Đồng bào Khmer chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập

Việc triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn, đặc biệt là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân Khmer thi đua lao động, sản xuất, vượt khó làm giàu.

Bà Sơn Thị Hai, ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành phấn khởi khi giá dừa khô tăng cao.

Bà Sơn Thị Hai, ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành phấn khởi khi giá dừa khô tăng cao.

Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ngoài việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ đời sống, vùng sản xuất, tỉnh quan tâm hỗ trợ các chính sách ưu đãi như vốn phát triển sản xuất, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và hỗ trợ sinh kế,… nên đời sống kinh tế của đồng bào Khmer ngày càng phát triển, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Song song đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân Khmer áp dụng vào quy trình sản xuất hiệu quả hơn, cải thiện thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Điển hình như bà Thạch Thị Điệp, ấp Kênh Xáng, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành từ hộ nghèo được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn sản xuất để trồng màu nên đời sống kinh tế gia đình ổn định và vươn lên trở thành hộ khá. Bà Điệp cho biết: hơn 10 năm trước, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, nhưng từ khi được địa phương hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập ổn định, vươn lên trở thành hộ khá.

Với diện tích 0,4ha đất canh tác hàng năm bà trồng chủ yếu rau cải các loại như xà lách, ngò rí, mồng tơi,… thu hoạch bình quân từ 50 - 60kg/ngày, thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Trồng rau ăn lá các loại ngắn ngày cho thu hoạch nhanh, chi phí thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập thường xuyên, bình quân trồng từ 03 - 05 vụ màu xoay vòng nhiều đợt trong năm, lợi nhuận bình quân đạt từ 08 - 10 triệu đồng/0,1ha.

Tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, người dân Khmer được địa phương tạo điều kiện kết nối với doanh nghiệp nhằm xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, tạo đầu ra sản phẩm ổn định.

Theo đồng chí Huỳnh Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, xã hiện có 5.888 hộ, trong đó đồng bào Khmer chiếm 51,4%. Những năm gần đây, được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo đầu tư, hỗ trợ, nên đời sống kinh tế của người dân trong xã nói chung, vùng đồng bào Khmer nói riêng chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực, từng bước khẳng định vị trí trung tâm và tiềm năng kinh tế của địa phương. Với thế mạnh cây dừa chủ lực, nên xã từng bước liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ khoảng 524,55ha, đảm bảo đầu ra sản phẩm và được cấp mã vùng trồng dừa nên người dân an tâm sản xuất. Với giá dừa hiện nay trên 100.000 đồng/chục (12 trái), người dân trong xã phấn khởi. Tổng giá trị sản xuất từ đầu năm 2024 đến nay ước đạt trên 730 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 6,73%. Trong đó khu vực I đạt 378,88 tỷ đồng; khu vực II đạt 208,6 tỷ đồng; khu vực III đạt 142,6 tỷ đồng.

Bà Sơn Thị Hai, ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành cho biết: gia đình bà được địa phương hỗ trợ phương pháp canh tác trồng dừa hữu cơ và liên kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định. Với diện tích hơn 01ha dừa hữu cơ hiện đang cho trái, sản lượng đạt bình quân 1.800 trái dừa/tháng, giá bán hiện nay 110.000 đồng/chục dừa. Nhờ chuyển đổi đất lúa sang trồng dừa gần 10 năm nay kinh tế gia đình ngày càng phát triển, thu nhập hàng tháng ổn định.

Nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng các chính sách dân tộc thiết thực, cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm nên nhiều người dân Khmer đã mạnh dạn chuyển đổi và xây dựng những mô hình kinh tế phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao, góp phần vào công tác giảm nghèo.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/dong-bao-khmer-chuyen-doi-san-xuat-tang-thu-nhap-41701.html
Zalo