Tại sao tên lửa Kornet-EM là 'sát thủ xe tăng' trên chiến trường?

Là một trong những loại vũ khí được Nga mang tới Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) chính là tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet-EM đặt trên khung gầm xe bọc thép kháng mìn Typhoon-K.

Sức mạnh của tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet đã được minh chứng trong nhiều cuộc xung đột tại khắp nơi trên thế giới. Giới chuyên gia đánh giá, tên lửa Kornet là tên lửa chống tăng dẫn đường tốt nhất trong lực lượng vũ trang Nga.

Tổ hợp Kornet được Phòng Thiết kế công cụ KBP của Nga thiết kế và phát triển trong những năm cuối thập niên 1990. Tổ hợp vũ khí chống tăng này được thiết kế dạng module có thể lắp trên phương tiện cơ giới hoặc kíp xạ thủ 2-3 người.

Tổ hợp tên lửa Kornet-EM trong xe bọc thép kháng mìn Tyohoon-K.

Tổ hợp tên lửa Kornet-EM trong xe bọc thép kháng mìn Tyohoon-K.

Kết cấu thân dạng chữ V giúp phương tiện có khả năng sống sót cao sau các vụ nổ mìn.

Kết cấu thân dạng chữ V giúp phương tiện có khả năng sống sót cao sau các vụ nổ mìn.

Với trọng lượng đạn tên lửa khoảng 8,2kg, tầm bắn của tổ hợp Kornet lên tới 5,5km. Tên lửa Kornet sử dụng hệ thống điều khiển laser bán tự động. Xạ thủ sẽ chiếu tia laser vào mục tiêu và tên lửa bám theo chùm laser để tấn công với độ chính xác cao. Sức mạnh tấn công của tên lửa Kornet chính là đầu đạn bố trí kiểu nối tiếp để tấn công các dòng xe tăng hiện đại được trang bị lớp giáp phản ứng nổ.

Phiên bản Kornet-EM trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 có nhiều cải tiến so với phiên bản tiêu chuẩn. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chuyên gia quân sự Nga chia sẻ tổ hợp Kornet-EM có tầm bắn tăng lên tới 10km nhờ hệ thống dẫn đường cải tiến. Hệ thống dẫn đường có thể tự động bám bắt và khóa mục tiêu.

Điểm đặc biệt khác của Kornet-EM là toàn bộ cơ cấu bệ phóng và 16 đạn tên lửa được đặt trên khung gầm xe bọc thép kháng mìn Typhoon-K có khả năng cơ động cao trên mọi địa hình. Phương tiện chiến đấu mới này của Nga có kết cấu khung thân dạng chữ V giúp tăng khả năng sống sót khi trúng mìn. Xe có dự trữ hành trình tới 800km trên đường bằng và khoảng hơn 500km trong điều kiện dã chiến. Phương tiện được bọc giáp cơ bản có thể chống lại hỏa lực súng bộ binh hạt nhẹ.

Bệ thống của tên lửa Kornet-EM đặt ở khoang kín phía sau thân xe Typhoon-K.

Bệ thống của tên lửa Kornet-EM đặt ở khoang kín phía sau thân xe Typhoon-K.

Trong thực tế các bài thử nghiệm, tên lửa Kornet có thể xuyên phá qua các lớp giáp dày tới 1-1,2m giáp thép đồng nhất đặt sau giáp phản ứng nổ ERA. Sự mạnh thực sự của tổ hợp Kornet đã được minh chứng trên chiến trường Cận Đông khi nó đã đánh bại rất nhiều dòng xe tăng được đánh giá hiện đại bậc nhất trên thế giới như M1A2 Abrams của Mỹ, Merkava Mark 4 hay Leopard-2A4 của Đức. Để đạt được hiệu quả cao trong tác chiến, người điều khiển Kornet phải giữ mục tiêu trong tầm ngắm của bệ phóng cho đến khi tên lửa chạm mục tiêu. Điều này mang lại độ chính xác cao so với một số tên lửa chống tăng khác.

Hiện tại, tổ hợp Kornet và các biến thế được coi là một trong những dòng vũ khí chống tăng mạnh mẽ nhất thế giới.

Tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet. Nguồn: qdnd.vn

TUẤN SƠN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024/tai-sao-ten-lua-kornet-em-la-sat-thu-xe-tang-tren-chien-truong-807438
Zalo