Đơn vị điều tra tội phạm mạng đứng sau vụ bắt giữ ông chủ Telegram
Ít người biết rằng, cuộc điều tra nhà sáng lập - Giám đốc điều hành Telegram Pavel Durov trở thành phát súng cảnh cáo tới những ông trùm công nghệ toàn cầu lại do một đơn vị điều tra tội phạm mạng nhỏ thuộc Văn phòng Công tố Paris (Pháp) khởi xướng.
Vụ bắt giữ tỷ phú công nghệ Durov, 39 tuổi hôm 24-8 đã đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong cách ứng phó với ông chủ các “gã khổng lồ” về công nghệ toàn cầu khi họ không hợp tác trong kiểm soát nội dung bất hợp pháp trên nền tảng có lượng lớn người sử dụng.
Trong một động thái chưa từng có đối với một giám đốc điều hành công nghệ lớn, các công tố viên Paris lập luận rằng, ông chủ Telegram phải chịu trách nhiệm về hành vi bất hợp pháp nảy sinh trên nền tảng của mình. Đó là lý do doanh nhân gốc Nga Pavel Durov bị điều tra chính thức về các cáo buộc liên quan đến tội phạm có tổ chức. Ông này bị tình nghi đồng lõa trong việc điều hành một nền tảng trực tuyến cho phép đăng tải hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và gian lận…
Ít người biết rằng, đây là chiến công đầu tiên của đơn vị chống tội phạm mạng J3, thuộc Văn phòng Công tố Paris, do bà Johanna Brousse, 38 tuổi, đứng đầu. Vụ bắt giữ cho thấy bản lĩnh của J3, nhưng thử thách thực sự đối với đơn vị này sẽ là liệu vụ việc có thể dẫn đến một bản án dựa trên một lập luận pháp lý chưa từng có tiền lệ hay không.
Việc bị điều tra chính thức tại Pháp không có nghĩa là có tội hoặc nhất thiết phải ra tòa, nhưng cho thấy các thẩm phán có đủ bằng chứng để tiến hành điều tra. Các cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc hủy bỏ. Luật sư của ông Durov sau vụ bắt giữ cho rằng, thật “vô lý” khi lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm cho hành vi lợi dụng Telegram để phạm tội và ứng dụng này vẫn tuân thủ luật pháp châu Âu.
J3 bắt đầu điều tra ông chủ Telegram vào đầu năm nay sau khi thấy ứng dụng này được sử dụng cho vô số tội danh bị cáo buộc và ngày càng thất vọng vì “Telegram hầu như không phản hồi các yêu cầu của tòa án”, Công tố viên Paris Laure Beccuau cho biết. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Liberation vào tháng 1-2024, Công tố viên Johanna Brousse cho biết, văn phòng của bà đang giám sát một số lượng lớn các cuộc điều tra liên quan đến Telegram và ứng dụng nhắn tin đối thủ Discord, đồng thời nói thêm rằng việc giải quyết tội phạm trên các ứng dụng này là “một trong những cuộc chiến của tôi”.
J3 là đơn vị chống tội phạm mạng quan trọng nhất của Pháp, được cấp phép truy tố trên toàn quốc. Nhưng đơn vị này cũng nhỏ, chỉ có 5 công tố viên, ít hơn nhiều so với 55-60 công tố viên tội phạm mạng ở Thụy Sĩ, theo báo cáo của quốc hội năm 2022. Với nguồn lực hạn chế, họ “ưu tiên những tội nghiêm trọng nhất”, như lời bà Brousse nói với Le Figaro vào năm ngoái.
Trên podcast năm 2022, bà Brousse chia sẻ rằng muốn tỏ ra cứng rắn để tội phạm mạng tin rằng nếu tấn công nước Pháp, chúng sẽ bị xét xử và trừng phạt rất nghiêm khắc. Bà nói thêm rằng văn phòng của bà đã quen với “những vụ án cực kỳ nhạy cảm. Đôi khi, các vấn đề pháp lý và địa chính trị lại giao thoa với nhau”.
Ông Patrick Perrot, người điều phối các cuộc điều tra có sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại lực lượng hiến binh Pháp và cố vấn cho đơn vị chỉ huy mạng của Bộ Nội vụ Pháp cho biết, J3 đã có sáng kiến trong việc tìm cách truy tố những vụ án tạo ra tiền lệ quốc tế. “Tôi nghĩ điều này cho thấy, không thể để cho những nền tảng này tự tung tự tác. Đó sẽ là rắc rối thực sự cho tương lai, vì những nền tảng này sẽ không ngừng nhân lên, nên quy định là điều cần thiết”, ông Patrick Perrot nói.
Brousse đã lãnh đạo J3 kể từ năm 2020 và cũng đứng đầu một trong những vụ án tội phạm mạng quan trọng nhất, gây tranh cãi nhất của Pháp từ trước đến nay. Vào cuối năm 2020, J3 đã phụ trách cuộc điều tra về Sky ECC cùng với Encrochat là những dịch vụ truyền thông được mã hóa chính được các băng đảng sử dụng để mua ma túy và vũ khí, hoặc giết chết đối thủ. Vài năm trước đó, cảnh sát Pháp, Hà Lan và Bỉ đã hack vào máy chủ của họ, được đặt ở miền Bắc nước Pháp, trao cho các công tố viên Pháp quyền điều tra. Theo cơ quan cảnh sát châu Âu, đã có hơn 6.500 vụ bắt giữ kể từ khi Encrochat bị đánh sập vào năm 2020.
Paul Krusky, ông chủ Encrochat người Canada, đã bị dẫn độ vào tháng 2 từ Cộng hòa Dominica đến Pháp, hiện đang chờ xét xử. Còn các luật sư của Jean-François Eap, ông chủ Sky ECC phản đối lệnh bắt giữ của Pháp đối với ông. Họ cho rằng, các ứng dụng này chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền riêng tư và quyền tự do trao đổi của người dùng và không hỗ trợ các hoạt động tội phạm.
Hai luật sư người Pháp khác từng làm việc trong các vụ án Sky ECC và Encrochat nói với Reuters rằng, các cuộc điều tra trước đó đã tạo cho các công tố viên tham vọng để nhắm vào Durov. Robin Binsard, người đã đấu tranh với các vụ án Encrochat tại tòa án tối cao của Pháp cho biết, các công tố viên sẽ cần phải chứng minh rằng Durov biết và chấp thuận hành vi phạm tội trên ứng dụng Telegram. Ông nói thêm rằng, Pháp đang theo đuổi các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin được mã hóa với thông điệp rất rõ ràng, nếu họ không tuân thủ, hành động pháp lý sẽ được thực hiện.
Theo Theo Reuters