Đối thoại Việt Nam lần thứ I mở ra nhiều cơ hội hợp tác tài chính Việt Nam - Đức
Diễn đàn đã kiến tạo một nền tảng kết nối các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng, doanh nghiệp tài chính, công nghệ, chuyên gia pháp lý để thúc đẩy hợp tác về vốn và công nghệ tài chính giữa Việt Nam - Đức.
Mới đây, tại Frankfurt – Đức, Vietnam Dialogue - Đối thoại Việt Nam lần thứ nhất, diễn đàn chuyên đề về vốn cho Việt Nam, đã được công ty tư vấn Vietnam Advisors (Đức) khởi xướng và phối hợp với nhiều đối tác tổ chức tại trung tâm tài chính Frankfurt am Main, miền Trung nước Đức.
Mục đích của sự kiện này là kiến tạo một nền tảng kết nối các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng, doanh nghiệp tài chính, công nghệ và chuyên gia pháp lý hàng đầu để thúc đẩy hợp tác về vốn và công nghệ tài chính giữa Việt Nam - Đức.
Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Đức
Tham dự Đối thoại có Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh; Tiến sỹ Nargess Eskandari-Grünberg, Thị trưởng thành phố Frankfurt am Main; Tiến sỹ Karsten Stroborn, Tổng Giám đốc Bộ phận Thị trường của Ngân hàng trung ương Đức (Deutsche Bundesbank).
Về phía Việt Nam có đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng trung ương bang Baden-Württemberg, Ngân hàng Vietinbank, cùng nhiều doanh nghiệp tên tuổi của Đức và Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng, quản lý vốn và công nghệ tài chính, trong đó có các "kỳ lân công nghệ“ Việt Nam như VNPay và Tập đoàn CMC.
Do điều kiện công tác không tới tham dự được Diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã gửi thông điệp chào mừng qua video tới Diễn đàn, trong đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và sẽ tạo mọi điều kiện, với chính sách nhất quán, để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung để phát triển với tinh thần và tốc độ cao nhất, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển, giàu mạnh và thịnh vượng.
Với những giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nền tảng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi năng lượng công bằng và các chính sách khác, Việt Nam mong muốn các đại biểu tham dự Diễn đàn Đối thoại Việt Nam đóng góp ý kiến và tham gia đầu tư cùng với Việt Nam để tạo nên sự phát triển trong kỷ nguyên mới.
Tiến sỹ Karsten Stroborn, Tổng Giám đốc Bộ phận Thị trường của Ngân hàng trung ương Đức, khẳng định quan hệ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đang trong xu hướng phát triển mạnh mẽ, hai bên đều là đối tác thương mại quan trọng của nhau trong khu vực.
Với dư địa phát triển thương mại và đầu tư lớn, hai nước cần có một khung đối thoại hiệu quả và ông Stroborn kỳ vọng Đối thoại Việt Nam sẽ trở thành một diễn đàn thường niên, góp phần quan trọng trong đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Vũ Quang Minh bày tỏ mong muốn Việt Nam có thể tận dụng được tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, cùng sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, các tổ chức của Đức trong kỷ nguyên vươn mình phát triển tới đây.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ về những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây, với những đánh giá Việt Nam hiện là một trong những khu vực kinh tế năng động nhất Đông Nam Á, mang đến những cơ hội tuyệt vời và riêng có cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tài chính.
Xu hướng tín dụng xanh
Trong phần trình bày về tiềm năng hợp tác phát triển các sáng kiến bảo vệ khí hậu, để vừa giảm phát thải nhưng đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, Giáo sư-Tiến sỹ Veronica Grimm, Thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Đức, Thành viên Ban Giám sát của Tập đoàn năng lượng Siemens Energy, cho rằng Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU) đang có một cơ hội lớn trong hợp tác với các nước châu Á để cùng áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cải thiện hiệu quả của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bà cũng cho rằng Đức và EU đều cần đa dạng hóa quan hệ thương mại, trong đó hợp tác với Việt Nam là bước đi đúng hướng, là một trong những giải pháp để cùng nhau củng cố nền kinh tế.
Ông Jens Rübbert, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng trung ương bang Baden-Württemberg (LBBW), Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN, nhận định rằng Việt Nam đang có những bước tăng trưởng ấn tượng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020, đã chứng tỏ là một công cụ hiệu quả trong tăng cường hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU.
Ông cho rằng trong bối cảnh gia tăng xung đột thương mại trên thế giới hiện nay, Việt Nam có thể tận dụng được nhiều cơ hội nếu nắm bắt sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư.
Đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam tham dự diễn đàn, Vụ phó Vụ Dự báo-Thống kê, ông Nguyễn Phi Lân cho biết trong những năm gần đây, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện những bước đi có ý nghĩa nhằm thúc đẩy hoạt động ngân hàng có trách nhiệm với môi trường và hỗ trợ các dự án đầu tư thân thiện với môi trường.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tín dụng xanh tăng trưởng với tốc độ trên 22%/năm, đạt giá trị khoảng 650.000 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Phi Lân, các tổ chức tài chính Việt Nam đã nắm bắt được các công cụ tài chính tiên tiến để hỗ trợ phát triển bền vững.
Những thành công trong phát hành trái phiếu xanh của các tổ chức tín dụng cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với các dự án thân thiện với môi trường và nhấn mạnh tiềm năng của các công cụ mới để huy động nguồn tài chính cần thiết cho các dự án xanh dài hạn.
Ngân hàng nhà nước cam kết hỗ trợ xu hướng này và tin tưởng rằng trái phiếu xanh và các công cụ tài chính bền vững mang lại cả lợi ích kinh tế và môi trường, điều chỉnh dòng vốn phù hợp với các dự án, giảm thiểu rủi ro khí hậu và hỗ trợ ổn định kinh tế lâu dài. Tầm nhìn của Ngân hàng nhà nước hướng tới một hệ thống tài chính bền vững, toàn diện và linh hoạt.
Ngân hàng nhà nước nhận thấy tầm quan trọng của tài chính bền vững không chỉ với vai trò là biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn là một cơ chế sống còn để đảm bảo ổn định kinh tế.
Phát triển Đối thoại Việt Nam thành sự kiện thường niên
Nhận xét về kết quả của diễn đàn, bà Mai Phương Lan, một trong ba thành viên của Công ty tư vấn Vietnam Advisors - đơn vị tổ chức, khẳng định Đối thoại Việt Nam lần thứ nhất đã thành công rực rỡ, các đại biểu đều đánh giá đây là một sự kiện hữu ích và quan trọng trong thúc đẩy hợp tác tài chính Việt Nam-Đức.
Diễn đàn đã cung cấp cho các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính, các nhà đầu tư… một nền tảng độc đáo để giao lưu với những người ra quyết định cấp cao, mở ra cánh cửa cho các cơ hội tài trợ và quan hệ đối tác mới tại thị trường Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Các doanh nghiệp tham gia sự kiện cũng nắm bắt rõ hơn về xu hướng thị trường Việt Nam và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm để phát triển kinh doanh.
Đại sứ Vũ Quang Minh cũng kỳ vọng, sau thành công của kỳ diễn đàn lần thứ nhất này, trong năm 2025 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức, Đối thoại Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành một sự kiện quan trọng, là nơi gặp gỡ và kết nối của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.