Bài 2: Thay đổi để thích ứng

Để lý giải cho câu chuyện vì sao quy mô doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vẫn còn khiêm tốn thì cần nhìn lại đâu là những rào cản mà DN đang đối mặt.

Kết quả khảo sát DN của Chi cục Thống kê TP. Huế trong quý I/2025 phần nào cho thấy, hiện còn rất nhiều rào cản mà DN đang đối mặt. Cụ thể khi đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trong quý I/2025, 50,8% DN cho rằng, nhu cầu của thị trường trong nước thấp và 43,3% cho rằng, nhu cầu thị trường quốc tế thấp đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Ngoài ra, 47,5% DN chỉ ra những khó khăn liên quan đến tính cạnh tranh của hàng trong nước quá cao; 34,4% DN cho rằng, thiết bị công nghệ lạc hậu là rào cản và 31,2% DN cho rằng, khó khăn xuất phát từ việc thiếu nguyên, nhiên, vật liệu. Cùng với đó, tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu, lãi suất vay vốn cao; khó khăn về tài chính; các rào cản từ chính sách pháp luật của Nhà nước hay không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu… cũng đang là những rào cản khác mà DN đang đối mặt.

Các khó khăn này đã được các cơ quan quản lý Nhà nước nhận diện. Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DNNVV đã chỉ rõ:Mặc dù chiếm số lượng đông đảo nhưng chất lượng hoạt động của DNNVV chưa cao (khoảng 90% là quy mô nhỏ, số vốn dưới 10 tỷ đồng), năng lực cạnh tranh còn hạn chế, phần lớn chưa tham gia được vào hoạt động xuất khẩu và chuỗi giá trị, chưa có công nghệ gốc và tiềm lực để số hóa hoạt động kinh doanh; quản trị DN chưa tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế”.

TS. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học lãnh đạo và Quản trị DN Leadman, tại chương trình tiếp xúc DN định kỳ với chủ đề “Chiến lược của DNNVV trên địa bàn TP. Huế trước dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2025”, được tổ chức mới đây đã chỉ ra rằng, các DNNVV có đặc thù là nhỏ về quy mô sản xuất, thị trường, nhân lực và nhiều thứ khác. Tư duy kinh tế truyền thống của nhiều DN tư nhân vẫn còn giữ nhiều yếu tố mang tính bảo thủ và thiếu linh hoạt trong việc đổi mới sáng tạo và tiếp cận những mô hình kinh doanh hiện đại.

Nhiều chủ DN chưa sẵn sàng đầu tư vào công nghệ mới hoặc thay đổi cách thức quản lý và sản xuất để phù hợp với thị trường, cũng như xu hướng kinh doanh mới. Ngoài ra, năng lực quản lý của chủ DN chính là “điểm nghẽn” cố hữu khiến DNNVV khó bứt tốc, nhất là những hạn chế liên quan đến các vấn đề quản trị nhân sự, quản lý tài chính và dòng tiền.

Điều này được đa phần DNNVV thừa nhận, bởi phần lớn chủ những DN này hiện nay đều là “tay ngang”, chưa hoặc không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, song hành với hoạt động kinh doanh, nhiều DN đang phải vừa học vừa vận hành, nâng cấp DN.

Bà Phạm Thị Diệu Huyền, chủ DN Mộc Truly Huế cho hay, trong quá trình vận hành, hoạt động, DN phải tự học hỏi rất nhiều để nâng cao năng lực. Là kỹ sư công nghệ sinh học lại dấn thân vào hoạt động kinh doanh nên tôi thiếu các kỹ năng từ quản trị đến vận hành DN. Trong khi đó, để kinh doanh hiệu quả, DN không chỉ phải nắm bắt kịp thời các xu hướng kinh doanh, công nghệ mà còn phải điều hành, vận hành DN, đó là chưa kể đến các vấn đề liên quan việc chuẩn hóa, nâng chất lượng hay xúc tiến thương mại cho sản phẩm cũng cần được nâng cấp, đổi mới liên tục.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận tài chính cũng là rào cản không nhỏ đối với DNNVV, nhất là nhóm các DN khởi nghiệp. Hầu như nhóm DN này rất khó tiếp cận các chương trình tín dụng ưu tiên do thiếu tài sản đảm bảo, chưa minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, ngân hàng hay các tổ quỹ tín dụng lại căn cứ vào tài sản đảm bảo, dòng tiền hay hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh để ra các quyết định đầu tư tài chính, cho vay...

Thực tế tiếp cận cộng đồng DN thời gian gần đây cho thấy, tư duy trong quản trị và chiến lược phát triển dài hạn của DNNVV đã có những bước đi mới. Bằng chứng là tại các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho DN đang ngày càng thu hút đông đảo học viên tham gia, nhất là các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản trị tài chính, các xu hướng kinh doanh hay bán hàng đa kênh. Các sở, ngành cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN, từ nâng cao năng lực đến hỗ trợ tiếp cận tài chính, nâng cấp sản phẩm… Hầu hết các chính sách này đều được DN chủ động đón nhận.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trong bối cảnh hiện nay, DN phải đặt mình vào “tâm thế mới, vận hội mới” để luôn thay đổi và thích ứng. Để làm được điều đó, DN cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ và các cơ quan liên quan đang triển khai như hỗ trợ lãi suất, thuế… nhằm tiết giảm chi phí, tinh giản quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phải nắm bắt xu hướng chuyển đổi hiện nay nhất là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thị trường tín chỉ carbon.

Ngoài ra, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh nhân lực công nghệ, quản trị gồm cả quản lý rủi ro, nhất là rủi ro về tài chính, tỷ giá, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, phòng vệ thương mại; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Singapore… Bên cạnh đó, cũng cần khai thác tốt thị trường nội địa, tạo nên những lợi thế về giá trị gia tăng cho các sản phẩm địa phương.

Theo TS. Nguyễn Tấn Bình, kinh tế toàn cầu hiện còn nhiều bất ổn, xuất khẩu gặp khó, thị trường nội địa trở thành “phao cứu sinh” và cũng là dư địa quan trọng để DN phát triển. Tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước giờ đây không chỉ chọn sản phẩm vì giá rẻ, mà đòi hỏi cao hơn về chất lượng, mẫu mã, tính tiện dụng và cả giá trị thương hiệu. Vì thế, DN trong nước nói chung và DN Huế nói riêng cần phải nâng cấp thương hiệu, đầu tư nhiều hơn cho chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nếu không có định hướng bài bản trong phát triển thị trường nội địa và không đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm, DN sẽ mất dần chỗ đứng ngay trên chính quê hương mình. Đó là lý do DN buộc phải chuyển từ tư duy “làm ra để bán” sang tư duy “tạo ra giá trị”, bởi giá trị sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng cũng là giá trị cho chính sự tồn tại và phát triển bền vững của DN.

Tại khóa đào tạo “Quản trị sự thay đổi”, TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức KMI cũng chỉ rõ, trong kỷ nguyên chuyển đổi số và cạnh tranh toàn cầu, DN không thể quản trị theo cách cũ – chỉ tập trung vào vận hành, sản xuất hay bán hàng. Mô hình quản trị hiện đại đòi hỏi phải đặt tri thức và đổi mới sáng tạo vào trung tâm. Trong đó, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là một cấu phần bắt buộc nếu DN muốn tạo ra sự khác biệt bền vững. R&D ở đây không giới hạn phạm vi nghiên cứu và phát triển từ phòng thí nghiệm, mà là cách để DN nghiên cứu tiếp cận sâu hơn với thị trường, nâng cấp sản phẩm, nắm bắt xu hướng tiêu dùng hoặc chỉ đơn giản là tạo ra những giá trị mới có khả năng dẫn dắt thị trường.

“DN muốn bứt phá cần chuyển từ tư duy "làm theo" sang "làm trước" và đầu tư cho R&D chính là nền tảng tạo nên của sự chuyển dịch đó. Hãy xác định cho mình tư duy sáng tạo, vận động không ngừng “thay đổi hoặc chết”, TS. Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

(Còn tiếp)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/e-magazine/bai-2-thay-doi-de-thich-ung-152888.html
Zalo