Đòn giáng trả xoay chuyển cục diện
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của quân và dân ta, đã tạo ra một bước ngoặt quyết định của chiến tranh, không chỉ đánh bại chiến lược 'chiến tranh cục bộ', mà còn đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Thắng lợi này đã đưa dân tộc ta bước vào 'giai đoạn vừa đánh, vừa đàm ở thế mạnh hơn so với Mỹ'.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

Lực lượng vũ trang Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã thể hiện sức mạnh, ý chí, quyết tâm cao độ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên những chiến công lịch sử trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968. Trong ảnh: Quân Giải phóng mặt trận Sài Gòn - Gia Định tuyên thệ, nhận nhiệm vụ trước giờ xuất kích. Ảnh: TƯ LIỆU
Quyết sách chiến lược
Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là sự phô diễn tối đa sức mạnh quân sự của đế quốc số một thế giới. Như lời “tường trình” của một viên tướng Mỹ từng đứng đầu bộ máy chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, thì “tin tưởng rằng nước Mỹ chưa hề cho ra trận một lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến hơn lực lượng ở Việt Nam trong những năm 1966-1969”. Với việc triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ”, mục đích của đế quốc Mỹ không chỉ nhằm củng cố vị trí ở Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á; mà còn giúp giữ vững vai trò lãnh đạo “thế giới tự do” của Mỹ. Tìm được chiến thắng ở Việt Nam với “chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ muốn chứng tỏ cho thế giới về sức mạnh hùng hậu, khả năng đè bẹp bất cứ cuộc khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng nào, nhằm răn đe phong trào giải phóng dân tộc của Nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ Latinh. Thế nhưng, với tinh thần chủ động, kiên quyết và khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ cho đế quốc Mỹ và Nhân dân tiến bộ trên thế giới thấy rằng: Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực cường quyền nào, dù là hùng mạnh và tàn bạo nhất!
Nắm quyền chủ động tiến công chiến lược trên chiến trường, nhờ vào thế trận chiến tranh Nhân dân rộng khắp, kết hợp với sự lớn mạnh của các đơn vị chủ lực, ta đã đánh bại cuộc phản công mùa khô 1965-1966 và nhất là chiến lược “Hai gọng kìm” tìm diệt và bình định trong mùa khô 1966-1967. Thắng lợi quan trọng này đã khẳng định, Nhân dân ta hoàn toàn có thể đánh thắng đội quân xâm lược hùng mạnh, bằng một ý chí gang thép không gì lay chuyển nổi.

Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”, chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, dù ngày càng sa lầy vào cuộc chiến ác liệt và tưởng chừng không lối thoát ở Việt Nam, song đế quốc Mỹ vẫn không chịu từ bỏ dã tâm. Ngược lại, chúng tiếp tục tăng quân, tăng chi phí quân sự và ném vào chiến trường một khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ, hiện đại nhất. Thực tế, so sánh tương quan lực lượng ta và địch về quân số, vũ khí trang bị, sức cơ động và tính hiện đại, địch hơn ta gấp nhiều lần. Cho nên, việc đánh tiêu diệt chiến dịch, chiến lược đối với quân viễn chinh Mỹ là điều khó có thể thực hiện được. Điều này đặt ra yêu cầu tìm cách đánh mới, khác cách đánh truyền thống, nhằm đập tan ý chí, dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ.
Thực tế ấy đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách mới, những chiến lược mới. Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10 và tháng 12/1967 đã thảo luận và quyết định Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân, dân ta. Bộ Chính trị nhận định “Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn”, làm cơ sở để “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của Nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Sau khi thảo luận kỹ khả năng đánh thành phố của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh.

Đêm 20/1/1968, quân chủ lực của ta tiến công Tập đoàn cứ điểm Khe Sanh ở Quảng Trị, uy hiếp tuyến phòng thủ Đường 9 của địch để nghi binh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Chiến dịch nghi binh này đã thành công khi thu hút sự chú ý của giới cầm quyền tại Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn. Trong ảnh: Quân Giải phóng tiến công căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bằng phương pháp tổng tiến công đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của địch ở các thành phố, thị xã, kết hợp với nổi dậy của quần chúng. Đây là một sáng tạo lớn trong đường lối chỉ đạo kết thúc chiến tranh của Đảng ta, một quyết định sáng suốt và táo bạo chưa có tiền lệ trong lịch sử các cuộc chiến tranh trước đó. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và cấp bách, đòi hỏi quân và dân ta ở cả hai miền phải cố gắng nỗ lực vượt bậc, đạp bằng mọi khó khăn để giành thắng lợi cao nhất.
Thắng lợi có tính bước ngoặt
Thực hiện quyết sách chiến lược của Đảng, trên cả hai miền Nam - Bắc, mọi công việc chuẩn bị diễn ra rất khẩn trương. Tính đến cuối năm 1967 đầu năm 1968, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy về cơ bản đã hoàn thành. Lực lượng ta trên các chiến trường, hướng trọng điểm sẵn sàng chờ giờ G giáng một đòn mạnh mẽ và bất ngờ xuống các trung tâm đầu não của địch ở các thành phố, thị xã. Đúng giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta đồng loạt nổ súng tổng tiến công và nổi dậy, đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não địch ở Trung ương và địa phương trên khắp miền Nam, với trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng.
Cuộc tấn công vào Sài Gòn – nơi đặt các cơ quan đầu não của chế độ Mỹ - Ngụy, đặc biệt là Dinh Độc Lập và Tòa Đại sứ Mỹ, đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động nước Mỹ. Tổng thống L.Giônxơn đã phải thốt lên đầy chua chát: “Việt Cộng đã đi dạo mát trong sứ quán của ta rồi”. Tại Huế, trong những ngày tổng tiến công và nổi dậy, ta đã đánh chiếm được một số mục tiêu chủ yếu. Hãng tin Reuters (Anh) ngày 7/2/1968, đánh giá: “Sau 5 ngày đánh nhau ác liệt, giành giật từng ngôi nhà, quân cộng sản vẫn chiếm hơn một nửa thành phố Huế và quân “chính phủ” tiến dần từng bước một cách vất vả. Các nhà quân sự ở đây cảm thấy rằng, quân cộng sản chứng tỏ là họ có thể vào và ra Huế bất cứ khi nào họ muốn. Cho đến nay không có dấu hiệu nào tỏ ra là họ có ý định rút lui". Còn tại Đà Nẵng - thành phố lớn và là căn cứ liên hợp quân sự đứng thứ hai ở miền Nam Việt Nam - kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy không thực hiện được, do các đòn quân sự bên trong yếu, không đánh diệt được các mục tiêu quan trọng, nên không hỗ trợ được cho quần chúng nổi dậy.

Phân Khu ủy Phân khu 1 (Sài Gòn-Gia Định) họp bàn kế hoạch cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là cuộc tiến công chiến lược quy mô rộng lớn nhất, cường độ mãnh liệt nhất, đều khắp nhất từ trước đến nay của quân và dân ta. Cùng một lúc, lực lượng vũ trang và Nhân dân ta ở miền Nam đã tiến công vào 4/5 thành phố, 37/44 thị xã, thành phố khác, 64/242 thị trấn, quận lỵ. Hầu hết các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương đều bị ta tiến công. Chính tướng W. Oétmolen, Tổng chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ ở miền Nam, đã phải thừa nhận: "Việt cộng đã đưa chiến tranh đến các thành phố, các đô thị, đã gây thương vong, thiệt hại và nền kinh tế bị phá hoại... các trung tâm huấn luyện bị đóng cửa. Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta (Mỹ) phải công nhận đối phương (cộng sản) đã giáng cho Chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề”.
Với đòn tiến công Tết Mậu Thân, quân và dân ta ở miền Nam đã buộc Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải hủy bỏ chiến lược “tìm diệt”, thay bằng chiến lược “quét và giữ”, thế bố trí chiến lược của chúng một lần nữa bị đảo lộn. Ngày 31/3/1968, Mỹ chính thức tuyên bố ngừng mọi hoạt động bằng không quân và hải quân chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra và đồng ý bước vào đàm phán với Chính phủ ta. Với quyết định này, chính quyền Mỹ đã mặc nhiên thừa nhận sự thất bại quân sự, chính trị trên chiến trường Việt Nam và sự phá sản hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Đây là một thắng lợi hết sức to lớn và toàn diện mà Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mang lại.
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, thực tế đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp, 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu xuồng chiến đấu, 700 kho đạn, diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu...

Các chiến trường ở miền Nam gấp rút chuẩn bị lực lượng, phương án tác chiến và phát động quần chúng nổi dậy, bảo đảm hậu cần tiếp tế, thông tin liên lạc... ở vùng ven và trong các đô thị trên toàn miền Nam. Trong ảnh: Bí mật vận chuyển vũ khí qua các sông rạch vào nội đô Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân và cả năm 1968 là to lớn, toàn diện, nhưng tổn thất của ta cũng rất nặng nề. Nhiều đơn vị chủ lực, bộ đội tinh nhuệ, biệt động bị thương, hy sinh gần hết. Cơ sở cách mạng trong một số thành phố, thị xã tan vỡ. Phong trào đấu tranh chính trị giảm sút. Ở địa bàn nông thôn ta bị mất đất, mất dân... Tổn thất này đã làm giảm sút thế và lực của cách mạng miền Nam, gây khó khăn chồng chất kéo dài suốt năm 1969. Nhưng dù phải trả giá bằng sự hy sinh xương máu của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, song cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã tạo ra một bước chỉ là đợt 1 trong toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 của quân và dân ta. Sau Tết Mậu Thân, ta còn mở thêm đợt 2 và đợt 3 vào mùa hè và mùa thu. Kết thúc 3 đợt Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, theo thông báo của Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, ta ngoặt quyết định của chiến tranh, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc phải đàm phán với ta tại Hội nghị Pari. Thắng lợi thực tế trên chiến trường đã nâng tầm vóc và quyết định vị thế của dân tộc ta trên bàn đàm phán. Chúng ta đến Pari với tư cách người nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, đại diện cho công lý chống lại cường quyền, tự mình đàm phán về lợi ích dân tộc mình, do chính mình quyết định.
Trên đà thắng lợi trong năm 1968, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao tinh thần quyết tâm giải phóng miền Nam: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”!.
Khôi Nguyên
* Bài sử dụng tư liệu trong cuốn “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975”, Tập V.