Dồn sức cho Đề án 06 Kỳ 2: 'Chân đi, miệng nói, tay làm'
Đề án 06 sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hình thành công dân số, xã hội số… Thế nhưng, để thực hiện được các nhiệm vụ của Đề án 06, vẫn cần nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tuyên truyền với tinh thần “chân đi, miệng nói, tay làm”.
Còn khó khăn
Chiều 28-6, tại trụ sở Công an xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh), có khá đông người dân đến đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Xã Cam Thịnh Tây có tới 99,5% đồng bào dân tộc Raglai, kinh tế khó khăn. Theo ông Lê Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây, trong gần 4.400 người đủ tuổi làm căn cước công dân (CCCD) ở xã, khoảng 500 người không có điện thoại, chỉ 200 người có điện thoại thông minh. Vì vậy, nhiều trường hợp đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 không tự kích hoạt được. Công an xã đã làm việc từ sáng đến tối, có khi tới 23 giờ; đoàn viên, thanh niên túc trực liên tục để hướng dẫn người dân. Tuy nhiên, đến nay, toàn xã mới thu nhận được 1.345 hồ sơ (khoảng 50% chỉ tiêu được giao).
Ở xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), có tình trạng đường truyền mất kết nối, hệ thống quá tải, nhất là vào lúc cao điểm, khiến việc thu nhận bị gián đoạn, khó “làm sạch” dữ liệu và giải quyết hồ sơ. Những người làm CCCD từ tháng 5-2022 trở về trước phải tới Công an huyện kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, nhưng xã có tới 4 thôn đảo, việc vào bờ còn khó khăn. Quá trình triển khai tại huyện cũng cho thấy hiệu suất thu nhận trong ngày chưa cao, do các địa phương còn tập trung làm tại nhà cho người già yếu, bệnh tật, ở địa bàn xa. Số công dân đến theo khung giờ cũng chưa đều, có lúc người chờ máy, lại có lúc máy chờ người; nhiều người khó lấy dấu vân tay; 2 bộ thiết bị thu nhận CCCD đã dùng từ năm 2021, hoạt động thường trục trặc; nhiều người đi làm ăn xa...
Ông Phan Xuân Hòa - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Ninh Hòa chia sẻ, thị xã đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD, nhưng đến ngày 26-6, việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mới đạt 27,31% chỉ tiêu. Nguyên nhân một phần do địa bàn rộng, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chưa chủ động phối hợp. Mặt khác, giai đoạn đầu, cả thị xã chỉ có 2 máy thu nhận hồ sơ, sau đó được cấp thêm 3 máy, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số nơi lại gặp vướng khi đồng bộ xác minh, phân loại các trường hợp không thể làm CCCD do đã chết, vắng mặt tại địa phương, xuất cảnh…
Từng bước tháo gỡ
Với tinh thần “vướng đâu gỡ đó”, “chân đi, miệng nói, tay làm”, nhiều địa phương đã chủ động tìm hướng tháo gỡ phù hợp, đồng thời tiếp tục triển khai mạnh mẽ. Mới đây, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Đề án 06 của thị xã Ninh Hòa đã kêu gọi vận động xã hội hóa được 11 máy thu nhận tài khoản định danh điện tử mức độ 2, nâng tổng số lên 16 máy. Nhờ đó, tiến độ của nhiều xã, phường đã được cải thiện. Ngày 27-6, xã Ninh Đông thu nhận được 298 hồ sơ (chỉ tiêu là 47); xã Ninh Sim thu nhận 385 hồ sơ (chỉ tiêu 112); xã Ninh Phú thu nhận 407 hồ sơ (chỉ tiêu 87)…
Ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, ngày 26-6, thành phố đã hoàn thành cấp CCCD, nhưng không thể hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 65% công dân đã có CCCD (101.556 người) trước ngày 30-6. Thành phố đã quyết định chi hơn 500 triệu đồng đầu tư thêm 15 máy, mỗi máy thu nhận 200-300 hồ sơ/ngày, bắt đầu từ ngày 21-6. Đến cuối ngày 28-6, thành phố đã thu nhận 47.479 tài khoản định danh điện tử mức độ 2, kích hoạt 21.551 tài khoản.
Ở xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh) có bản danh sách do Công an xã lập với những ghi chú khá ấn tượng. Ngoài những thông tin cơ bản, như: Họ tên, ngày sinh, quê quán…, danh sách còn ghi chú rõ từng người có hay không dùng điện thoại, dùng điện thoại thường hay điện thoại thông minh, số điện thoại… Những ghi chú này đã giúp công an xã rất nhiều khi cần sàng lọc đối tượng, lên kế hoạch vận động, liên hệ. Vì vậy, tuy xã chỉ có khoảng 10% trong hơn 1.400 người thuộc diện cấp CCCD có điện thoại thông minh, nhưng đến ngày 29-6, vẫn thu nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử đạt 90% chỉ tiêu, kích hoạt tài khoản đạt 30%. Toàn huyện thu nhận hồ sơ đạt 110,2%; kích hoạt tài khoản đạt 63,4%.
Để thuận lợi trong việc triển khai, cung cấp, tích hợp các thủ tục hành chính trực tuyến thiết yếu, phường Vĩnh Thọ (TP. Nha Trang) đã chủ động tháo gỡ trong thực hiện thủ tục đăng ký khai tử quá hạn. Theo quy định, trường hợp mất đã lâu, đã đăng ký khai tử tại địa phương nhưng người nhà không nhớ thì người thân phải tới xin cấp trích lục khai tử. Tuy nhiên, trong thực tế ít người quan tâm thực hiện. Do đó, Đảng ủy, UBND phường thống nhất chủ trương, trên cơ sở danh sách từ công an chuyển sang, công chức tư pháp - hộ tịch đối chiếu với dữ liệu gốc tại sổ quản lý hộ tịch ở địa phương, nếu đúng thì chủ động làm trích lục khai tử để cung cấp dữ liệu cho công an… Trường hợp đăng ký khai tử quá hạn, chính quyền vận động người dân tới cung cấp thông tin, chụp hình bia mộ; sau đó cán bộ sẽ phối hợp đi xác minh tận nơi, đối chiếu với dữ liệu trong phần mềm về khai sinh, kết hôn để đảm bảo thông tin “sạch”. Nhờ đó, phường không vướng trường hợp nào liên quan đến khai tử khi triển khai Đề án 06.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền
Sáng cuối tuần, ông Bùi Hoạch (90 tuổi) và bà Trần Thị Kim Thanh (79 tuổi, ở 114 Đông Phước, phường Phước Long, Nha Trang) đi bộ tới Công an phường đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2. Sau ông bà, một người dân có điện thoại bình thường cũng đề nghị được cài đặt ứng dụng VNeID. Ông Hoạch bảo, nghe nói tài khoản định danh điện tử có nhiều lợi ích nên phải đi làm. Bà Thái Thị Hương - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Phước Long cho biết, thời gian trước, UBMTTQ Việt Nam phường giao chỉ tiêu vận động đăng ký tài khoản định danh điện tử theo ngày cho từng ban công tác mặt trận, từng trưởng ban và các thành viên. Từ ngày 27-6, trên cơ sở danh sách của công an, xác định được từng cá nhân chưa đăng ký, cán bộ sẽ nhắc nhở trực tiếp. Các nhóm Zalo phát huy chức năng thông tin tối đa; cập nhật kết quả từng giờ và dùng kết quả vận động để chấm điểm thưởng thi đua.
Kết quả từ công tác tuyên truyền khó đo đếm được ngay, nhưng tác động xã hội đã lan tỏa. Các địa phương xác định sẽ tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn và giúp người dân hiểu rõ những dịch vụ công liên thông trên môi trường số hóa. Bà Mai Thị Hồng Lê - Tổ trưởng tổ dân phố 1 Phước Thành (phường Phước Long) chia sẻ: “Qua tập huấn, tôi hiểu Đề án 06 có ý nghĩa quan trọng, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân, đơn vị, địa phương. Để tuyên truyền cho dễ hiểu, tôi đã ví tài khoản định danh điện tử như cái bóp đựng giấy tờ tùy thân, đi đâu mà quên CCCD, bằng lái xe, chỉ việc mở ứng dụng VNeID trên điện thoại (đã tích hợp giấy tờ) để được giải quyết; ngồi ở nhà đóng thuế, trả tiền điện, nước… đều được. Nghe vậy, người dân hiểu ngay, vui vẻ đăng ký, kích hoạt. Chúng tôi cũng xác định, muốn tuyên truyền hiệu quả, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước, rồi đi từng ngõ, rà từng nhà… Khi người dân đã hiểu, đã tin, tự khắc sẽ chủ động làm để được thụ hưởng”.
NHÓM PV
Kỳ cuối: Tạo lập các giá trị mới