Đồng bào Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh tích cực trồng rừng

Qua sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, nhận thấy được giá trị và tầm quan trọng của rừng, đồng bào Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã cùng nhau đồng lòng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Họ mong rằng những cây rừng sẽ ngày một lớn, lấp đầy những quả đồi trọc để con cháu mai sau được hưởng lợi từ rừng.

Dưới cái nắng oi ả, từ thành phố Kon Tum chúng tôi vượt gần 80km tìm về xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông. Nơi đây là một trong những xã của huyện có diện tích trồng rừng, phủ xanh rừng nhiều nhất của huyện.

Điển hình trong triển khai trồng lại rừng và phủ xanh đất rừng là hai anh em A Hai và A Áo (dân tộc Xơ Đăng, thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà). Với hơn 10 ha đất rẫy canh tác đã bạc màu, hiệu quả kinh tế mang lại không cao và đặc biệt là sau những đợt mưa bão, đất lại đứng trước nguy cơ bị sạt lở. Suy nghĩ mãi, năm 2018, hai anh em A Hai và A Áo đã quyết tâm trồng lại rừng. Anh chọn loại cây gáo vàng, cây hồng để trồng với diện tích hơn 10 ha.

Qua sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, người Xơ Đăng ở xã Đăk Hà đã ý thức được việc trồng, bảo vệ và chăm sóc cây rừng.

Qua sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, người Xơ Đăng ở xã Đăk Hà đã ý thức được việc trồng, bảo vệ và chăm sóc cây rừng.

Sau hơn 6 năm chăm sóc, diện tích rừng đã lên xanh. Để có thêm thu nhập, ngoài việc trồng rừng, hai anh em đã chăn nuôi thêm bò dưới tán rừng.

Trao đổi với phóng viên, anh A Áo cho biết, nhờ sự vận động, tuyên truyền từ chính quyền địa phương xã và sự quyết tâm cao, năm 2018 gia đình anh đã quyết tâm trồng rừng, phủ xanh diện tích đất trống, bạc màu của gia đình. Chỉ trong thời gian ngắn trồng và chăm sóc, cây đã phát triển tốt và đạt hiệu quả.

“Trồng rừng khi nào cây lớn mình được khai thác rừng để phát triển kinh tế nâng cao đời sống của gia đình. Không những vậy, mình còn kết hợp được nhiều mô hình chăn nuôi dưới tán rừng như nuôi bò, heo thả và gà… rất hiệu quả. Chờ cây lớn thì mình cũng có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi. Tôi hi vọng bà con trong làng cũng sẽ cùng nhau chuyển đổi cây trồng, phủ xanh đất trống, đồi trọc để giữ đất, có rừng, phát triển kinh tế”, anh A Áo nói.

Cánh rừng của gia đình anh A Áo đã tươi tốt, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Cánh rừng của gia đình anh A Áo đã tươi tốt, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Còn gia đình chị Y Lời, thôn Mô Pả, xã Đăk Hà chia sẻ, trước đây đất đồi bạc màu, đất không được tốt nên chị đã đăng ký tham gia trồng rừng để cùng nhà nước phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng rừng để mang lại hiệu quả kinh tế, giữ đất. Bà con trong thôn làng nếu ai đăng ký trồng cũng sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn trồng và hỗ trợ ít nhiều cây giống.

Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn xã trồng được khoảng hơn 200 héc ta, trong đó hơn 100 héc ta được hỗ trợ từ nguồn vốn đồng bào dân tộc miền núi. Bên cạnh đó, qua nguồn xã hội hóa và bà con tự mua cây giống về trồng khoảng 100 héc ta.

“Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền bà con tiếp tục trồng rừng, phát triển rừng, từ đó giúp rừng thêm xanh, người dân sẽ có thêm thu nhập từ rừng và phát triển thêm các loại cây trồng dưới tán rừng, mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo”, ông Khoa nói.

Với sự đồng lòng, quyết tâm của người dân cùng chính quyền địa phương, diện tích rừng trồng đang ngày một phát triển, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Với sự đồng lòng, quyết tâm của người dân cùng chính quyền địa phương, diện tích rừng trồng đang ngày một phát triển, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Văn Mười – Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, hiện nay đất trồng mì của bà con đã bạc màu và chỉ có trồng rừng mới phủ lên được diện tích đó. Bà con chuyển toàn bộ diện tích đất bạc màu này để qua trồng rừng. Khi trồng rừng huyện sẽ hỗ trợ cho bà con, sau 5 đến 7 năm khi cây khép tán bà con sẽ hưởng được dịch vụ môi trường rừng.

Huyện Tu Mơ Rông có tổng diện tích đất có rừng trên 58.076 ha, độ che phủ rừng đạt 67,73%; trong đó, rừng phòng hộ trên 23.622ha, rừng sản xuất trên 34.454 ha, rừng tự nhiên trên 53.764 ha, rừng trồng trên 4.311 ha. Toàn bộ diện tích rừng phân bố trên địa bàn 11 xã, gắn với cuộc sống của đại đa số đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện. Và người Xơ Đăng họ hiểu việc trồng rừng mang lại những lợi ích rất lớn đối với cộng đồng và chính những người trồng rừng.

Thời gian qua, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, hiện nay, việc trồng rừng đã trở thành phong trào và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Xơ Đăng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Bởi trải qua bao biến cố do bão lũ, người Xơ Đăng đã nhận thấy được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của chính họ.

Văn Hà

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/dong-bao-xo-dang-duoi-chan-nui-ngoc-linh-tich-cuc-trong-rung-459990.html
Zalo