Đờn ca tài tử Nam Bộ - Hành trình giữ gìn di sản: Nghệ nhân và nỗi lo 'cơm áo' (Bài 2)

Long An được xem là 'chiếc nôi' của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ vì vùng đất này có nhiều tài tử nổi danh; những bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của ĐCTT Nam Bộ ít nhiều đều gắn bó với Long An. Từ những dấu ấn lịch sử sâu đậm đến những nỗ lực của Nhà nước và Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong tỉnh đang viết tiếp câu chuyện bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bài 2: Nghệ nhân và nỗi lo "cơm áo"

Đằng sau những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của ĐCTT Nam Bộ là những đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân, tài tử. Họ miệt mài gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể quý báu này bằng tất cả đam mê dù cho cuộc sống còn nhiều bộn bề cần lo nghĩ.

Dành cả đời để gìn giữ và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, các Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong tỉnh miệt mài với tiếng đờn, lời ca. Họ xem ĐCTT Nam Bộ là nguồn vui, lựa chọn của cuộc đời và cứ thế cống hiến trong thầm lặng.

“Ôm đờn lên là muộn phiền tan biến”

Lúc nông nhàn, Nghệ nhân Ưu tú Tám Toàn dành thời gian luyện ngón đờn

Lúc nông nhàn, Nghệ nhân Ưu tú Tám Toàn dành thời gian luyện ngón đờn

Ngồi trong hiên nhà lộng gió, NNƯT Tám Toàn (Võ An Toàn, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) chầm chậm lau chùi, lên dây những cây đờn thân thuộc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, tình yêu ĐCTT Nam Bộ thấm vào ông từ khi còn nhỏ. Tiếng đờn mỗi sớm mai của ông nội - nhạc sư Tư Chí, trở thành một phần ký ức không thể thiếu.

Lớn lên, ông theo cha, nghệ nhân Tư Bền, học đờn và chơi ĐCTT Nam Bộ khắp các địa phương trong vùng. Đó là những cuộc chơi đậm chất tài tử, để thỏa đam mê nghệ thuật và thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm.

“Hồi đó chơi ĐCTT không có tiền bạc gì hết. Khi có dịp, người ta mời nhóm ĐCTT tới đờn, ca. Nhiều khi thâu đêm suốt sáng, chủ yếu để thỏa đam mê, so sánh “nghề” ca, đờn với nhau” - NNƯT Tám Toàn hồi tưởng.

Những người chơi ĐCTT Nam Bộ ngay từ những ngày đầu đã không hề tính đến chuyện bạc tiền mà đó đơn giản chỉ là thú vui tao nhã của những người yêu nghệ thuật.

Đến bây giờ cũng vậy, giữa cuộc sống nhiều vội vã, người gìn giữ, thực hành ĐCTT Nam Bộ vẫn theo đuổi và phát triển loại hình nghệ thuật này bằng sự đam mê.

Đặt cây đờn xuống, NNƯT Tám Toàn là một nông dân, với gánh nặng "cơm áo gạo tiền". Như bao nông dân khác ở địa phương, kinh tế gia đình ông dựa vào vài ngàn mét vuông đất trồng rau, mang lại nguồn thu nhập vừa đủ chứ không dư dả.

Mỗi ngày, ông miệt mài với ruộng đồng. Cuối ngày làm việc hoặc tranh thủ lúc nông nhàn, NNƯT Tám Toàn lại thả hồn vào âm điệu du dương của tiếng đờn khoan, nhặt và lấy đó làm niềm vui trong cuộc sống. NNƯT Tám Toàn nói: “Khi chơi đờn, mọi nỗi lo lắng, giận hờn của cuộc sống đời thường, đối với ông, đều tan biến”.

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản.

Vì vậy, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, cơ quan soạn thảo đề nghị Quốc hội thông qua chính sách cụ thể cho nghệ nhân, không chỉ dừng lại nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn mà tất cả các nghệ nhân khi được vinh danh, được công nhận đều được hưởng các chính sách Nhà nước đã ban hành, gồm cả sinh hoạt phí hàng tháng.

(Nguồn: Báo Nhân Dân - https://nhandan.vn/bo-sung-mot-sonoi-dung-quy-dinh-ve-chinh-sachho-tro-nghe-nhan-post816173.html)

"Kiếp tằm" âm thầm "vương tơ"

Nghệ nhân Ưu tú Út Bù nổi danh với ngón đờn guitar tay trái

Nghệ nhân Ưu tú Út Bù nổi danh với ngón đờn guitar tay trái

Tương tự NNƯT Tám Toàn, hầu hết các NNƯT ĐCTT Nam Bộ ở Long An đều phải làm một công việc khác để kiếm sống. Họ gắn bó với ĐCTT Nam Bộ bằng tất cả đam mê mặc dù còn khó khăn về kinh tế.

Ngoài 70 tuổi, NNƯT Út Bù (Nguyễn Văn Út, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) sống trong căn nhà cấp 4 nhỏ, cuộc sống đạm bạc với nguồn thu nhập chính từ tham gia ban nhạc lễ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống, từ nhỏ, NNƯT Út Bù được đắm mình trong tiếng đờn, ca nên sớm say mê loại hình nghệ thuật này. Cha là nghệ nhân Bảy Quế, nổi tiếng với ngón đờn tranh; NNƯT Út Bù lại ghi dấu ấn với đờn guitar tay trái điêu luyện.

Ngoài 70 tuổi nhưng ngón đờn của NNƯT Út Bù vẫn khỏe và ít người bì kịp bởi ông dành thời gian tập luyện mỗi ngày.

NNƯT Út Bù nói: Đờn thì ai cũng biết nhưng để đi sâu, thực hành điêu luyện nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ thì không hề dễ. Đờn muốn hay phải biết nhấn nhá và có cảm xúc, phù hợp với từng giọng ca.

Chơi đờn sợ nhất là tuổi tác làm mình quên bản đờn và yếu các ngón tay khiến việc nhấn, mổ, rung không còn điêu luyện. Thế nên ngày nào tôi cũng ráng dành chút thời gian tập đờn, vừa để giữ được phong độ, vừa khám phá thêm những điều mới mẻ.

Giống như NNƯT Út Bù, NNƯT Tấn Khoa năm nay ngoài 70 tuổi và nổi danh với ngón đờn kìm. Kinh tế gia đình ông nhờ vào quán cà phê nhỏ và tham gia ban nhạc lễ. Ngoài thời gian dành cho đam mê, NNƯT Tấn Khoa cũng đối mặt với “cơm áo gạo tiền”.

Hơn ai hết, ông hiểu rõ, để theo đuổi ĐCTT Nam Bộ thì nghệ nhân cần một công việc ổn định bảo đảm cho cuộc sống.

Đó cũng là lý do vì sao con trai út của ông hiện chưa thể tham gia hoạt động ĐCTT Nam Bộ mặc dù đã tốt nghiệp ngành Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.HCM và khá đam mê bộ môn nghệ thuật này!

Còn khó khăn về chế độ hỗ trợ

Con trai út của Nghệ nhân Ưu tú Tấn Khoa - Nguyễn Minh Khang từng đoạt giải Nhất độc tấu tại Hội thi Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An và hiện tại làm việc tại TP.HCM

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 8 NNƯT, 26 Nghệ nhân dân gian và hơn 4.500 người thực hành ĐCTT Nam Bộ. Họ đều là những người học và chơi ĐCTT thông qua hoạt động truyền nghề với sự đam mê thuần túy. Họ gìn giữ và phát triển di sản văn hóa mà không cần nhận lại bất cứ điều gì.

Trong đợt dịch Covid-19, những NNƯT, hầu hết là người lớn tuổi, lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Thấu hiểu được điều đó, UBND tỉnh vận động xã hội hóa, hỗ trợ riêng cho NNƯT trong tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với những người âm thầm gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể.

Hiện tại, Chính phủ có Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, NNƯT có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn, quy định về trợ cấp, ưu đãi đối với nghệ nhân.

Tuy nhiên, đối tượng áp dụng là Nghệ nhân Nhân dân, NNƯT thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Điều này gây không ít khó khăn trong việc xét duyệt.

Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa, cả nước có 20/1.881 nghệ nhân được hưởng chế độ này. Tại Long An, chưa có nghệ nhân nào được nhận chế độ này.

Những nghệ nhân ĐCTT Nam Bộ ở Long An như những "kiếp tằm" âm thầm “vương tơ”, góp sức bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Họ cần được xã hội quan tâm và hỗ trợ để có thể tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của ĐCTT Nam Bộ cho các thế hệ mai sau. Cần có những chính sách thiết thực, phù hợp hơn để những "kiếp tằm" ấy không còn quá lo lắng về "cơm áo" mà có thể cống hiến nhiều hơn trong hành trình giữ gìn, phát triển Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.

"Với tôi, ĐCTT Nam Bộ là lẽ sống. Việc gìn giữ, truyền dạy ĐCTT Nam Bộ đều xuất phát từ mong muốn được cống hiến cho nghệ thuật truyền thống của quê hương. Thu nhập hiện tại của tôi vừa đủ trang trải cuộc sống, nếu nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước thì tôi rất biết ơn. Tuy nhiên, việc đó vẫn cần sự cân nhắc chu toàn từ các cơ quan chức năng, còn hiện tại, tôi đang rất hạnh phúc với công việc của mình. Thêm một chương trình về ĐCTT Nam Bộ được tổ chức, thêm một người tìm đến tôi học đờn, ca nghĩa là ĐCTT Nam Bộ có cơ hội được giữ gìn, phát triển”.

NNƯT Út Bù

"Một số khó khăn ảnh hưởng đến thực hành và truyền dạy cho thế hệ tiếp nối di sản ĐCTT Nam Bộ hiện nay có thể kể đến: Không có chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân nòng cốt nên phần nào làm giảm nhiệt huyết và tinh thần bảo vệ di sản của chủ thể; số nghệ nhân có khả năng truyền nghề còn ít, phần đông cao niên, sức khỏe kém, có nguy cơ hẫng hụt nguồn nhân lực đào tạo thế hệ kế thừa rất cao".

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh

(còn tiếp)

Quế Lâm

Đờn ca tài tử Nam Bộ - Hành trình giữ gìn di sản: 'Chiếc nôi' di sản (Bài 1)

Long An không chỉ là một trong những điểm sáng của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ mà còn được xem là “chiếc nôi” nuôi dưỡng và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/don-ca-tai-tu-nam-bo-hanh-trinh-giu-gin-di-san-nghe-nhan-va-noi-lo-com-ao-bai-2--a188411.html
Zalo