'Đòn bẩy' chính sách quan trọng, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ tháo gỡ những rào cản hành chính, giúp giảm thủ tục, tăng niềm tin và động lực sáng tạo.

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo là động lực cho phát triển kinh tế. (Nguồn: Quốc hội)

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo là động lực cho phát triển kinh tế. (Nguồn: Quốc hội)

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013) do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.

Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định về hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy định về quản lý Nhà nước đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã có góc nhìn về vấn đề này.

Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, tạo động lực cho phát triển

Bà đánh giá thế nào về tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành để trở thành Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo?

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo mang tính nền tảng cho phát triển kinh tế tri thức và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; chuyển trọng tâm từ hoạt động nghiên cứu trong khu vực công lập sang thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp – nơi quyết định hiệu quả cuối cùng của đổi mới sáng tạo. Nếu như trước đây, viện nghiên cứu, trường đại học là những chủ thể chính thì nay, vai trò trung tâm được trao cả cho doanh nghiệp. Các trường, viện đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp nguồn lực tri thức, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, giá trị mới cho nền kinh tế; bên cạnh đó Dự thảo Luật là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tài chính và nguồn lực tạo động lực cho phát triển.

Trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào khai thác tài nguyên hay lao động giá rẻ mà phải dựa vào tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Luật hiện hành chưa theo kịp với những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, việc bổ sung nội dung về đổi mới sáng tạo là bước đi chiến lược, nhằm đưa đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã có luật hoặc chiến lược riêng về đổi mới sáng tạo để tạo ra một môi trường linh hoạt, năng động, thúc đẩy sáng tạo từ khu vực tư nhân đến viện nghiên cứu, trường đại học. Nếu không điều chỉnh kịp thời, Việt Nam sẽ tụt hậu trong cạnh tranh toàn cầu và khó thu hút được đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Việc sửa đổi luật là cần thiết để tháo gỡ các rào cản, xây dựng một hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả, đồng bộ và thực tiễn. Đồng thời, khơi dậy và phát huy tiềm lực sáng tạo trong xã hội. Thanh niên, nhà khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay rất năng động, có nhiều ý tưởng nhưng đang thiếu một hành lang pháp lý cởi mở, khích lệ đổi mới.

Như vậy, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ là một đòi hỏi khách quan, cấp bách, không chỉ để giải quyết những bất cập hiện tại mà còn để định hình tương lai phát triển quốc gia dựa trên đổi mới sáng tạo. Đây là bước đi cần thiết để luật pháp Việt Nam bắt nhịp với thời đại, tiếp sức cho nền kinh tế tri thức và khuyến khích toàn xã hội cùng đổi mới vì sự phát triển bền vững.

Dự thảo Luật lần này là chuyển trọng tâm từ hoạt động nghiên cứu trong khu vực công lập sang thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp – nơi quyết định hiệu quả cuối cùng của đổi mới sáng tạo; từ đó tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tài chính và nguồn lực tạo động lực cho phát triển.

Về hệ thống các quỹ phục vụ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tôi hoàn toàn đồng thuận với quy định trong dự thảo về việc thành lập 5 loại quỹ. Việc thiết lập các quỹ này là cần thiết để bảo đảm tính đa tầng, đa mục tiêu trong tài trợ và đầu tư. Mỗi quỹ nên có chức năng riêng biệt và phối hợp theo cơ chế điều phối chung, tránh chồng chéo, hình thức hóa.

"Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà việc ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt của đời sống đã trở nên rõ ràng và cấp thiết. Nếu không chủ động nghiên cứu, không tạo ra các thành tựu khoa học trong nước mà chỉ trông chờ vào chuyển giao công nghệ từ bên ngoài, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn cả về thời gian, công sức và tài chính, thậm chí, có nguy cơ tụt hậu".

Bởi vậy, Chính phủ cần nghiên cứu để quy định rõ hơn về các vấn đề như phân định rõ chức năng, phạm vi từng loại quỹ; thành lập một cơ quan đầu mối điều phối cấp quốc gia – có thể là hội đồng hoặc ủy ban liên ngành; thúc đẩy cơ chế quỹ đối ứng, bảo lãnh rủi ro, để kích hoạt đầu tư tư nhân với nhiều mức, nhiều hình thức đối ứng khác nhau. Yêu cầu công khai, minh bạch hóa hoạt động và đầu ra cụ thể như sáng chế, sản phẩm thương mại hóa.

Vậy về quy định chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dưới góc nhìn của bà?

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro”, vì bản chất của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng.

Theo tôi, cần làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được (ví dụ: sai số mô hình, thất bại thử nghiệm...) và sai phạm không thể miễn trừ (gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém...). Thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập. Thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.

Ở tiêu chí xác định nhân tài trong khoa học và đổi mới sáng tạo cũng còn nhiều ý kiến trái chiều? Bà nghĩ sao?

Dự thảo Luật còn thiếu bao quát trong thiết kế các tiêu chí xác định nhân tài. Các tiêu chí hiện tại như bằng sáng chế, giải thưởng, khởi nghiệp... phù hợp với khoa học tự nhiên và công nghệ nhưng chưa phản ánh đặc thù của khoa học xã hội và nhân văn. Ngay cả tiêu chí có bài viết để công bố trên các tạp chí khoa học danh tiếng thế giới cũng chưa hoàn toàn phù hợp với nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Tôi đề nghị bổ sung tiêu chí đặc thù cho từng nhóm ngành, với khoa học xã hội và nhân văn có thể là có công trình nghiên cứu được áp dụng trong xây dựng chính sách, giáo dục hoặc có công trình nghiên cứu được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nước. Đồng thời, bảo đảm công bằng, minh bạch và tôn vinh đúng những người có đóng góp học thuật và chính sách trong cả ba lĩnh vực: khoa học tự nhiên, kỹ thuật – công nghệ và khoa học xã hội – nhân văn.

Với cách tiếp cận phân tầng – phân vai – phối hợp chặt chẽ, cùng với cơ chế khuyến khích sáng tạo và đánh giá công bằng, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ trở thành động lực thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo sau khi được thông qua sẽ tạo ra những chuyển biến thực chất, sâu rộng. (Nguồn: VGP)

Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo sau khi được thông qua sẽ tạo ra những chuyển biến thực chất, sâu rộng. (Nguồn: VGP)

Hướng đi đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế

Về chủ trương “tập trung chuyển dịch hoạt động nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học, hỗ trợ các viện nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ...” thì sao, theo bà?

Đây là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại các quốc gia phát triển, hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản chủ yếu được thực hiện trong các trường đại học, nơi vừa thực hiện đào tạo đại học và sau đại học, vừa là trung tâm sản xuất tri thức mới, thúc đẩy các công bố quốc tế và phát hiện khoa học nền tảng.

Tập trung nghiên cứu cơ bản tại đại học sẽ giúp gắn kết đào tạo với nghiên cứu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học; tối ưu hóa đầu tư công, tránh trùng lặp và phân tán nguồn lực giữa các đơn vị.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch này không thể thực hiện bằng cách “rút chỗ này đắp chỗ kia”. Nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện vẫn thiếu về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, đội ngũ chuyên sâu và công bố quốc tế còn hạn chế. Nếu không có đầu tư bài bản, việc đẩy nghiên cứu cơ bản về trường đại học có thể ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của khoa học quốc gia.

Hiện nay, các viện nghiên cứu chuyên sâu vẫn là nơi tập trung những nhà khoa học tinh hoa và đang đảm đương nhiều nghiên cứu nền tảng dài hạn mà các trường đại học khó đảm nhận. Do đó, cần duy trì và phát triển các viện này song song với việc nâng cao năng lực nghiên cứu của đại học. Đặc biệt, cần có cơ chế phối hợp hiệu quả như chia sẻ phòng thí nghiệm, đồng tài trợ đề tài, hướng dẫn nghiên cứu sinh chung, hình thành nhóm nghiên cứu liên viện – liên trường.

Để dự thảo luật này hiệu quả và đi vào cuộc sống, bà có khuyến nghị gì?

Tôi đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về liên kết nghiên cứu giữa viện và trường, ví dụ như hình thành các nhóm nghiên cứu liên viện, liên trường, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, đồng tài trợ đề tài. Chia sẻ cơ sở vật chất nghiên cứu dùng chung, sử dụng hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm. Có cơ chế tài chính linh hoạt, để các viện có thể tham gia đào tạo, các trường có thể nhận các nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu cấp quốc gia.

Đặc biệt, cần coi trọng yếu tố con người. Không có nghiên cứu cơ bản nếu không có nhà khoa học làm việc toàn tâm, dài hạn. Việc chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về đại học sẽ không hiệu quả nếu đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên không được bảo đảm các điều kiện tối thiểu về tài chính, môi trường nghiên cứu và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà việc ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt của đời sống đã trở nên rõ ràng và cấp thiết. Nếu không chủ động nghiên cứu, không tạo ra các thành tựu khoa học trong nước mà chỉ trông chờ vào chuyển giao công nghệ từ bên ngoài, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn cả về thời gian, công sức và tài chính. Thậm chí, chúng ta có nguy cơ trở thành quốc gia tụt hậu.

Khi tập trung cho phát triển khoa học công nghệ, đồng nghĩa với việc chúng ta đang đặt nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế. Bài học từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, dù không sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng nhờ chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ, họ đã vươn lên mạnh mẽ.

Thúc đẩy khát vọng cống hiến trong giới trẻ

Là một đại biểu, bà kỳ vọng gì vào tác động của Luật này sau khi được thông qua, đặc biệt đối với thanh niên, nhà khoa học trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo?

Tôi kỳ vọng Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo sau khi được thông qua sẽ tạo ra những chuyển biến thực chất, sâu rộng, đặc biệt đối với ba đối tượng quan trọng là thanh niên, nhà khoa học trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tôi mong Luật sẽ khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khát vọng cống hiến trong giới trẻ. Thông qua các cơ chế hỗ trợ về giáo dục STEM, ươm tạo ý tưởng, kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thanh niên sẽ có thêm động lực và nền tảng để phát triển các ý tưởng khoa học, công nghệ thành các sản phẩm thực tiễn.

Đồng thời, Luật cần tạo ra một môi trường nghiên cứu cởi mở, minh bạch và có tính cạnh tranh lành mạnh, trong đó các nhà khoa học trẻ được tiếp cận nguồn lực tài chính công bằng; có cơ hội tham gia các chương trình nghiên cứu quốc gia, quốc tế. Luật sẽ tháo gỡ những rào cản hành chính, giúp giảm thủ tục, tăng niềm tin và động lực sáng tạo cho lực lượng khoa học kế cận.

Ngoài ra, tôi hy vọng đây là "đòn bẩy" chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để startup tiếp cận vốn dễ hơn qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, có thể liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Luật cũng nên mở rộng cơ hội tham gia vào các chương trình đổi mới sáng tạo quốc gia và kết nối với hệ sinh thái toàn cầu.

Có thể nói, đây không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà cần là động lực phát triển, nguồn cảm hứng và niềm tin cho thế hệ trẻ, nhà khoa học trẻ và cộng đồng khởi nghiệp. Tôi mong luật sẽ được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống một cách thực chất chứ không dừng lại ở văn bản.

Xin cảm ơn bà!

10 điểm mới của Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi lần này sẽ có những đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng.

Thứ nhất, khoa học công nghệ là nền của một quốc gia. Khoa học công nghệ mà hưng thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh.

Thứ hai, khoa học, công nghệ phải hướng tới đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro.

Thứ tư, chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược.

Thứ năm, khoa học công nghệ thay vì ở trên Trời, đi từ Trời xuống Đất thì phải có một chiều nữa là đi từ Đất đi lên, từ đổi mới sáng tạo tới phát triển công nghệ rồi tới nghiên cứu khoa học.

Thứ sáu, chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ bảy, chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp.

Thứ tám, cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội.

Thứ chín, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng.

Thứ mười, chuyển đổi số toàn diện hoạt động khoa học công nghệ và quản lý khoa học công nghệ.

Nguyệt Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/don-bay-chinh-sach-quan-trong-khoi-day-tinh-than-doi-moi-sang-tao-315113.html
Zalo