Dòng chảy văn hóa giữa lòng thời gian

Thái Nguyên vừa có thêm 2 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang và nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sli của người Nùng Phàn Slình. Đây là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Phần nghi lễ trong Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang.

Phần nghi lễ trong Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang.

Lễ hội Cầu mùa thuộc loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Dao Lô Gang sinh sống ở các xã: Dân Tiến, Võ Nhai, Thần Sa, Nghinh Tường, tỉnh Thái Nguyên.

Đây là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Dao Lô Gang, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với không gian hành lễ mang đậm màu sắc tâm linh.

Lễ Cầu mùa được lưu truyền từ nhiều đời trong cộng đồng, là sự tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Dao Lô Gang. Cứ một năm một lần, người Dao Lô Gang lại tổ chức lễ hội để cầu mùa. Thời gian tổ chức lễ hội do thầy cúng xem và được chọn trong mùa Xuân để thực hiện.

Để chuẩn bị cho ngày lễ hội, bà con nhân dân người Dao chuẩn bị đầy đủ rượu, thịt, rồi dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, sạch sẽ, trưng bày các vật dụng đẹp mắt đón khách đến dự hội chu đáo.

Anh Bàn Phúc Hiện, Trưởng xóm Na Bả, xã Dân Tiến, cho biết: Xóm có 76 hộ, 100% là người Dao. Theo lệ tổ chức Lễ hội Cầu mùa, mỗi gia đình đóng góp 1 con gà trống, 1,5 lít rượu, 250 ngàn đồng, 5 tờ giấy bản, 5 bơ gạo tẻ, 2 bơ gạo nếp.

Đồng thời, mỗi nhà đem theo một túi thóc hoặc ngô để cúng trong Lễ hội với ý cầu mong thần linh để phù hộ cho nhân dân gieo trồng được mùa màng bội thu, thóc ngô đầy nhà, chăn nuôi, tăng gia sản xuất được mùa no ấm.

Tất cả đến dự hội đều mỗi người góp sức vào từng việc cụ thể, mỗi gia đình sẽ đại diện từ 1 đến 2 người tham gia. Những thanh niên trẻ khỏe được phân công thịt lợn, thịt gà, chị em phụ nữ thì tham gia nấu nướng các đồ cúng lễ. Các ông được cấp sắc, độ tuổi trung niên thì in tiền, in mã, bắc cầu, treo sớ, thanh niên khác thì cắm cây, dựng rừng. Không ai bảo ai, mọi người đều nêu cao ý thức để công việc chuẩn bị cho lễ thật chu đáo.

Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang gắn với cư dân làm nông nghiệp. Từ quan niệm vạn vật hữu linh, muốn cầu mong điều gì thì cầu vị thần đó. Do vậy, nghề làm ruộng, đi rừng phải thực hiện nghi lễ cúng thần Nông và thần Rừng. Các hình thức sắm lễ vật, mục đích của Lễ hội là để mời gọi các vị thần linh trên trời, dưới đất, các vị thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng... cùng về chứng giám lễ tạ của nhân dân.

Từ đó, các vị thần "nghe" được lời cầu xin của muôn dân mà gọi mây về làm mưa, gọi gió, gọi nắng về mà gieo nước ngọt cho đời. Những yếu tố nhân văn đó được thể hiện qua các bài cúng, bài khấn, bài hát của các thầy cúng được diễn ra trong lễ hội.

Nét đặc sắc không những được thể hiện qua các tiết mục hát Pả Dung, ca từ hát trong lễ hội mà ở cả các màn nhảy múa của thầy cúng và bà con. Thông qua các động tác biểu diễn sẽ phác họa lại chu trình đời người từ khi sinh ra cho đến trưởng thành và già đi một cách hình tượng, sâu sắc.

Cùng với Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang, Hát Sli của người Nùng Phàn Slình là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, địa bàn phân bố tại các xã Văn Hán, Văn Lăng, Quang Sơn, Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Sli là nghệ thuật hát đối độc đáo của người Nùng, hát Sli gọi theo tiếng Nùng là “Và Sli” hoặc “Pây và Sli”, có người gọi là Đi bạn, hay hát Ví. Sli là những bài thơ, văn vần có độ dài ngắn khác nhau, thường được thể hiện theo thể thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt.

Sli được hình thành trong cuộc sống lao động, đấu tranh cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội nhằm phản ánh một cách chân thực và sinh động cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người Nùng Phàn Slình, thể hiện tâm tư, tình cảm, khát vọng của con người, ca ngợi tình yêu, đôi lứa, vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương, làng bản.

Hát Sli phải có đôi có cặp, nghĩa là dù bên nam hay nữ thì cũng luôn kết hợp 2 người thành cặp. Sli hát trong nhiều dịp: Lễ hội, chợ phiên, đám cưới, mừng nhà mới hay khi bản có khách đến chơi hoặc đến bản khác chơi, trong nghi lễ Hét khoăn (nghi lễ mừng sinh nhật)... Ngày nay, Sli trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Nùng Phàn Slình.

Trước đó, năm 2023, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy làn điệu hát Sli dân tộc Nùng tại xã Hòa Bình (nay là xã Văn Lăng).

Truyền dạy hình thức trình diễn làn điệu Sli truyền thống của dân tộc Nùng.

Truyền dạy hình thức trình diễn làn điệu Sli truyền thống của dân tộc Nùng.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 45 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, tỉnh có 1 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sự ghi nhận này là nguồn động lực để mỗi địa phương tiếp tục gìn giữ, khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của di sản, qua đó giúp di sản được lan tỏa sâu rộng, góp phần làm phong phú, đặc sắc hơn dòng chảy văn hóa truyền thống của mảnh đất xứ Trà.

Linh Nga

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/dong-chay-van-hoa-giua-long-thoi-gian-2eb0d1d/
Zalo