'Đơn giản mà nói' - 5 nguyên tắc của thông điệp đơn giản

Chúng ta bàn về chiến lược có thể giúp ta truyền tải thông điệp thành công, hay nói đúng hơn là chiến lược duy nhất có hiệu quả: sự đơn giản.

Chúng ta thường quên rằng cách giao tiếp cũng cần được thiết kế. Chúng ta thấy tác dụng của việc thiết kế giao diện và quảng cáo, nhưng lại nghĩ từ ngữ và ý nghĩa là một phạm trù riêng biệt, không tuân theo quy luật tự nhiên như mọi thứ khác. Bạn cần phải nhìn nhận rằng những thông điệp của mình như thứ gì đó có thể và cần phải được thiết kế.

Khi nhìn nhận sự đơn giản dưới lăng kính thiết kế, xem xét các khía cạnh người dùng, rào cản và hậu quả, chúng tôi đã khám phá ra 5 nguyên tắc mà mọi thông điệp đơn giản đều có. Nếu làm theo từng nguyên tắc, bạn sẽ tận dụng được lợi ích của sự trôi chảy và trở thành người giao tiếp hiệu quả hơn. Còn nếu có thể đồng thời áp dụng tất cả những nguyên tắc này, bạn sẽ tạo ra phép màu thật sự.

1- Hữu ích: Những thông điệp đơn giản đặt người nhận lên hàng đầu, tập trung vào mục tiêu, nhu cầu và mong muốn của người nhận. Thông điệp của bạn đem lại thông tin gì cho họ? Thông điệp đó có thể hữu ích như thế nào?

Mỗi cuộc trao đổi đều có hai bên tham gia, nhưng vai trò của mỗi bên không giống nhau. Giống như việc người gửi thư phải trả phí bưu điện, người truyền tải thông điệp có trách nhiệm gánh chịu những chi phí hữu hình và vô hình của việc giao tiếp. Vì sao? Vì người truyền tải muốn có được doanh thu, lá phiếu hoặc một khoản quyên góp nào đó từ người nhận, còn người nhận vẫn có thể sống vui vẻ, hạnh phúc, dù họ có hành động như những gì người truyền tải mong muốn hay không.

2- Tập trung: Những thông điệp đơn giản không có chi tiết thừa. Từng chi tiết xuất hiện trong thông điệp đều là để làm rõ vấn đề, bất cứ thứ gì gây xao nhãng đều bị loại bỏ thẳng tay. Mỗi câu nói sáo rỗng, lời lẽ màu mè vô nghĩa hay tình tiết râu ria trong câu chuyện của bạn đều có thể khiến người nhận thông điệp quay lưng với bạn. Bạn chỉ có một khoảng thời gian nhất định để được lắng nghe, đừng lãng phí nó.

Thiết kế không giống như trang trí. Trang trí là thêm chi tiết để khiến “mọi thứ trông đẹp hơn”. Khi chúng ta lắp viền crom bảo vệ cho ô tô hay đeo đồ trang sức lấp lánh, đó gọi là trang trí. Trang trí không có gì sai, nhưng trang trí là nghệ thuật, còn thiết kế là việc kinh doanh và việc đó cần sự tinh gọn.

3- Nổi bật: Thông điệp đơn giản thường nổi bật. Các nhà tâm lý học và thần kinh học sử dụng từ nổi bật (salience) để mô tả những thứ dễ nhận ra giữa đám đông, dễ thu hút sự chú ý của chúng ta. Trong thế giới náo nhiệt này, bạn phải khác biệt thật rõ rệt thì mới có hy vọng được lắng nghe. Bộ não con người dễ thích nghi với những kích thích lặp đi lặp lại, những thứ nhạt nhòa từa tựa nhau sẽ trở thành phông nền, chỉ những điều khác biệt mới hấp dẫn sự chú ý của chúng ta.

Sự độc đáo có thể được xây dựng trên nhiều phương diện: hình dạng, giọng điệu, kích thước, độ dài, khối lượng, phong cách, vị trí xuất hiện… hoặc ta có thể kết hợp hay tách rời nhiều thuộc tính khác. Mục đích cuối cùng của chúng ta là trở nên khác biệt. Thông điệp nổi bật sẽ đi một con đường riêng trong khi mọi thứ khác đều đi theo lối mòn. Đơn giản thì nổi, phức tạp thì chìm.

4- Đồng cảm: Thông điệp đơn giản cho thấy sự thấu hiểu của người truyền tải đối với người nhận. Những thông điệp có sự đồng cảm khiến người nhận thấy dễ liên hệ, đồng thời thể hiện cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của họ. Những thông điệp này không cần những thuật ngữ chuyên ngành, kiến thức hàn lâm hay một quyển từ điển chứa đầy những từ vựng khó hiểu.

Trong quyển Applied Empathy (tạm dịch: Đồng cảm ứng dụng), chuyên gia marketing kiêm tác giả Michael Ventura đã nhận định: “Sự đồng cảm cho phép chúng ta nhìn thế giới từ những góc nhìn khác và giúp chúng ta hình thành những hiểu biết sâu sắc. Những hiểu biết này có thể dẫn đến những cách suy nghĩ, tồn tại cũng như hành động mới và tốt đẹp hơn”.

Những người truyền tải biết đồng cảm sẽ đặt mình vào vị trí của người nhận, từ đó càng thêm thấu hiểu và hình thành một mối liên kết vững chắc với đối phương trong quá trình tương tác.

5- Tối giản: Thông điệp đơn giản có mọi thứ bạn cần và chỉ những thứ bạn cần. Chúng chứa rất ít thành phần bổ trợ, do đó cũng ít có nguy cơ bị sai lệch.

Dù tối giản và ngắn gọn thường có sự tương quan, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên lấy sự ngắn gọn làm mục tiêu. Thay vào đó, sự tối giản được đánh giá dựa trên các điểm xung đột tiềm ẩn. Một thông điệp ôm đồm nhiều thứ sẽ có nhiều điểm xung đột tiềm ẩn hơn và tốn nhiều công sức để truyền tải hơn. Thông điệp càng ít điểm xung đột tiềm ẩn thì càng dễ truyền đạt.

Hạ Vĩ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/don-gian-ma-noi-5-nguyen-tac-cua-thong-diep-don-gian-227003.html
Zalo