Đón đầu việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh là yêu cầu quan trọng khi triển khai tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

TS.Bùi Trần Quỳnh Ngọc chia sẻ tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng Đề án “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045” tổ chức tại Trường ĐHSP Hà Nội ngày 23/4. Ảnh: Trần Hiệp.
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Đề án quốc gia từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, giai đoạn 2025–2035, tầm nhìn đến năm 2045, TS.Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một chủ trương có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và chuyển đổi số trong giáo dục.
Dự thảo Đề án thể hiện sự đầu tư công phu, có tầm nhìn dài hạn và đặc biệt là cách tiếp cận mới - không chỉ đơn thuần là dạy tiếng Anh, mà là xây dựng một hệ sinh thái sử dụng tiếng Anh trong nhà trường.
TS.Bùi Trần Quỳnh Ngọc cho biết: Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình Sư phạm Toán, Vật lí, Hóa học, CNTT, Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh từ năm 2022. Đây là chương trình song ngữ với 50% khối lượng học phần chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, nhà trường đã triển khai các nhiệm vụ cốt lõi nhằm đón đầu việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên phổ thông; cụ thể là 3 chương trình sau:
Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên;
Chương trình bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho giáo viên phổ thông dạy môn tiếng Anh (phương pháp sư phạm sử dụng tiếng Anh trong hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục, kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tổ chức dạy học);
Chương trình bồi dưỡng phương pháp sư phạm sử dụng tiếng Anh để dạy các môn học khác cho giáo viên phổ thông (Tiếng Anh chuyên ngành của các môn học, nghiệp vụ sư phạm sử dụng tiếng Anh trong hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục, kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tổ chức dạy học, phát triển ngôn ngữ song song phát triển phẩm chất, năng lực…).
Để thực hiện các chương trình bồi dưỡng trên, TS.Bùi Trần Quỳnh Ngọc cho rằng, các điểm mấu chốt cần thực hiện bao gồm:
Thứ nhất: Khảo sát năng lực tiếng Anh và tổ chức bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên, bao gồm cả giáo viên tiếng Anh và giáo viên các môn khác.
Thứ 2: Bồi dưỡng năng lực dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ (CLIL) cho giáo viên các cấp, bao gồm cả giáo viên tiếng Anh.
Thứ 3: Đối với giáo viên các môn học khác, đặc biệt là các môn Khoa học, Toán, cần được bồi dưỡng thêm tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với nội dung giảng dạy.
Về triển khai, theo TS.Bùi Trần Quỳnh Ngọc, nên có lộ trình sớm, trong đó ưu tiên bồi dưỡng năng lực tiếng Anh và năng lực CLIL cho giáo viên một số môn học có tiềm lực như Toán và Khoa học.
Các địa phương có điều kiện như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội,… có thể triển khai ở nhiều môn đồng loạt. Trường sẽ chủ động phối hợp xây dựng Đề án cùng các địa phương, tư vấn kỹ thuật, tổ chức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và CLIL.
Ngoài ra, nhà trường cũng đã sẵn sàng về đội ngũ chuyên gia, năng lực thiết kế chương trình, biên soạn học liệu, và tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cho các địa phương.
“Dự thảo Đề án này không chỉ là một kế hoạch giáo dục, mà còn là một bước chuyển mình của cả nền giáo dục Việt Nam trước những thách thức toàn cầu. Nếu thực hiện nghiêm túc, linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, công lập và tư thục, chúng tôi tin rằng Đề án sẽ thành công”, TS.Bùi Trần Quỳnh Ngọc cho hay.