Đón xung lực mới cho phát triển
Năm 2025, hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành để chuẩn bị đưa vào khai thác.
Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực phát triển mới cho Đồng Nai hiện thực hóa khát vọng “cất cánh”.
Các “siêu” dự án tiến sát “vạch đích”
Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là dự án hạ tầng đặc biệt quan trọng của đất nước được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Việc đầu tư, hoàn thành dự án mở ra cơ hội cạnh tranh với các sân bay khu vực, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế.
Theo kế hoạch ban đầu, Sân bay Long Thành giai đoạn 1 với công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026. Tuy nhiên, trong chuyến kiểm tra tiến độ dự án vào đầu tháng 12-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tất cả các công việc của dự án phải hoàn thành trước ngày 31-12-2025 và đưa Sân bay Long Thành vào khai thác trước ngày 28-2-2026.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Sân bay Long Thành là công trình biểu tượng của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng nên phải rút ngắn tiến độ so với trước đó, với mục tiêu tới ngày 31-12-2025 phải cơ bản hoàn thành công trình biểu tượng này để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phát động Phong trào Thi đua “365 ngày đêm thi đua hoàn thành Dự án Sân bay Long Thành chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV” trong tháng 1-2025.
“Chúng ta có đủ cơ sở để rút ngắn tiến độ, cơ bản hoàn thành dự án vào ngày 31-12-2025, do chúng ta đã trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn trong triển khai các dự án hạ tầng lớn, các thủ tục đã cơ bản xong, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, nhân lực, máy móc trên công trường tương đối đầy đủ” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thực hiện yêu cầu rút ngắn tiến độ dự án, đơn vị đã làm việc với các nhà thầu để điều chỉnh lại kế hoạch nhằm nỗ lực hoàn thành vào cuối năm 2025.
“Với gói thầu xây dựng nhà ga hành khách Sân bay Long Thành, chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất rút tiến độ xuống 3 tháng so với hợp đồng” - Chủ tịch HĐQT ACV Vũ Thế Phiệt cho biết.
Bên cạnh Dự án Sân bay Long Thành, 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia khác được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025 là Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Bôn cho biết, đối với Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã nỗ lực bàn giao mặt bằng khả quan hơn trước. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp tiến độ chung. Dự kiến đầu tháng 1-2025, khi mặt bằng được bàn giao hoàn toàn, các đơn vị sẽ đẩy mạnh thi công.
Trong khi đó, tại Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Nguyễn Linh cho biết, các nhà thầu đang tập trung nhân lực, máy móc tăng tốc thi công nhằm bù tiến độ dự án đã bị chậm trước đây.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, đối với 2 dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu tỉnh đề ra là phải thi công cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác đoạn tuyến các dự án qua địa bàn tỉnh từ năm 2026.
“Bệ phóng” đưa Đồng Nai cất cánh
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Đồng Nai hiện có những lợi thế so sánh to lớn so với các địa phương khác trong quá trình phát triển thời gian tới như: vị trí địa lý, lợi thế từ sông Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch và đặc biệt là Sân bay Long Thành. Đây sẽ là những điểm sáng, những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng của Đồng Nai trong tương lai.
Đối với Sân bay Long Thành, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, khi Chính phủ chọn Long Thành làm điểm đặt sân bay thì đây rõ ràng đã trở thành một lợi thế so sánh rất lớn về phát triển của Đồng Nai trong tương lai. Sân bay Long Thành là sân bay trung chuyển quốc tế, là điểm thu hút về giao thông hàng không của khu vực, là động lực rất to lớn cho Đồng Nai, cho vùng Đông Nam Bộ cùng phát triển.
“Quy mô của Sân bay Long Thành trong giai đoạn 1 có công suất 25 triệu lượt khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, mỗi ngày sẽ đón trung bình 70 ngàn hành khách, khi hoàn thành toàn bộ, một ngày sẽ đón 300 ngàn lượt hành khách. Đây là con số cực kỳ lớn và tôi kỳ vọng sẽ mang đến sự phát triển mạnh mẽ cho Đồng Nai. Sân bay Long Thành sẽ là một điểm kết nối cho phát triển công nghiệp công nghệ cao, là một điểm nhấn phát triển dịch vụ logistics, các ngành dịch vụ khách sạn, thương mại và các dịch vụ cao cấp cho du khách quốc tế. Như vậy, đòi hỏi sẽ phải có rất nhiều vệ tinh về kinh tế xoay quanh Sân bay Long Thành, nó tạo nên một động lực mạnh mẽ không chỉ cho Long Thành, mà cho cả Đồng Nai trong phát triển. Sân bay Long Thành gắn với Cảng Phước An, gắn với giao thông đường thủy mà tâm điểm là sông Đồng Nai sẽ trở thành những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh trong thời gian tới” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá, thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng kết nối bao gồm các tuyến đường cao tốc, đường vành đai và đặc biệt là Sân bay Long Thành được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Khi các dự án này hoàn thành sẽ nâng cao đáng kể khả năng kết nối và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh. Đồng Nai với vị trí trung tâm vùng, là giao điểm kết nối của các trục đường cao tốc, quốc lộ và đường sắt của khu vực nên được hưởng lợi từ các dự án mới, kết nối chặt chẽ hơn với các tỉnh và trở thành hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài các liên kết giao thông, các tỉnh trong vùng cũng đẩy mạnh liên kết trong vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và các ngành kinh tế để tận dụng tốt nhất thế mạnh của từng tỉnh và cộng hưởng phát triển.
Với thế mạnh hạ tầng kết nối, thương hiệu và bề dày phát triển công nghiệp, chăn nuôi và tiềm năng phát triển các lĩnh vực kinh tế mới chính là cơ sở để tạo nên tầm nhìn mang tính đột phá, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, để khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế từ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn, tỉnh đã tập trung cho công tác quy hoạch, định hình các dự án để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với Sân bay Long Thành, tỉnh đã tổ chức thi tuyển ý tưởng quốc tế Quy hoạch đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận nhằm tìm ra những ý tưởng tốt nhất, đột phá nhằm thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, Đồng Nai đang tập trung nguồn lực để đầu tư, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kết nối với Sân bay Long Thành nhằm lan tỏa động lực phát triển từ cực tăng trưởng mới của tỉnh một cách sâu, rộng.