Dồn dập nỗ lực ngoại giao 'tháo ngòi nổ' ở Trung Đông

Cộng đồng quốc tế đang chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn xung đột tại Trung Đông vượt qua 'lằn ranh đỏ', bùng phát thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn cuốn cả khu vực chiến lược này vào vòng xoáy với nhưng hệ lụy còn chưa thể lường hết vào lúc này với toàn thế giới.

Cộng đồng quốc tế đang chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn không để Trung Đông rơi vào vòng xoáy xung đột

Cộng đồng quốc tế đang chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn không để Trung Đông rơi vào vòng xoáy xung đột

“Ngòi nổ kép” xung đột

“Thùng thuốc súng” Trung Đông nguy cơ trực chờ phát nổ với đồng thời hai “ngòi nổ” nguy hiểm cùng một lúc. Đó là leo thang xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran khi nhiều khả năng Iran sẽ tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel để đáp trả vụ ám sát ông Ismail Haniyeh khi thủ lĩnh chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas đang ở tại một nhà khách của Chính phủ Iran tại Thủ đô Tehran. “Ngòi nổ” thứ hai là nguy cơ Israel tấn công lực lượng Hezbollah ở Lebanon để trả đũa cho vụ tấn công vào sân bóng tại Israel khiến 12 thanh, thiếu niên nước này tử vong.

Ngay sau vụ ám sát, Iran đã lên tiếng cáo buộc Israel đứng đằng sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas khi ông Ismail Haniyeh đến thăm Tehran theo lời mời của Chính phủ Iran. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia tối cao đã ra lệnh “tấn công trực tiếp vào Israel”. Lãnh tụ tối cao Iran yêu cầu, các chỉ huy quân đội và Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) xây dựng kế hoạch tiến công, cũng như sẵn sàng phòng thủ “trong trường hợp xung đột lan rộng và Mỹ, Israel công kích lãnh thổ Iran”. Lãnh tụ tối cao Iran tuyên bố, nước này “có nghĩa vụ trả thù” cho thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh sau khi ông bị ám sát tại Thủ đô Tehran, đồng thời cảnh báo Israel “hãy chuẩn bị nhận hình phạt thảm khốc” vì đã ám sát “vị khách thân thiết ngay trên đất nước chúng tôi”.

Khả năng Iran tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel càng khó tránh khỏi khi Tehran cho tới này vẫn một mức khước từ mọi thuyết phục của các quốc gia Arập rằng nước này nên “xuống thang” để tránh một cuộc chiến quy mô lớn tại Trung Đông. Thông tin mới nhất cho biết, Iran đã thông báo với các nhà ngoại giao Arab rằng, nước này “không quan tâm liệu đòn trả đũa lần này có châm ngòi chiến tranh hay không”.

Trong khi đó, một cuộc xung đột quân sự toàn diện giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon được cho là cũng khó tránh khỏi khi Nội các chiến tranh của Israel đã quyết định “cách thức và thời điểm” để trả đũa cho vụ tấn công vào sân khiến 12 thanh, thiếu niên thiệt mạng. Lực lượng Hezbollah có hỏa lực vượt trội hơn nhiều so với các tay súng của Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, thế nên các nhà phân tích cho rằng, việc Israel tấn công trả đũa rất có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mà quy mô thậm chí còn lớn và khốc liệt hơn xung đột hiện nay tại Dải Gaza.

Theo thông tin mới nhất, trong cuộc họp Nội các an ninh vào tối 4-8 theo giờ địa phương (tức rạng sáng 5-8 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, nước này đang trong cuộc chiến “đa mặt trận”. Người đứng đầu Nội các an ninh cho biết thêm, Israel đã “chuẩn bị mọi kịch bản và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào”.

Đáng chú ý, cùng với Israel, Mỹ cũng đang chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra ở Trung Đông. Nhà Trắng ngày 4-8 cho biết, Mỹ sẽ triển khai thêm tàu chiến và máy bay tiêm kích đến khu vực. Thế nên, dù Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jonathan Finer nói “mục tiêu chung là giảm căng thẳng khu vực và ngăn chặn các cuộc tấn công có thể xảy ra”, song theo giới phân tích, Washington đang chuẩn bị ứng phó với xung đột quy mô lớn và toàn diện hơn ở Trung Đông.

Ngăn chặn Trung Đông rơi vào vòng xoáy xung đột

Trước nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông, ngày càng có nhiều quốc gia khẩn cấp yêu cầu công dân nước ngoài rời khỏi Lebanon. Đại sứ quán Mỹ tại Lebanon kêu gọi công dân Mỹ đặt “bất kỳ vé nào có sẵn cho họ”, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy đề nghị công dân Anh “hãy rời đi ngay bây giờ”, còn Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp yêu cầu công dân Pháp sắp xếp rời khỏi Lebanon “càng sớm càng tốt”. Ngay cả các quốc gia Arập như Jordan và Arap Saudi đã đưa ra cảnh báo tương tự với công dân của mình.

Hiện các hãng hàng không lớn như Air France, Lufthansa và Kuwait Airlines đã hủy các chuyến bay đến và đi từ Lebanon. Các hãng hàng không khác cũng chuyển hướng các chuyến bay ra khỏi quốc gia này.

Ngăn chặn xung đột ở Trung Đông lan rộng và leo thang vì thế đang trở thành một yêu cầu cấp bách với không chỉ các quốc gia khu vực mà với cả cộng đồng quốc tế. Một cuộc xung đột quy mô lớn bùng phát tại khu vực địa chính trị trọng yếu và là “rốn dầu” của thế giới như Trung Đông đẩy thế giới vốn đã bất ổn với cuộc xung đột quân sự tại Ukraine cùng nhiều “điểm nóng” sẽ càng thêm bất ổn và phức tạp khó lường hơn.

Là đồng minh quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất với Israel, đồng thời là quốc gia có ảnh hưởng nhất tại Trung Đông, Mỹ đã phát đi tín hiệu rõ ràng với chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng, Washington ủng hộ quyền tự vệ của Irael song cũng không muốn xung đột leo thang. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh cáo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấm dứt mọi động thái làm tăng nhiệt tình hình ở Trung Đông, thúc đẩy đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza và “đừng trông chờ Mỹ giải cứu” nếu tiếp tục hành động liều lĩnh.

Giới chức Mỹ cũng đồng thời cảnh báo Iran, mọi đòn tấn công nhắm vào Israel sẽ dẫn đến động thái “ăn miếng trả miếng” không hồi kết giữa các bên. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách thuyết phục chính tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian rằng, “sẽ có cơ hội tốt hơn trong cải thiện quan hệ với phương Tây nếu họ kiềm chế”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi, cộng đồng quốc tế ngăn chặn leo thang xung đột ở khu vực Trung Đông vì hòa bình và ổn định lâu dài cho tất cả mọi người. Người đứng đầu tổ chức hòa bình và an ninh lớn nhất hành tinh cũng kêu gọi, các bên liên quan kiềm chế tối đa và cùng nhau hành động, ngăn chặn nhanh chóng mọi hành vi có thể đẩy toàn bộ Trung Đông đến bờ vực, gây ra tác động tàn khốc đến dân thường.

Các Ngoại trưởng thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 4-8 đã lên tiếng kêu gọi, tất cả các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Trung Đông hiện nay kiềm chế bất kỳ bước đi nào mà có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa. Tuyên bố của các Ngoại trưởng G7 cũng kêu gọi, các bên cần đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trả tự do cho các con tin.

Rất nhiều quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh nỗ lực giảm leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông, trong đó có các quốc gia Hồi giáo Arập. Thủ tướng Iraq Mohammed Shia' al-Sudani ngày 4-8 nhấn mạnh, việc hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông chỉ phụ thuộc vào việc chấm dứt xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza, cũng như giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đã gặp quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri Kani để thảo luận về sự leo thang căng thẳng gần đây trong khu vực. Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm ngày 4-8 nhằm thảo luận về nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông nhằm bảo vệ an ninh, ổn định và các lợi ích của người dân trong khu vực, cũng như ngăn chặn khu vực rơi vào vòng xoáy xung đột.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/don-dap-no-luc-ngoai-giao-thao-ngoi-no-o-trung-dong-post585163.antd
Zalo