'Chiến binh' thầm lặng và đặc biệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Tham gia nhiều nhiệm vụ trong điều kiện phức tạp, nguy hiểm nhưng nhờ quá trình đào tạo bài bản, lực lượng quân khuyển có thể hoạt động hiệu quả
Lực lượng quân khuyển biên phòng là những chiến binh thầm lặng, không thể thiếu của công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện phức tạp do thiên tai, mưa lũ, sạt lở… Nhiều nhiệm vụ tưởng như đi vào "ngõ cụt" nhưng đã được hoàn thành xuất sắc bởi những chú chó dũng cảm và nhạy bén.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng gần đây nhất của đội quân khuyển là trình diễn tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, có 118 quân khuyển là giống Berger Đức và Berger Bỉ được lựa chọn tham gia triển lãm; 81 trong số này biểu diễn đội hình khối; 5 con vượt vật cản; 2 con tham gia tình huống đánh bắt tội phạm và 30 quân khuyển làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho sự kiện.
Màn trình diễn của lực lượng quân khuyển thuộc Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã thu hút hàng ngàn khán giả. Những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt khi những chú chó nghiệp vụ thể hiện sự khéo léo, vượt vòng lửa đầy ngoạn mục. Sự kết hợp uyển chuyển, mãn nhãn của các huấn luyện viên cùng với những chú chó quân khuyển đã ghi dấu ấn trong lòng khách tham quan, tạo nên một phần không thể quên tại triển lãm.
Đằng sau những màn trình diễn mãn nhãn, Trung tá Trần Quốc Hương, Cụm trưởng Cụm cơ động 4 (Trường Trung cấp 24 Biên phòng), phụ trách công tác huấn luyện chó nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ tại triển lãm, cho biết trải qua quá trình 10 tháng, nhà trường đã tích cực, chủ động xây dựng giáo án luyện tập riêng dành cho lực lượng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ. Các bài tập được chia theo từng giai đoạn cụ thể, nâng dần độ khó, liên tục được điều chỉnh, bổ sung sát với thực tế. Cùng với đó, chế độ ăn của chó nghiệp vụ cũng được tính toán khoa học, chi tiết để đáp ứng cường độ huấn luyện trong mỗi nội dung trình diễn.
Theo Trung tá Trần Quốc Hương, khác với điều kiện huấn luyện tại đơn vị và thực hiện nhiệm vụ như trước đây, các nội dung trình diễn của chó nghiệp vụ tại triển lãm sẽ diễn ra trên không gian rất rộng. Cùng với đó, các màn trình diễn võ thuật hay hoạt động nghệ thuật với tiếng ồn lớn, đông người có thể khiến chó nghiệp vụ trở nên kích thích hơn. Do vậy, yêu cầu của công tác huấn luyện đòi hỏi phải có thời gian dài để chó nghiệp vụ dần làm quen, thích nghi với điều kiện môi trường.
Đáng chú ý, trong số tham gia trình diễn tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 có 36 lượt cán bộ, huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ từng tham gia tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) năm 2020, thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 và mới nhất là vụ sạt lở ở thôn Làng Nủ (Lào Cai) vào đầu tháng 9-2024.
Theo đó, trận động đất mạnh 7,9 độ richter ngày 6-2-2023 đã khiến hơn 40.000 người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt mạng. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố báo động cấp độ 4 và kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế. 76 quân nhân Việt Nam từ các lực lượng cứu sập, công binh, đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, quân y, sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cứu nạn sau động đất. Trong đó, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cử 9 huấn luyện viên và chỉ huy, 6 chó nghiệp vụ.
Vượt quãng đường hơn 8.000 km với hai chặng bay, di chuyển bằng ôtô đến Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) để thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ. Tại đây, hàng ngàn ngôi nhà đổ sập, hàng trăm tấn bêtông đè ép lên nhau, chênh vênh, có thể sập xuống bất cứ lúc nào khiến công tác cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Khi tới nơi, đoàn công tác đã dùng chó nghiệp vụ đánh hơi, công binh dò tìm, giúp đẩy nhanh thời gian tìm kiếm. Nhờ những chiếc mũi tinh nhạy của chó nghiệp vụ cùng đoàn công tác, sau 10 ngày tìm kiếm tại 31 điểm đã xác định 15 vị trí có người, trong đó 2 vị trí có dấu hiệu sự sống và 28 thi thể.
Tương tự, sạu trận lũ quét kinh hoàng tại Làng Nủ, 8 chú chó nghiệp vụ được huy động tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Những chú chó tinh nhuệ, khỏe mạnh và xuất sắc đã cùng lực lượng cứu nạn, cứu hộ lùng sục với hàng trăm ngàn tấn đất, đá tìm kiếm các nạn nhân xấu số.
Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng, nhấn mạnh từ những ngày đầu thành lập, công tác đào tạo huấn luyện viên và chó nghiệp vụ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ các mục tiêu kinh tế quan trọng, tìm kiếm cứu nạn... đã được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Trường Trung cấp 24 Biên phòng.
"Chó nghiệp vụ giám biệt nguồn hơi là công cụ, là phương tiện đặc biệt quan trọng giúp các lực lượng trinh sát có thêm căn cứ để xác định hướng điều tra của vụ án. Việc tìm ra nguồn hơi của đối tượng nghi vấn lẫn trong nhiều nguồn hơi khác nhau thông qua việc ngửi mẫu nguồn hơi ban đầu là cơ sở để lực lượng trinh sát nhanh chóng tìm ra thủ phạm, hoàn thành nhiệm vụ được giao"- Đại tá Nguyễn Quang Thuyên nêu rõ và cho biết chó nghiệp vụ có thể làm những nhiệm vụ đặc biệt "không ai có thể thay thế được".