'Đòn bẩy' giảm nghèo ở Cát Thịnh
Vốn tín dụng chính sách đã giúp các hộ vay ở Cát Thịnh chuyển đổi nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ với nhiều mô hình cho hiệu quả cao như: trồng rừng, nuôi ba ba gai, nuôi dúi, cầy hương, nuôi gà đen bản địa...
Xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn hiện có 2.410 hộ dân với 11.150 nhân khẩu, sinh sống ở 17 thôn bản với ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản kết hợp với một số loại hình kinh doanh dịch vụ hàng hóa. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, tính đến đầu năm 2024, toàn xã còn 415 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 17,22%, tập trung tại 6 thôn vùng cao người đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, Đảng ủy, UBND xã Cát Thịnh xác định nguồn vốn tín dụng ưu đãi là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của địa phương.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) trên địa bàn, Đảng ủy, UBND xã Cát Thịnh đã tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.
Cùng với đó, UBND xã chỉ đạo các thôn, bản phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện, triển khai nhiều giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện nghiêm túc việc bình xét đối tượng vay vốn; hướng dẫn các hộ gia đình xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn theo quy định.
Điều đáng mừng dù là địa phương có dư nợ TDCS cao nhất toàn huyện, song nhờ việc giám sát hiệu quả sử dụng vốn, xã không có nợ quá hạn, nợ khoanh.
Bên cạnh hoạt động cho vay vốn, để giúp các hộ dân sử dụng vốn vay hiệu quả, UBND xã đã chủ động chỉ đạo cán bộ địa chính nông lâm, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ vay vốn và trực tiếp dạy nghề cho lao động nông thôn; tổ chức các hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động... Từ đó giúp các hộ vay vốn chuyển đổi nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu với nhiều mô hình cho hiệu quả cao như: trồng rừng, nuôi ba ba gai, nuôi dúi, cầy hương, nuôi gà đen bản địa...
Ông Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Từ nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã đầu tư đúng hướng vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Nguồn vốn TDCS đã góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã trong từng giai đoạn. Xã phấn đấu đến hết năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn dưới 12%”.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên thực tế, xã Cát Thịnh vẫn còn khó khăn, nhiều hộ tuy đã thoát nghèo nhưng phát triển kinh tế chưa thực sự ổn định. Nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất kinh doanh còn nhiều. Vì thế rất cần sự quan tâm, tiếp tục tạo điều kiện của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bố trí phân bổ thêm nguồn vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để nhân dân có điều kiện mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Trên địa bàn bàn xã Cát Thịnh đang triển khai cho vay 10 chương trình TDCS với 30 tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động tại 17 thôn bản; tổng dư nợ đạt 71,1 tỷ đồng với 1.242 hộ vay vốn còn dư nợ, chiếm trên 50% tổng số hộ toàn xã và chiếm 9,4 %/ tổng dư nợ toàn huyện.