Sinh viên TP.HCM chế tạo robot y tá
Với mong muốn đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã chế tạo robot y tá Florence có khả năng nhận diện khuôn mặt, hỗ trợ tình trạng quá tải và thiếu hụt nhân lực ở các bệnh viện.
Với mục tiêu “Do người Việt, cho người Việt”, robot y tá Florence được trang bị những tính năng tiên tiến như tự động điều hướng, giao tiếp bằng tiếng Việt, đo lường và phân tích dữ liệu. Robot này được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) để nhận diện khuôn mặt bệnh nhân, thu thập dữ liệu và hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị.
Bạn Trần Vũ Gia Huy, sinh viên trường Đại học Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: "Ý tưởng robot y tá này xuất phát từ tình trạng quá tải của bệnh viện và sự thiếu hụt của các nhân viên y tế tại bệnh viện Việt Nam. Đồng thời, trong những bệnh viện cũng có những bệnh nhân thường hay cảm thấy cô đơn buồn chán, cần có người để chia sẻ và mong muốn được chăm sóc 24/7. Chính vì vậy, chúng em mới có mong muốn được giải quyết tình trạng đó với ý tưởng thiết kế và xây dựng robot y tá này".
Ở giai đoạn đầu, nhóm đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo robot trong phòng lab, sử dụng các linh kiện điện tử, đảm bảo tích hợp tốt nhất các chức năng di chuyển, giao tiếp của robot. Trong quá trình phát triển, nhóm đã đối mặt với không ít khó khăn do phải làm việc với các công nghệ mới và thiếu kinh nghiệm thực tiễn.
PGS.TS Lê Thanh Long - gỉang viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho hay: "Robot hiện tại đang khá cồng kềnh, cho nên sắp tới cần cải tiến lại phần vỏ robot cũng như các bộ phận khác làm sao robot có thể nhỏ gọn và linh hoạt chuyển động trong môi trường thực tế".
Sản phẩm robot y tá của nhóm đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi Bách Khoa Innovation 2024. Với chi phí bằng 1/5 so với khoảng 60.000 USD nhập khẩu, vận hành, bảo trì một robot y tá từ nước ngoài, robot y tá Florence có tiềm năng thương mại cao nhờ làm chủ công nghệ, khả năng vận hành, bảo dưỡng thuận lợi.
Nhóm nghiên cứu hy vọng được hợp tác chặt chẽ với các bệnh viện và doanh nghiệp công nghệ để thử nghiệm và đầu tư phát triển robot y tá rộng rãi ở Việt Nam.