Đóng BHXH chưa đủ 15 năm, người già vẫn được nhận 500.000 đồng/tháng
Người lao động đóng BHXH chưa đủ 15 năm vẫn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ quỹ BHXH, mức thấp nhất là 500.000 đồng.
Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH 2024 về BHXH bắt buộc. Trong đó, cơ quan soạn thảo chính thức đưa ra cách tính hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đối với các trường hợp tham gia BHXH chưa đủ 15 năm.
Mức hưởng trợ cấp thấp nhất 500.000 đồng
Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu (15 năm) và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (70-75 tuổi), nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu thời gian đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình.
Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng dựa trên thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của người lao động.
Để triển khai, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ quy định rõ nội dung trên theo hướng thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội (hiện nay là 500.000 đồng). Trường hợp số tiền đã đóng không đủ để hưởng đến lúc nhận trợ cấp hưu trí xã hội của Nhà nước thì người lao động có thể đóng phần còn thiếu.
Nếu người đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết khi chưa hết thời hạn hưởng thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận.
Thông tin rõ hơn quy định này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đang xây dựng thông tư hướng dẫn. Trong đó, quy định rõ điều kiện hưởng của người lao động chưa đóng đủ năm để nhận lương hưu như sau:
Ví dụ: Bà C là công dân Việt Nam, tháng 9-2025 bà đủ 56 tuổi 8 tháng và có thời gian đóng BHXH 10 năm. Tháng 9-2025, khi bà C đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì bà có một số lựa chọn sau:
Đóng một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu là 5 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hưu trí hàng theo số năm đã đóng BHXH; bảo lưu thời gian đóng BHXH để tiếp tục tham gia khi thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hoặc đóng BHXH tự nguyện khi có điều kiện; hưởng BHXH một lần.
Như vậy, nếu bà C không đóng một lần cho thời gian còn thiếu hoặc đóng tiếp BHXH tự nguyện, không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu thời gian đóng BHXH, bà có thể chọn hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, bà C được ngân sách Nhà nước đóng BHYT.
Mức hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thế nào?
Bộ LĐ-TB&XH cũng đang đề xuất cách tính trợ cấp hưu trí xã hội. Ví dụ, ông T sinh tháng 6-1964, đóng BHXH 5 năm với mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là 6.155.000 đồng/tháng.
Tháng 10-2025, ông T đề nghị được hưởng trợ cấp hằng tháng. Giả sử mức trợ cấp hưu trí xã hội tại thời điểm tháng 10-2025 là 500.000 đồng/tháng, thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng của ông T được tính như sau:
Như vậy, thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng của ông T là 132 tháng (131,1 tháng được làm tròn thành 132 tháng), bắt đầu hưởng từ tháng 10-2025 là tháng đề nghị khi đã đủ tuổi nghỉ hưu. Mức trợ cấp hằng tháng tại thời điểm giải quyết bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, ông T hưởng hết 132 tháng vẫn còn thiếu 33 tháng mới đến tuổi 75 để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nhà nước thì giải quyết theo hướng: Nếu ông có nguyện vọng đóng một lần cho phần còn thiếu tại thời điểm giải quyết (tháng 10-2025) để hưởng trợ cấp hằng tháng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được tính:
Như vậy, ông T có thể đóng một lần cho phần còn thiếu là 16,5 triệu đồng để được giải quyết hưởng trợ cấp hằng tháng từ tháng 10-2025 cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (đủ 75 tuổi), với mức trợ cấp hằng tháng tại thời điểm giải quyết bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng/tháng.
Trường hợp ông T đã được giải quyết hưởng trợ cấp hằng tháng từ tháng 10-2025 cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (đủ 75 tuổi). Tuy nhiên, khi ông T đủ 70 tuổi, ông thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định (hộ cận nghèo).
Như vậy, khi đủ 70 tuổi ông T được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đồng thời vẫn hưởng trợ cấp hằng tháng cho hết thời hạn đã được giải quyết (đủ 75 tuổi).
Tương tự, trường hợp người lao động có 10 năm đóng BHXH với mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng là 9 triệu đồng/tháng. Nếu theo công thức trên, thời gian hưởng của người lao động là 360 tháng, thừa 220 tháng, nên tính theo công thức sau:
Như vậy, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (đủ 75 tuổi) với mức hưởng tại thời điểm giải quyết bằng: 500.000 + 318.181,82 = 818.181,82 đồng/tháng, được làm tròn thành 818.182 đồng/tháng. Mức trợ cấp hằng tháng của người lao động sẽ được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Điều 67 của Luật BHXH.
Đáng chú ý, người lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết khi chưa hết thời hạn hưởng trợ cấp hằng tháng thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần.
Ví dụ: Ông S được cơ quan BHXH giải quyết hưởng trợ cấp hằng tháng với thời gian hưởng là 156 tháng và mức trợ cấp hằng tháng tại thời điểm giải quyết giả định là 500.000 đồng/tháng. Ông S hưởng trợ cấp hằng tháng được 120 tháng thì chết, giả định mức trợ cấp hằng tháng tại thời điểm trước khi chết của ông S là 900.000 đồng/tháng.
Trợ cấp một lần cho những tháng trợ cấp hằng tháng ông S chưa nhận theo thời hạn hưởng đã được giải quyết được tính như sau:
"Như vậy, thân nhân của ông S được hưởng trợ cấp một lần bằng 32,4 triệu đồng. Ngoài ra, thân nhân của ông S còn được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định..."- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Theo quy định hiện hành, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội được quy định ở Luật Người cao tuổi, do ngân sách nhà nước bảo đảm và chi cho người già từ 80 tuổi mà không có lương hưu.
Tuy nhiên, khi đưa vào Luật BHXH 2024, chính sách này được quy định linh hoạt theo hướng, người đủ tuổi nghỉ hưu nếu tham gia BHXH sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí từ quỹ này cho đến khi đủ 70-75 tuổi (tùy đối tượng) sẽ nhận trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Quy định như vậy giúp người già có lương hưu, giảm gánh nặng lên ngân sách Nhà nước.