Đội tuyển bóng đá nữ Palestine và khát vọng trở lại sau cuộc chiến ở Gaza

Những giọt nước mắt lăn dài trên má cầu thủ Bisan Abuaita khi cô gặp lại đồng đội của mình tại sân bay Queen Alia ở Jordan vào tháng 5 vừa qua. Đây là lần đầu tiên các thành viên của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Palestine gặp lại nhau kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra.

Và đây cũng là lần đầu tiên đội tham gia thi đấu ở Dublin, thủ đô của CH Ireland nói riêng và thi đấu ở châu Âu nói chung. “Mọi người đều khóc vì đó thực sự là cách duy nhất để chúng tôi gặp nhau”, Abuaita, cô gái thi đấu vị trí tiền vệ cánh, kể lại với CNN về sự kiện khi đó qua cuộc gọi từ nhà cô ở Bờ Tây.

 Đội tuyển quốc gia nữ Palestine và CLB Bohemians cùng ăn mừng sau trận giao hữu tại sân vận động Dalymount Park vào tháng 5 vừa rồi. Ảnh: Getty Images

Đội tuyển quốc gia nữ Palestine và CLB Bohemians cùng ăn mừng sau trận giao hữu tại sân vận động Dalymount Park vào tháng 5 vừa rồi. Ảnh: Getty Images

Sau nhiều tháng sống trong sợ hãi và chia cách vì chiến sự ở Gaza và Bờ Tây, đội tuyển nữ Palestine rút cuộc đã có thể tập hợp lại và có trận đấu đầu tiên. Đó là trận đấu với câu lạc bộ Bohemians của CH Ireland vào tháng 5 vừa qua.

Trận đấu được tổ chức vào đúng ngày kỷ niệm 76 năm kể từ cuộc di cư "thảm họa" của người Palestine, khi hơn 700 nghìn người Palestine bị quân đội Do Thái trục xuất sau khi Nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948.

Hàng nghìn người hâm mộ với lá cờ Palestine đã lấp đầy sân vận động Dalymount Park, số tiền vé thu được sẽ được chuyển cho các tổ chức từ thiện để giúp đỡ dân tị nạn ở quê nhà. Tổng thống CH Ireland, Michael Higgins, cũng đã có mặt tại đó.

Chỉ hai tuần sau khi trận đấu diễn ra, CH Ireland chính thức công nhận tư cách Nhà nước Palestine, cùng thời điểm với Tây Ban Nha và Na Uy. CH Ireland là một trong những quốc gia ủng hộ Palestine mạnh mẽ nhất ở châu Âu.

Đội tuyển Palestine đã giành chiến thắng với tỷ số 2-1, nhưng kết quả không quan trọng bằng chính ý nghĩa của trận đấu. "Dẫn dắt đội ra sân là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên", đội trưởng Mira Natour chia sẻ. Cô còn là bác sĩ tại một bệnh viện công và sẽ sớm trở về thành phố Bethlehem ở Bờ Tây.

"Đó là khoảnh khắc mà không chỉ tôi, đội của tôi mà còn là cả quốc gia cảm thấy vô cùng tự hào. Đó cũng là minh chứng cho sự kiên cường, bất chấp mọi thách thức của chúng tôi”, Natour chia sẻ.

Trong khi đó, tiền vệ Abuaita đã diễn tả khoảnh khắc “siêu thực” ấy khi có thể trở lại thi đấu sau thời gian dài gián đoạn vì cuộc chiến ở Gaza. Cô đã không tham gia bất kỳ trận đấu nào kể từ khi câu lạc bộ của cô giành Cúp Quốc gia Palestine vào năm trước.

Cô nhớ lại: "Mọi người đều bật khóc khi nghe Quốc ca vang lên và chúng tôi biết rằng đây chính là lý do để chúng tôi cố gắng hết mình. Mỗi người trong chúng tôi đều thương sót với những đau khổ mà người dân đang phải trải qua".

“Chị em tập hợp” từ nhiều nơi trên thế giới

Một số cầu thủ Palestine bay từ nhà của họ ở Bờ Tây hay Đông Jerusalem, nơi bị Israel chiếm đóng, số khác từ cộng đồng người hải ngoại toàn cầu, cách xa địa điểm xảy ra xung đột hàng ngàn dặm.

Năm cầu thủ từ Bờ Tây, bao gồm Abuaita, đã lái xe đến Jordan để bay đến CH Ireland vì Palestine không có sân bay và nếu bay từ sân bay Tel Aviv của Israel thì cần có giấy phép. Mặc dù đường đến sân bay Queen Alia ở Jordan tương đối gần, nhưng vì phải đi qua ba trạm kiểm soát an ninh riêng biệt nên chuyến đi kéo dài lên tới 10 giờ đồng hồ.

 Các cầu thủ Palestine ăn mừng bàn thắng đầu tiên trong trận đấu giao hữu với Bohemians tại SVĐ Dalymount Park ở Dublin, CH Ireland. Ảnh: Getty Images

Các cầu thủ Palestine ăn mừng bàn thắng đầu tiên trong trận đấu giao hữu với Bohemians tại SVĐ Dalymount Park ở Dublin, CH Ireland. Ảnh: Getty Images

Nhưng ít nhất họ vẫn có thể đi. Kể từ khi đội được thành lập vào năm 2013, chưa có thành viên nào của đội đến từ Gaza do lệnh phong tỏa của Israel đối với khu vực này. Những cầu thủ hiện tại thường đến từ cộng đồng người Palestine ở Đức, Thụy Điển, Canada và Ả Rập Xê Út.

Thủ môn Charlotte Phillips, 18 tuổi, sinh ra tại Canada, có cha là người Bahamas và mẹ là người Palestine. Ông bà của cô đã rời khỏi thành phố Jerusalem vào giữa những năm 70 và chuyển đến Canada, sau đó mở nhà hàng Palestine ở Toronto. Phillips hiện là sinh viên đại học tại Toronto.

Vì sống ở Canada nên tôi không thể hoàn toàn thấu hiểu được những khó khăn mà người dân sống ở Palestine đang phải trải qua. Vậy nên tham gia trận đấu dưới sự chứng kiến của ông bà có ý nghĩa rất lớn với gia đình chúng tôi”.

“Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”

Natour và Abuaita diễn tả cảm giác buồn vui lẫn lộn trong những phút quý giá được thi đấu cùng nhau trên sân, đồng thời tưởng nhớ những người đang vật lộn với cuộc sống ở Gaza.

Abuaita cho biết toàn đội đã nỗ lực hết sức như một cách bày tỏ sự tôn trọng tới những người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và cũng là lời thông báo với thế giới rằng người dân Palestine chúng tôi vẫn đang đấu tranh.

 Thủ môn Charlotte Phillips của đội tuyển nữ Palestine cùng với ông bà sau trận đấu tại sân Dalymount Park ở thủ đô Dublin của Ireland. Ảnh: Getty Images

Thủ môn Charlotte Phillips của đội tuyển nữ Palestine cùng với ông bà sau trận đấu tại sân Dalymount Park ở thủ đô Dublin của Ireland. Ảnh: Getty Images

“Chúng tôi chiến đấu vì tất cả, vì những người đã thiệt mạng... và vì những vận động viên không thể thi đấu do không còn sân vận động nào ở Gaza, chúng đã bị phá hủy hoàn toàn”, cô chia sẻ.

Kể từ trận đấu ở Dublin, đội tuyển nam và nữ của Palestine đã tham gia một số trận giao hữu quốc tế. Đội tuyển nam Palestine vẫn đang cạnh tranh cho suất tham dự VCK FIFA World Cup 2026 sau khi đã vượt qua vòng loại thứ ba khu vực châu Á vào mùa hè vừa rồi.

“Bóng đá là nguồn hy vọng và là sự đoàn kết của người dân Palestine”, đội trưởng Natour chia sẻ. “Quan trọng hơn cả, nó truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ rằng hãy luôn mơ ước và phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp cho dù bất kể chuyện gì xảy ra”.

Hà Trang (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-tuyen-bong-da-nu-palestine-va-khat-vong-tro-lai-sau-cuoc-chien-o-gaza-post308159.html
Zalo