Dòng chảy tín dụng – hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế (Bài 1)

Xác định sinh kế là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, tính bền vững của công tác giảm nghèo và giải quyết những vấn đề xã hội bức thiết, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, NHCSXH tỉnh tập trung ưu tiên cho vay đối với phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Thông qua các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong toàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến được với phụ nữ DTTS, chắp cánh cho đồng bào an tâm 'bám làng, bám bản', phát triển kinh tế hộ gia đình, cởi bỏ nét hoang sơ, đìu hiu trên những bản làng miền Tây Quảng Trị.

Bài 1: Phát huy tiềm năng của phụ nữ dân tộc thiểu số, khơi dậy sức mạnh nội sinh

Tín dụng chính sách - xua cái đói, thoát cảnh nghèo

Đakrông là một huyện miền núi với 24.411 nhân khẩu, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 80% dân số, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều và Pa Kô. Tuy nhiên, số lượng hộ nghèo đã chiếm đến 6,4 % dân số.Với ưu thế về địa lí, cộng thêm sức người khai hoang vỡ đất từ bao đời nay nên mỗi gia đình ở đây đều sở hữu ít thì vài trăm mét vuông, rộng thì cả vài chục héc-ta. Thế nhưng, vấn đề lấy vốn ở đâu để mua con giống, cây giống vẫn là một bài toán kinh tế nan giải của đồng bào DTTS nơi đây. Từ khi có nguồn vốn chính sách do các cấp hội tín chấp, nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Đakrông đã quyết tâm để thoát nghèo, có thêm động lực để làm chủ kinh tế.

Theo chân những cán bộ phụ nữ huyện Đakrông, chúng tôi tìm được đến nhà chị Hồ Thị Liên, người dân tộc Vân Kiều, tại thôn A Rồng, thị trấn Krông Klang. Những năm đầu, ổn định cuộc sống, gia đình chị Liên gặp rất nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy tấm rẫy trồng hoa màu và công việc làm thuê bấp bênh, thu nhập không ổn định. Sau một thời gian xoay xở, chị Liên như tìm ra ánh sáng cuộc đời khi được chi hội giới thiệu về nguồn vốn vay từ NHCSXH. Anh chị được tiếp thêm động lực để phát rẫy trồng tràm, trồng sắn, tham gia mô hình nuôi dê quay vòng giám sát chủ động do Hội tổ chức. Đến nay, mỗi vụ sắn gia đình thu nhập được khoảng 30 triệu đồng; đàn dê từ 03 con bây giờ đã phát triển lên hàng chục con cả dê giống và dê thịt; rừng tràm đang chăm sóc chờ ngày thu hoạch. Từ những nền tảng đã xây dựng được, anh chị quyết định đầu tư một quầy tạp hóa nhỏ tại hộ gia đình để tăng thêm thu nhập. Nhờ tự chủ được kinh tế, vợ chồng chị đã có điều kiện tốt để chăm sóc, giáo dục con cái, xây dựng gia đình bền vững, ấm no, hạnh phúc.

“Sau những lần thử, tôi nghiệm ra rằng, trong sản xuất, kinh doanh, nếu không có tiền, ngân hàng có thể cho vay vốn, nhưng nếu không có niềm tin thì không đâu cho vay niềm tin để làm ăn lớn được. Mình phải luôn tìm tòi sự hỗ trợ từ những kênh xung quanh” – chị Liên chia sẻ.

Vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ gia đình phụ nữ DTTS thoát nghèo - Ảnh: T.T

Vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ gia đình phụ nữ DTTS thoát nghèo - Ảnh: T.T

Đánh thức tiềm năng của người đồng bào

20 năm trước, xã Tà Long, huyện Đakrông được coi là một trong những “lõi nghèo” của tỉnh Quảng Trị. Cơ sở hạ tầng thấp kém, tình trạng phá rừng, tỷ lệ hộ nghèo trên 90%… Nhưng nay, Tà Long đã khác!

Bước ra từ Cuộc thi “Tìm hiểu ý tưởng khởi nghiệp” với giải Đặc biệt, từ số vốn được các cấp, các ngành hỗ trợ, chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long quyết định “nhân đôi” số vốn thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách để bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Với suy nghĩ “để đánh thức tư duy làm kinh tế mới của đồng bào mình –phải làm dịch vụ”, chị Thương đã quyết tâm không để “lãng phí” cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng và đưa ý tưởng về tour “Du lịch trải nghiệm 199.000 đồng” tại suối A Lao, xã Tà Long trở thành hiện thực.Từ đó, mô hìnhđã được chị Thương phối hợp với các cấp ủy, chính quyền chuyển đổi thành mô hình THT quản lý. Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm suối A Lao đón hơn 5.000 lượt khách, tạo việc làm thời vụ cho 16 lao động và hơn 20 hộ gia đình tham gia chuỗi cung ứng. Đây là kết quả của sự bén việc, ưa làmcủa những người phụ nữkhông để tầm nhìn bị che chắn bởi núi non trùng điệp.

“Càng làm việc chúng tôi càng thấm rằng, để thay đổi thì phải dấn thân, tiên phong nghĩ những điều chưa ai nghĩ và làm những việc chưa ai làm. Phụ nữ DTTS sinh ra không phải chỉ để làm nương rẫy, người đồng bào có thể làm được nhiều hơn thế!Và để có được sự tự tin đó, cần rất nhiều đến sự hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là nguồn vốn vay của NHCSXH” - chị Thương bộc bạch.

Sau bao nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, người dânxã Tà Long đã yên tâm “bám làng, bám bản” để sản xuất, nhất quyết không để đói nghèo bủa vây, làm khó. Đến nay, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN xã Tà Long đã đạt trên 5,8 tỉ đồng với 2 Tổ TK&VV tích cực cho hội viên vay vốn với 74 thành viên tham gia. Phụ nữ trên địa bàn xã đã từ bỏ viễn cảnh phải ly nông, ly hương mưu sinh. Giờ đây, các chị đã chủ động được nguồn vốn để chăn nuôi gia súc, đặc biệt là trâu bò và lấy cây tràm làm cây trồng chủ lực. Từng bước chuyển đổi sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi, sang kinh doanh, rồi làm du lịch. Thậm chí, nhiều chị em được vay vốn giải quyết việc làm để xuất khẩu lao động. Đến nay, đã có 6 chị đang làm việc tại Nhật, cởi bỏ tư tưởng phụ nữ quẩn quanh trong căn bếp, giúp chị em tự tin khám phá thế giới rộng lớn và hỗ trợ kinh tế gia đình.

Nhờ có nguồn vốn tín dụng, nhiều phụ nữ DTTS đã “dám nghĩ, dám làm” quyết tâm khởi nghiệp - Ảnh: N.A

Nhờ có nguồn vốn tín dụng, nhiều phụ nữ DTTS đã “dám nghĩ, dám làm” quyết tâm khởi nghiệp - Ảnh: N.A

Hỗ trợ phụ nữ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, thúc đẩy bình đẳng giới

Không chỉ kinh doanh mà nguồn vốn tín dụng còn là “đòn bẩy” quan trọng để tạo động lực cho chị em chuyển đổi sản xuất, thay đổi cách làm truyền thốngđã lạc hậu. Giờ đây, không chỉ dừng lại ở trồng trọt, chăn nuôi mà còn sản xuất theo mô hình THT, HTX, TLK, sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn,… Từ kinh doanh tại chỗ, phụ nữ DTTS đã chuyển dần sang kinh doanh online, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Và có lẽ, đã qua rồi cái thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, phụ nữ vùng cao thời nay đã có thể tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Quảng Trị vươn tầm quốc gia như măng sấy Ba Tầng, thổ cẩm A Bung, chuối lùn bản địa Tà Rụt, đậu xanh lòng Triệu Nguyên,… và dang rộng vòng tay chào đón du khách từ khắp muôn nơi về khám phá núi rừng Quảng Trị thông qua những mô hình du lịch cộng đồng.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà cho biết: “Chính nhờ tự chủ về nguồn vốn vay, phụ nữ DTTS tại các thôn bản đã phát huy được tiềm năng thế mạnh của bản thân và địa phương mình, vươn lên với ý chí “lập thân, lập nghiệp” để thoát nghèo, phát triển kinh tế. Nhờ làm chủ kinh tế, phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô đã có được vị thế, chỗ đứng nhất định, không còn phải dựa dẫm vào chồng, nắm quyền tự quyết các vấn đề trong gia đình và ngoài xã hội.”

Trên những thôn bản vùng cao Quảng Trị, đã dần xóa bỏ tình trạng “lấy chồng sớm để gán nợ”, “bỏ học vì quá nghèo”. Phụ nữ DTTS đã thoát khỏi vòng lặp luẩn quẩn: đói nghèo, thiếu kiến thức, bỏ học hoặc là nạn nhân của các tệ nạn xã hội như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nghiện rượu, ma túy, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới,... Người dân nơi miền sơn cước giờ đây đã biết hăng say lao động sản xuất, để dê, gà đầy sân, ngô lúa đầy bồ, trẻ em được vô tư đến trường,...

Trong hành trình chuyển mình gian khổ đó, chính sách tín dụng của NHCSXH tỉnh luôn đồng hành với phụ nữ đồng bào DTTS, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới.

THU THẢO - NGỌC ANH

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dong-chay-tin-dung-ho-tro-phu-nu-nang-cao-quyen-nang-kinh-te-bai-1-158870.html
Zalo