tư pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuy nhiên, nền độc lập non trẻ của nước ta lại bị đe dọa khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Song, với thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954 và sau đó, là Hiệp định Giơ – ne – vơ, đất nước ta lại tạm thời bị chia cắt. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới: Miền Bắc tập trung củng cố, cải tạo XHCN và tiến hành công cuộc xây dựng CNXH; miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Viện trưởng VKSND tỉnh Nam Định dâng hương tưởng nhớ đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên tại Đền – Chùa Hà Cát, xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy.
Xuất phát từ bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức nhà nước với Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và trước yêu cầu mới của cuộc cách mạng xây dựng XHCN, cải cách bộ máy nhà nước, thì việc thành lập VKSND đã trở thành yêu cầu khách quan, tất yếu. Bản Hiến pháp năm 1959 đã lần đầu tiên ghi nhận chế định VKSND, trong đó xác định vị trí, chức năng và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của hệ thống VKSND ở Việt Nam. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức VKSND. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức VKSND. Cũng tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Viện trưởng VKSND tối cao.
Từ đây, trên cương vị và trọng trách mới là Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên; Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định tiếp tục vinh dự được đồng chí Hoàng Quốc Việt về dự và phát biểu tại các hội nghị pháp chế của tỉnh.
Trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1964, từ thực tiễn công tác của VKSND, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo toàn ngành KSND trong công tác áp dụng pháp luật; đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tập trung vào một số công tác chủ yếu và trọng tâm của ngành như: (1) Công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng, phản tuyên truyền; giữ gìn trật tự an ninh; (2) Đấu tranh chống tham ô, lãng phí và thiếu tinh thần trách nhiệm gây ra tham ô, lãng phí; (3) Tăng cường pháp chế XHCN và đấu tranh với các vi phạm trong lĩnh vực quản lý các Nông trường, các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp; đảm bảo lương thực; thu mua thực phẩm, thu mua mía đường; công tác quản lý thị trường, quản lý rượu; quản lý công trình thủy lợi, phòng chống bão, lụt; công tác phòng cháy, chữa cháy, ...
Đặc biệt tại hội nghị sơ kết bước một cuộc vận động cải tiến quản lý HTX của Trung ương mở tại Nam Định ngày 23 tháng 8 năm 1963, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSND tối cao đã về dự và nói chuyện về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý HTX.

Toàn cảnh đền chùa Hà Cát, xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Với ngành KSND tỉnh Nam Định, ngay sau khi được thành lập, đã từng bước kiện toàn về mặt tổ chức cán bộ, ổn định về cơ sở vật chất trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, qua đó thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo sự chỉ đạo của VKSND tối cao, gắn liền với các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III và các Nghị quyết của Trung ương Đảng, để tiếp tục phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH, thực hiện một bước công nghiệp hóa XHCN, tiếp tục hoàn thành cải tạo XHCN và sự lãnh đạo, chỉ đạo của VKSND tối cao; đồng thời vận dụng sâu sắc quan điểm, hệ thống lý luận về công tác kiểm sát của đồng chí Hoàng Quốc Việt; ngành KSND tỉnh Nam Định đã tham gia phục vụ các cuộc vận động quần chúng lớn của Đảng, chủ yếu là các cuộc vận động: “Cải tiến quản lý Hợp tác xã (HTX), cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”; “nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kiểm tra hành chính, chống tham ô, lãng phí quan liêu”; “tăng cường công tác trị an, bảo vệ sản xuất”, đã xác định nhiệm vụ bảo vệ tài sản XHCN, chống tham ô lãng phí thông qua cuộc vận động 3 xây 3 chống, cải tiến quản lý HTX nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Ngành.
Qua đó, một sốVKSND huyện và TP Nam Định đã đưa ra truy tố trước pháp luật những vụ án kinh tế như: Tham ô thóc, công điểm của HTX nông nghiệp, lấy cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước và của tập thể tuồn ra ngoài cho bọn làm ăn phi pháp, bọn gian thương đầu cơ trục lợi, nhất là trên lĩnh vực, phân phối lưu thông, góp phần ngăn chặn một tình trạng vi phạm và tội phạm trong thời kỳ này.
Đến giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1975, trong tình hình cả nước đang có chiến tranh, miền Bắc vừa phải trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa phải ra sức chi viện cho miền Nam; thì phương hướng, nhiệm vụ của công tác kiểm sát trong thời kỳ này là phải đẩy mạnh hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN trong thời chiến.
Trên lĩnh vực kinh tế, hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật của VKSND hai cấp tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn tình trạng buông lỏng quản lý kinh tế trong thời chiến, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước và của tập thể, làm tha hóa, biến chất nhiều cán bộ đảng viên, kể cả những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước. Nhiều vụ án kinh tế lớn đã được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, giữ vững lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Từ kết quả đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, VKSND tỉnh đã tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng trong việc tăng cường chỉ đạo quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Phát huy kết quả việc tổ chức hội nghị pháp chế ở huyện Hải Hậu, VKSND tỉnh tiếp tục chỉ đạo VKSND huyện Vụ Bản tham mưu cho cấp ủy mở hội nghị pháp chế tại địa phương, được Thường vụ Huyện ủy nhất trí. VKSND tỉnh đã thống nhất với Huyện ủy Vụ Bản, đồng thời giúp cho VKSND huyện chuẩn bị nội dung và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về kế hoạch triển khai, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo mời Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy tới dự, rút kinh nghiệm để triển khai ở các huyện khác trong tỉnh.
Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã mời đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao về dự và nói chuyện tại Hội nghị pháp chế của huyện Vụ Bản ngày 06 tháng 3 năm 1976. Sau hội nghị này, Tỉnh ủy đã có thông tri cho các Huyện ủy rút kinh nghiệm từ Vụ Bản để mở hội nghị pháp chế của địa phương mình.
Tiếp đó, Thường vụ Tỉnh ủy xét thấy cần thiết phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong các cơ quan, xí nghiệp, chống buông lỏng quản lý kinh tế theo lối hành chính bao cấp; nên đã một lần nữa, mời đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao về nói chuyện về pháp chế với Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, các trưởng ban, ngành và Bí thư Đảng ủy các cơ quan, xí nghiệp trong tỉnh. Ngay sau khi tổ chức hội nghị này, Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo mở hội nghị cho các đồng chí phụ trách kiểm tra Đảng, Thanh tra Nhà nước của cấp tỉnh và cấp huyện nghe bài phát biểu của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường pháp chế XHCN, gắn với cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên nhằm phát huy ý thức tuân thủ pháp luật trong các cơ quan nhà nước.
Có thể khẳng định, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đặt nền móng vững chắc cho hệ thống lý luận, thực tiễn trong công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân. Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nam Định, các thế hệ cán bộ Kiểm sát cả nước nói chung và VKSND tỉnh Nam Định nói riêng sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí.
Để thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhân dân xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã lập nơi thờ tự đồng chí tại Đền - Chùa Hà Cát ngày nay.
Theo ông Bùi Quốc Lạc, người biên tập lịch sử Đảng bộ xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cũng là người trong họ tộc của cụ Bùi Nhiễm cung cấp: Khi hòa bình lập lại cho đến trước khi qua đời, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã hai lần về thăm nhân dân Hà Cát và gia đình cụ Bùi Nhiễm, là cơ sở nuôi giấu đồng chí trong thời kỳ hoạt động cách mạng tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.