Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tăng trưởng
Bằng sự chủ động, tích cực trong khâu chỉ đạo, điều hành, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới gắn sản xuất hàng hóa với tổ chức thị trường, chế biến; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án..., năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục đạt và vượt nhiều chỉ tiêu nông nghiệp, nông thôn, xứng đáng là trụ đỡ, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, chuyển dịch đúng hướng.
Để thực hiện các chỉ tiêu nông nghiệp, nông thôn, ngay từ đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương chủ động triển khai sản xuất theo khung thời vụ, đảm bảo cây trồng sinh trưởng tốt và hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm; tăng cường cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục rà soát diện tích đất nông nghiệp sử dụng kém hiệu quả chuyển đổi sang cây trồng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình OCOP...
Về sản xuất nông, lâm nghiệp, tổng sản lượng lương thực cây có hạt cả năm ước đạt 290.080 tấn, trong đó, vụ đông xuân gieo trồng 38.892 ha, sản lượng ước đạt 118.451 tấn; vụ hè thu gieo trồng trên 50.304 ha, sản lượng ước đạt hơn 170.871 tấn. Trong năm, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là ảnh hưởng của mưa lũ (cơn bão số 3) gây thiệt hại 1.176,26 ha lúa, 7.87,59 ha hoa màu, làm giảm đáng kể năng suất, sản lượng cây trồng. Do đó, sản lượng lương thực cây có hạt cả năm giảm 8,5 nghìn tấn so với kế hoạch (KH), nhưng bù lại diện tích của một số cây trồng có giá trị kinh tế cao tăng so với cùng kỳ năm 2023, như: thuốc lá trồng 5.184 ha, tăng 37,4%, năng suất đạt 26,83 tạ/ha, sản lượng đạt 13.910 tấn, đạt 135,9% KH; dong riềng 899,40 ha, tăng 68,1%, đạt 166,6% KH, năng suất đạt 539,40 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 48.515 tấn, đạt 165,2% KH. Ngoài ra, diện tích, năng suất cây ngô, mía, thạch đen, sắn nguyên liệu, lạc... đều tăng. Trồng rừng hơn 1.519 ha, tăng 1.269 ha so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động chăn nuôi diễn ra ổn định, công tác phòng, chống dịch được kiểm soát. Năm nay, giá cả đầu ra của thịt hơi tăng so với năm 2023, vì vậy người dân chú trọng mở rộng đầu tư chăn nuôi, tăng tổng đàn và sản lượng xuất chuồng gia súc, gia cầm. Tổng đàn trâu 107.012 con, sản lượng ước đạt 1.460,17 tấn; tổng đàn bò 102.795 con, ước đạt 1.870,42 tấn; đàn lợn 335.660 con, sản lượng ước đạt 20.572 tấn; tổng đàn gia cầm hơn 3,1 triệu con, sản lượng ước đạt 5.079 tấn. Có 1.487 hộ di dời chuồng chăn nuôi ra khỏi gầm sàn nhà ở, các huyện đang tiến hành thẩm định hồ sơ cơ sở; thực hiện giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ các hộ thực hiện di dời chuồng gia súc.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được các cấp, ngành đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 8 xã duy trì đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, 14 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 51 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 66 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí; chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, còn 2 huyện “trắng xã NTM”; bình quân toàn tỉnh đạt 10,56 tiêu chí/xã. Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP của 91 chủ thể.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Quốc Hùng cho biết: Để bù đắp thiếu hụt sản lượng lương thực lớn do bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, ngành tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc các cây có giá trị kinh tế cao, như: thuốc lá, dong riềng, ngô, mía, thạch đen, lạc... đảm bảo đúng thời vụ, cho năng suất, sản lượng cao. Vận động nhân dân gieo trồng các loại cây vụ đông như thuốc lá, rau màu, cà chua, khoai tây… với tổng diện tích khoảng 3.000 ha, phần lớn sử dụng các loại giống chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Thực hiện các biện pháp dự trữ thức ăn, giữ ấm chuồng trại cho trâu, bò trong mùa đông gắn với phòng, chống dịch bệnh; áp dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển chăn nuôi, di dời chuồng trâu, bò ra khỏi gầm sàn nhà ở.
Năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục đạt và vượt nhiều chỉ tiêu nông nghiệp, nông thôn đề ra: Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp ước đạt 2,9%, đạt 90,6% KH; giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 48 triệu đồng/ha, đạt 100% KH; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94%, đạt 100% KH; số hộ đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở phấn đấn thực hiện hoàn thành 3.234 hộ, đạt 100% KH giai đoạn 2024 - 2025; 5 xã tăng thêm đạt 17 - 18 tiêu chí NTM, đạt 100% KH; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,56%, đạt 93,23% KH.
Năm 2025, ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tổ chức triển khai có hiệu quả KH thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến. Củng cố tổ chức và tăng cường năng lực cho các đơn vị dịch vụ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; tập trung phát triển trung tâm dịch vụ nông nghiệp làm cơ sở triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức hỗ trợ liên kết sản xuất...