Đồng bằng sông Cửu Long: Hành trình thích nghi với tự nhiên

Theo dự báo của ngành chức năng, dù diễn biến của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long không quá khắc nghiệt như các năm nhưng vẫn phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm phong phú và thích ứng kịp thời, màu xanh vẫn hiện hữu trên vùng đất khô cằn; những cánh đồng vàng vẫn trĩu hạt và hứa hẹn một mùa bội thu.

Người dân chủ động

Chúng tôi trở lại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, một vùng “rốn mặn” của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dưới cái nắng oi ả của mùa khô, cảnh vật nơi đây đã thay đổi rõ rệt so với nhiều năm trước đây. Thay vì những cánh đồng lúa khô cằn, giờ đây là vườn dừa xanh mướt, ruộng lúa-tôm xen kẽ và các vườn thanh long, xoài, sầu riêng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Người dân nơi đây đã dần học cách thích nghi với hạn mặn. Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, với thâm niên hơn 30 năm trồng lúa nhưng chúng tôi bất ngờ khi ông dẫn ra mảnh vườn dừa xanh ngắt.

 Nông dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chuyển đổi canh tác để thích ứng với hạn, mặn.

Nông dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chuyển đổi canh tác để thích ứng với hạn, mặn.

Nói về sự thay đổi này, ông chia sẻ: “Cứ nghĩ rằng cả đời mình sẽ gắn bó với cây lúa, nhưng từ năm 2020, khi hạn mặn ngày càng nặng, tôi chuyển sang trồng dừa, chịu mặn tốt hơn. Lúc đầu cũng lo lắm, nhưng giờ dừa phát triển tốt, năng suất cao, ít lo nước mặn. Tôi còn nuôi cá dưới mương để tận dụng nước và giảm công chăm sóc”.

Cách đó không xa, anh Phan Minh Tùng đang kiểm tra hệ thống ao tôm của gia đình. Trước đây, anh Minh cũng chỉ trồng lúa, nhưng khi thấy nước mặn ngày càng xâm nhập sâu, anh mạnh dạn thay đổi, chuyển sang mô hình lúa-tôm. Theo anh, mô hình này không chỉ giúp đất đai được cải tạo tự nhiên mà còn bảo đảm thu nhập ổn định hơn so với việc chỉ trồng lúa. “Mùa mưa trồng lúa, mùa khô nuôi tôm. Mô hình này giúp cải tạo đất, mang lại thu nhập ổn định mà không lo nhiễm mặn hay hạn hán”, anh Minh giải thích.

Chính quyền chung tay

Dọc theo những con đường quê huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nổi bật với những vườn cây ăn trái xanh tươi, chúng tôi dừng chân và tham quan vườn mít Thái của chị Bùi Thị Thảo. Chị chia sẻ về sự thay đổi tích cực ở địa phương nhờ vào dự án cống âu thuyền Rạch Mọp, công trình điều tiết nước, bảo vệ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 30.000 hộ dân. Cống âu thuyền không chỉ ngăn mặn, giữ nước ngọt cho hơn 19.000ha đất nông nghiệp mà còn giúp người dân yên tâm sản xuất, không còn lo lắng về nước mặn trong mùa hạn. Chính quyền huyện Kế Sách cũng hỗ trợ kỹ thuật tưới tiết kiệm và giống cây trồng phù hợp, giúp nhiều hộ dân chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Chị Thảo vui mừng kể: “Kể từ khi địa phương đầu tư hệ thống bơm điện và kênh dẫn nước đến tận vườn, mít lớn nhanh lắm, trái đẹp, thương lái vào tận vườn thu mua. Công việc thuận lợi, bà con không còn lo lắng nữa”.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, do tình hình hạn mặn mùa khô năm nay trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ giữa tháng 1-2025, với độ mặn cao hơn trung bình các năm trước. Do đó, tỉnh vừa phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đưa vào vận hành tạm cống âu thuyền Rạch Mọp, thuộc dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu tại tỉnh Sóc Trăng. Công trình cống âu thuyền này có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, góp phần bảo đảm điều kiện sản xuất ổn định cho khoảng 19.000ha đất nông nghiệp ở các huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú và TP Sóc Trăng; đồng thời kiểm soát mặn, giữ ngọt, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân địa phương...

Tương tự, để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn, đồng thời cung cấp nguồn nước mặt bảo đảm chất lượng thường xuyên cho các nhà máy xử lý nước sạch, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng hồ chứa nước ngọt với tổng mức đầu tư khoảng 183 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Hồ cũng được trang bị hệ thống máy bơm công suất lớn, giúp điều tiết nguồn nước hiệu quả bảo đảm nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Vị Thủy và một số vùng lân cận như TP Vị Thanh, huyện Long Mỹ, huyện Châu Thành A. Ước tính sẽ có hơn 260.000 hộ dân của Hậu Giang được hưởng lợi từ dự án này.

Hạn mặn không còn là bài toán nan giải khi người dân và chính quyền cùng chung sức tìm hướng đi mới. Những công trình thủy lợi kết hợp với mô hình canh tác linh hoạt đã giúp bà con ổn định sinh kế và hướng tới phát triển bền vững. Không còn bị động trước thiên tai, họ đang từng bước biến thách thức thành cơ hội, xây dựng một nền nông nghiệp vững vàng trước biến đổi khí hậu.

Bài và ảnh: THANH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-hanh-trinh-thich-nghi-voi-tu-nhien-826527
Zalo