Trung ương Đảng yêu cầu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí những người không đủ năng lực, uy tín
Trung ương Đảng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ trong hệ thống chính trị
Tại kết luận số 121 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổng kết Nghị quyết số 18 về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 24-1, Trung ương Đảng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo đó, Trung ương lưu ý thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trung ương yêu cầu tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới. Trong đó, xây dựng các cơ quan của Đảng ở Trung ương mạnh về tổ chức, cán bộ, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước; đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật và nâng cao chất lượng các dự án luật.
Chính phủ tập trung cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Cùng với đó, đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan điều tra, thi hành án, bổ trợ tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Kết luận số 121 nêu rõ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội khắc phục hành chính hóa hoạt dộng, công chức hóa cán bộ, đáp ứng yêu cầu công tác vận động quần chúng của Đảng; xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương thực sự tinh gọn, phù hợp.
Cần phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp; xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.
Theo yêu cầu của Trung ương Đảng, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, còn "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn chồng chéo, bất cập cản trở sự phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho phát triển. Tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Trung ương Đảng cũng yêu cầu nghiên cứu tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, giảm cấp hành chính trung gian phù hợp với thực tiễn, mở rộng không gian phát triển, tăng cường nguồn lực của địa phương.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo nguyên tắc "một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính".
Trung ương Đảng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ trong hệ thống chính trị. Khẩn trương ban hành cơ chế hữu hiệu lựa chọn, bố trí đúng cán bộ tốt, thực sự có đức, có tài, có khát vọng cống hiến, thực sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị; sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Cũng theo kết luận số 121, Trung ương chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy trình công tác, nguyên tắc làm việc bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp", tạo đột phá về hiệu lực, hiệu quả hoạt động; chất lượng hoạt động được "nâng tầm".