Đồng bào dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn tiếc thương Tổng Bí thư

'Trong buổi nói chuyện với cán bộ và đồng bào các dân tộc ở xã miền núi Hồng Hạ hôm đó, lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư in đậm cả cuộc đời tôi cũng như bà con rằng, đồng bào các dân tộc xã Hồng Hạ đoàn kết hơn nữa, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tích cực vươn lên không cam chịu đói nghèo, ai khá hơn thì vươn lên làm giàu…', Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ nhớ lại lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc tại xã hơn 10 năm trước.

Thoát nghèo nhờ làm theo lời căn dặn của Tổng Bí thư

Ngay sau khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, không ai bảo ai nhưng hai ngày qua, từ sáng sớm, cán bộ, các già làng, lực lượng Công an xã cùng nhân dân trên địa bàn xã Hồng Hạ thuộc huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung về nhà Gươl truyền thống của xã Hồng Hạ để lau chùi, dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cây xanh...

Căn nhà Gươl này là món quà quý báu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng cho bà con đồng bào Cơ tu Hồng Hạ trong một lần đến với huyện vùng cao A Lưới nằm ở đại ngàn Trường Sơn.

Tổng Bí thư trong lần đến thăm và làm việc với xã Hồng Hạ, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tổng Bí thư trong lần đến thăm và làm việc với xã Hồng Hạ, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hơn 10 năm trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương đã đến thăm bà con các dân tộc xã Hồng Hạ, huyện A Lưới - huyện nghèo nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, khảo sát tình hình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Sổ tay của chúng tôi trong chuyến công tác lần đó vẫn còn ghi, Hồng Hạ là xã trung du miền núi, có diện tích tự nhiên hơn 14.000 ha, gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống: Cơ tu, Pa Cô, Pahy, Tà Ôi và Kinh.

Tổng Bí thư phát biểu tại buổi làm việc tại xã Hồng Hạ.

Tổng Bí thư phát biểu tại buổi làm việc tại xã Hồng Hạ.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định “Phát triển kinh tế bằng trồng cây công nghiệp và rừng kinh tế; trong đó tập trung phát triển cây cao su, cây keo nguyên liệu giấy”; đồng thời đẩy mạnh thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới…

Sau khi nghe lãnh đạo xã báo cáo và tham quan mô hình trồng cao su của người dân Pa Cô, Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy, chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ, nhân dân xã Hồng Hạ đã đoàn kết, phấn đấu và đạt nhiều tiến bộ rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và đã xuất hiện một số hộ giàu.

Cán bộ và đồng bào các dân tộc ở xã Hồng Hạ rất vinh dự khi được Tổng Bí thư đến thăm, làm việc.

Cán bộ và đồng bào các dân tộc ở xã Hồng Hạ rất vinh dự khi được Tổng Bí thư đến thăm, làm việc.

Tổng Bí thư hoan nghênh xã Hồng Hạ đã triển khai nghiêm túc việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự xã hội, phòng chống nạn đốt phá rừng. Tổng Bí thư mong Đảng bộ, nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, không cam chịu đói nghèo...

Tổng Bí thư đi thăm mô hình trồng cao su của dân tộc Pa Cô ở xã Hồng Hạ.

Tổng Bí thư đi thăm mô hình trồng cao su của dân tộc Pa Cô ở xã Hồng Hạ.

Khác với mọi ngày, sáng 20/7, ông Ra Pat Thạch, người dân tộc Cơ Tu trú thôn Pa Ring – Cân Sâm, xã Hồng Hạ có mặt tại nhà Gươl truyền thống của xã từ rất sớm và mang trong mình cảm giác buồn bã. Vừa cắt tỉa hàng cây xanh phía trước nhà Gươl, ông Ra Pat Thạch giọng nghèn nghẹn: “Căn nhà Gươl này là món quà quý báu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành tặng cho đồng bào người dân tộc Cơ Tu xã Hồng Hạ trong một lần bác đến thăm địa phương. Hai hôm nay khi nghe tin Tổng Bí thư qua đời, tôi cũng như bà con trong xã rất hụt hẫng, tiếc thương người lãnh đạo kiên trung, người Đảng viên mẫu mực và nhất là rất quyết liệt trong việc chống tham nhũng...”.

Già làng Nguyễn Hoài Nam, người đã trực tiếp gặp và vinh dự được thay mặt bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Hồng Hạ phát biểu, được bắt tay với Tổng Bí thư khi đến thăm và làm việc với xã Hồng Hạ hơn 10 năm trước, chia sẻ: “Khi nghe tin Tổng Bí thư qua đời, tôi cũng như người dân trên địa bàn xã vô cùng thương tiếc như mất đi người thân ruột thịt của chính mình. Tôi còn nhớ, lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xã Hồng Hạ, tôi đã thay mặt bà con đồng bào, hứa với bác là tiếp tục vận động nhân dân đoàn kết hơn nữa, phát huy truyền thống quê hương, sẽ làm theo những căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư để sớm vươn lên thoát nghèo. Chính nhờ đó, mà hôm nay Hồng Hạ từ một xã nghèo khó đã bứt phá vươn lên, kinh tế ngày càng khởi sắc, cuộc sống người dân khá giả”.

Căn nhà Gươl truyền thống - món quà quý báu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành tặng cho nhân dân xã miền núi Hồng Hạ.

Căn nhà Gươl truyền thống - món quà quý báu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành tặng cho nhân dân xã miền núi Hồng Hạ.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ Hồ Viết Lương nhớ lại: “Thời điểm đồng chí Tổng Bí thư đến thăm và làm việc tại xã Hồng Hạ, lúc đó tôi là Bí thư Đảng ủy xã. Hôm đó, cả chính quyền địa phương, bà con trong xã nghe tin Tổng Bí thư đến địa phương mà vui mừng lắm, vô cùng phấn khởi.

Sáng hôm đó, người dân từ người già đến trẻ em đều có mặt ở xã từ rất sớm và hồi hộp chờ đợi giây phút để được thấy mặt bác Tổng Bí thư. Trong buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Hồng Hạ hôm đó, lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư im đậm cả cuộc đời tôi cũng như bà con rằng, đồng bào các dân tộc xã Hồng Hạ đoàn kết hơn nữa, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tích cực vươn lên không cam chịu đói nghèo, ai khá hơn thì vươn lên làm giàu…”.

Người dân đồng bào dân tộc thiểu số đến nhà Gươl Hồng Hạ từ sớm.

Người dân đồng bào dân tộc thiểu số đến nhà Gươl Hồng Hạ từ sớm.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại xã Hồng Hạ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng cho đồng bào Cơ Tu của xã căn nhà Gươl truyền thống trị giá 7,4 tỷ đồng và cây cầu Ưng Hoong trị giá 13 tỷ đồng. Lãnh đạo địa phương cho biết, từ khi có căn nhà Gươl, cán bộ, người dân trong xã đã có nơi để sinh hoạt cộng đồng, có nơi tổ chức các lễ hội quan trọng và là nơi giao lưu văn hóa của các bà con dân tộc thiểu số. Điều đáng quý hơn khi gần đây, nhà Gươl là điểm tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước…

Và từ khi có cây cầu Ưng Hoong, việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn rất nhiều, nhất là vào mùa mưa bão người dân không phải vượt suối, vượt khe hiểm nguy như trước đây. Cũng nhờ có cây cầu đã giúp cho hành trình tìm con chữ của trẻ em được thuận lợi hơn, nhờ vậy không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Cũng chính nhờ cây cầu đã góp phần thúc đẩy việc phát triển chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt của người dân trên địa bàn xã…

“Nhờ đó, đời sống kinh tế của người dân ngày càng khởi sắc, cuộc sống người dân ngày càng no ấm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Hạ luôn khắc ghi lòng biết ơn đối với Tổng Bí thư và hứa một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ và theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho hay.

Tổng Bí thư trong lần đến thăm và làm việc tại Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Tổng Bí thư trong lần đến thăm và làm việc tại Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Vẫn nhớ mãi lời căn dặn đầy tâm huyết

Ngày 17/3/2014, Đoàn công tác Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư biểu dương sự đoàn kết phấn đấu của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có bước phát triển quan trọng, tạo thế và lực mới trên con đường phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tổng Bí thư trao bức ảnh Bác Hồ tặng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Tổng Bí thư trao bức ảnh Bác Hồ tặng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Một số thành quả của Thừa Thiên Huế được Tổng Bí thư đánh giá cao như tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho 2 huyện miền núi, hoàn thành tái định cư cho dân thủy diện, dân đầm phá, dân vạn đò sông Hương; nhiều công trình hạ tầng quan trọng hoàn thành đưa vào sử dụng tạo động lực mới trong phát triển; bộ mặt đô thị ngày càng đổi thay, khang trang; thành phố vườn, đô thị sinh thái đang dần được hình thành; hệ thống đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh tương đối hoàn chỉnh. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ dần dần trở thành trung tâm của cả nước; các chính sách an sinh xã hội thực hiện tốt; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững.

Còn nhớ, tại buổi làm việc hôm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh cần nêu cao tinh thần đoàn kết, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng anh hùng… Để lên thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế phải xác định rõ thế mạnh, phải có khâu đột phá, với tinh thần tiến công cách mạng cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đổi mới tư duy hơn nữa, táo báo, quyết liệt, năng động hơn nữa để tạo bức phá; đồng thời khai thác tốt mọi nguồn lực vật chất, phát triển nguồn lực con người; chú trọng công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chống tệ quan liêu tham nhũng; cần liên kết tốt với các địa phương trong khu vực để phát triển, nhất là liên kết phát triển du lịch, giao thông, thương mại…

“Khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, tôi cảm thấy rất buồn. Sự ra đi của Tổng Bí Thư là nỗi mất mát vô cùng to lớn của đất nước ta khi tư tưởng dẫn đường của đồng chí vẫn đang trên đỉnh thành tựu. Lời nói và việc làm của bác Tổng Bí thư thật sự trở thành biểu tượng của phẩm giá, lương tri, danh dự con người. Đặc biệt, thời gian qua, trước những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng chí Tổng Bí thư với vai trò người đứng đầu Đảng, quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Lời nói và hành động của Tổng Bí thư luôn đi đôi với nhau. Những việc làm đó được toàn thể Đảng viên và quần chúng nhân dân ủng hộ”, bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư.

Theo bà Nguyễn Thị Sửu, thông điệp cơ bản của Nghị quyết số 54/NQ – TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng chính là tư tưởng của Tổng Bí Thư: Thừa Thiên Huế nhất thiết khẳng định được mình trong tiến trình trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương không gì khác là trên nền tảng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan môi trường và thông minh. Văn hóa Huế, con người Huế hiển hiện trực quan, sinh động trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam thời đại mới - đa cực, nhiều chiều. Phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần luôn phải đặt ngang hàng với phát triển kinh tế - nền tảng vật chất, tạo bằng được sự hài hài, tương hỗ trong phát triển các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - đối ngoại - quốc phòng an ninh.

Đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế vốn có truyền thống một lòng theo Đảng, Bác Hồ, cách mạng, chống giặc ngoại xâm thì nay cùng với việc làm sâu sắc hơn niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, Nhà nước là hết sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, phải tạo sinh kế bền vững để thúc đẩy sự tự bảo đảm ổn định đời sống của mình; tăng cường đạo tạo bồi dưỡng, rèn luyện nguồn nhân lực tại chỗ để góp phần giữ vững biên cương tổ quốc chúng ta.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-dai-ngan-truong-son-tiec-thuong-tong-bi-thu-i738024/
Zalo