Dòng chảy hội họa trăm năm
Cách đây 1 thế kỷ, tháng 11/1925, một ngôi trường đào tạo mỹ thuật chính quy đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, ở Việt Nam cũng đã có nhiều tác giả vẽ tranh, làm tượng, nhưng chỉ là số ít và hoàn toàn tự phát. Bởi lúc đó, ở ta chưa có một trường nào đào tạo mỹ thuật chính quy nên chưa có người học và đội ngũ tác giả. Chính vì vậy mà các thể loại chưa phát triển, chất liệu tạo hình chưa tiếp thu đầy đủ nghệ thuật tạo hình thế giới. Trong bối cảnh đó, cần có một trường mỹ thuật để đào tạo giáo dục mỹ thuật, phát triển đội ngũ sáng tạo, xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại cho đất nước.

Triển lãm Mỹ thuật sinh viên năm 2025 là một điểm sáng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Trường.
Có lẽ cơ duyên để thành lập được một ngôi trường mỹ thuật danh tiếng bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai con người khác nhau về độ tuổi, quốc tịch nhưng có chung tài năng và điềm đam mê hội họa. Đó là họa sĩ Pháp Victor Tardieu và họa sĩ Nguyễn Nam Sơn.
Năm 1922, Victor Tardieu được "Giải thưởng Đông Dương" nên đã đặt chân đến Hà Nội. Trong khi đó, họa sĩ Nam Sơn đã nổi danh với nhiều tranh và minh họa sách. Một sự kiện nổi bật là năm 1923 Nam Sơn có tác phẩm hội họa sơn dầu "Chân dung nhà Nho xứ Bắc" được trưng bày triển lãm tại đấu xảo thuộc địa. Cũng trong năm này, vì cảm phục tài năng và quý trọng họa sĩ Nam Sơn, nên Louis Marty (giám đốc phụ trách công tác chính trị Phủ toàn quyền) và Paul Monet (người lập ra Hội quán sinh viên) đã giới thiệu Nam Sơn làm quen với Victor Tardieu và đề nghị giúp đỡ Nam Sơn. Khi xem tranh và trò chuyện với Nam Sơn, Victor Tardieu đồng ý.
Victor Tardieu sinh năm 1870, còn Nam Sơn sinh năm 1890, hai người cách nhau 20 tuổi. Mối quan hệ giữa hai người dần trở nên thân thiết. Nam Sơn giúp Victor Tardieu tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đưa ông đi xem các di tích. Ngược lại, Victor Tardieu giúp Nam Sơn về nghệ thuật hội họa Pháp. Từ thời điểm ấy, giữa hai người có sự trao đổi văn hóa Đông - Tây.
Từ cuộc gặp gỡ đặc biệt này, Nam Sơn nảy sinh hoài bão, ước mơ có một trường mỹ thuật chính quy cho xứ sở, để đào tạo được nhiều nghệ sĩ tạo hình cho đất nước. Nam Sơn khởi xướng, dựng Đề cương Mỹ thuật Việt Nam (1923) về mở trường và phương hướng đào tạo Mỹ thuật Việt Nam. Ngay câu đầu tiên Đề cương, Nam Sơn đã viết: "Lập nên một trường đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tạo lấy một nền mỹ thuật Đông Dương có cá tính Việt Nam".
Nam Sơn đem ra trình bày và vận động họa sĩ Victor Tardieu ủng hộ, để ông thuyết trình đề nghị với Chính phủ Pháp cho mở trường mỹ thuật. Victor Tardieu vì mến mộ tài năng hội họa, tri thức và say mê sáng tạo của Nam Sơn nên đã nhận lời. Victor Tardieu lập báo cáo về nước, thuyết minh về nghệ thuật An Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, và ra sức thuyết trình với chính phủ xem xét mở trường mỹ thuật. Cuối cùng được chấp thuận.
Ngày 27/10/1924, Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin ký ban hành Nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Victor Tardieu được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Ông thu xếp mọi việc ở Paris để sang Việt Nam gắn bó với đào tạo. Ông còn lập Hội SADEAI giúp đỡ nghệ sĩ phát triển nghề nghiệp. Nguyễn Nam Sơn được cử sang thủ đô Paris (Pháp) tu nghiệp trong 2 năm 1924-1925 tại Trường Mỹ thuật Quốc gia và Trường Trang trí Quốc gia.
Phải mất cả năm Victor Tardieu - Nam Sơn sát cánh lo chuẩn bị cơ sở, chọn thầy dạy, tổ chức nhân sự, tuyển sinh, thi cử vào khóa 1, đến tháng 11/1925, trường mới chính thức khai giảng khóa đầu tiên. Đó là cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển hệ thống giáo dục sáng tạo mỹ thuật ở Việt Nam, cũng là mốc kỷ niệm ngày thành lập trường 100 năm qua.
Năm 1927, Nam Sơn được Nha học chính Đông Dương bổ nhiệm chức danh giảng dạy và phong giáo sư. Sự kiện này được công bố trong hai cuốn sách về "Trường Mỹ thuật Đông Dương", xuất bản năm 1931 và 1937 của Phủ toàn quyền Đông Dương, hiện lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Hà Nội. Nam Sơn chính là vị giáo sư mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam, đáp ứng việc giảng dạy ở trường, cũng là người tiên phong đưa tác phẩm tham dự triển lãm quốc tế và đặt dấu ấn quan trọng của mỹ thuật Việt Nam với thế giới.
Tại Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế Paris, tranh "Chợ gạo bên sông Hồng" (mực nho trên vải) dự triển lãm Salon Hội họa sĩ Pháp năm 1930, Nam Sơn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được Bộ Mỹ thuật Pháp chọn mua tranh này để trưng bày ở Bảo tàng Paris.
Ngày 12/6/1937, sau 12 năm là hiệu trưởng đầu tiên của trường (1925-1937), Victor Tardieu mất tại Hà Nội trong niềm tiếc thương của sinh viên, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình. Trong 20 năm (1925-1945), Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo 14 khóa, nhiều sinh viên đã trở thành lớp nghệ sĩ đầy tâm huyết, đem tài năng trí tuệ xây dựng nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam thế kỷ XX. Những bài giảng, môn học, ngành học mỹ thuật được xác lập, trở thành quy chuẩn giảng dạy và học tập mỹ thuật duy trì trong suốt thế kỷ qua.
Tiếp nối dòng chảy hội họa
Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã trải qua các giai đoạn khác nhau và nhiều lần đổi tên. Từ năm 2008 đến nay đổi thành Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Dòng chảy hội họa 100 năm qua vẫn tiếp tục được khơi nguồn. Lớp lớp sinh viên nhiều khóa tốt nghiệp trở thành đội ngũ nghệ sĩ mới, sáng tác mỹ thuật, tham dự các triển lãm quốc tế, xây dựng nền mỹ thuật hiện đại.
Ngoài kỹ thuật bài bản, sinh viên được định hướng sáng tác trên tinh thần khai phóng, tự tin với cá tính nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh đó, những giá trị thẩm mỹ được bảo tồn qua gần một thế kỷ vẫn được kế thừa nguyên vẹn. Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2025, Triển lãm Mỹ thuật sinh viên năm 2025 của Trường được tổ chức công phu, là một điểm sáng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Trường. Triển lãm giới thiệu tới đông đảo công chúng thành quả học tập, sáng tác của sinh viên nhà trường, cũng là những nghệ sĩ trẻ trong tương lai. Điều đó khẳng định rằng việc sáng tác luôn được đề cao như một phương pháp kiểm chứng cho quá trình học hỏi, trau dồi của sinh viên khi học tại trường.
Không gian triển lãm hội tụ 159 tác phẩm của sinh viên các ngành đào tạo tại Trường. Đây là những tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn từ các sáng tác đa dạng chất liệu, thể loại của sinh viên đến từ tất cả các ngành đào tạo như hội họa, đồ họa, điêu khắc, sư phạm mỹ thuật, lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật. Bên cạnh những tác phẩm chuyên khoa có giá trị nghệ thuật cao, nhiều tác giả đã thể hiện mong muốn thử nghiệm những phương tiện mới, qua việc giới thiệu các tác phẩm sắp đặt, video art, book art, nhiếp ảnh nghệ thuật…
Triển lãm là thế giới thu nhỏ với vô vàn câu chuyện về đời sống, tâm tư của những người trẻ được giãi bày qua sáng tác nghệ thuật. Trong đó, có những tác phẩm là kết quả của những kỳ thực tế sáng tác của sinh viên tại các địa phương trên cả nước. Việc trực họa luôn là một phần không thể thiếu trong chương trình học của sinh viên, được duy trì qua nhiều thế hệ, nhằm rèn luyện kỹ năng cũng như thúc đẩy những rung động tinh tế trong quá trình sáng tác. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm được thể hiện qua bút pháp biểu hiện, trừu tượng, gợi mở những khía cạnh ẩn giấu, khuyến khích người xem tự cảm nhận, khám phá.
Thạc sĩ Trần Hoàng Ngân, giảng viên Khoa Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật, thành viên Ban tổ chức triển lãm chia sẻ: “Từ những năm 1990, trường đã giới thiệu các tác phẩm của sinh viên với quy mô nhỏ. Từ đó đến nay, hoạt động này được nhà trường duy trì hàng năm để khích lệ tinh thần học tập và thể hiện cá tính nghệ thuật của sinh viên. Qua nhiều năm, số lượng tác phẩm tham gia không ngừng tăng lên. Vài năm gần đây, sự kiện được mở rộng quy mô, tổ chức thành chuỗi sự kiện với các hoạt động triển lãm, tour nghệ thuật... Các tác phẩm trưng bày được chấm và trao giải bởi Hội đồng Nghệ thuật của trường”.
Trên tinh thần không ngừng học hỏi, tôn trọng sự khác biệt, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã cho thấy họ chính là thế hệ tiếp nối của một di sản nghệ thuật đáng tự hào. Thành quả sáng tạo của sinh viên cũng chính là lời khẳng định cho hướng đi đúng đắn của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trong hành trình đào tạo nghệ thuật một thế kỷ qua.