Đối thoại vai trò của phụ nữ và sự tham gia của các ngành trong thúc đẩy bình đẳng giới
Sáng nay 22/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị đối thoại vai trò của phụ nữ và sự tham gia của các ngành trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà khẳng định, trong những năm qua, tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bình đẳng giới đề ra, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối diện với nhiều thách thức trong thực hiện bình đẳng giới, từ những định kiến xã hội, sự bất bình đẳng trong phân công lao động cho đến khả năng tiếp cận thông tin bị hạn chế của phụ nữ đối với các chính sách cụ thể hỗ trợ phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của đời sống.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình, nạn tảo hôn còn diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với gia đình và xã hội.
Nhấn mạnh, đối thoại chính sách không chỉ là một hình thức dân chủ, là cầu nối quan trọng để tiếng nói của Nhân dân được cấp ủy đảng, chính quyền lắng nghe trực tiếp mà còn là cơ hội để người dân, đặc biệt là phụ nữ, được trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
Đây là hoạt động nhằm tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ được tiếp cận, tìm hiểu các chính sách đồng thời gặp gỡ những người thực thi chính sách để trao đổi, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chính sách xã hội khác. Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh...
Tại hội nghị, các đại biểu và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã trao đổi, chia sẻ làm rõ hơn các chính sách mà cán bộ, hội viên phụ nữ đang quan tâm như: các quy định về chế độ thai sản, tuổi nghỉ hưu và các vấn đề khác liên quan đến lao động nữ; quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong việc tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ như: nhóm tiết kiệm, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ. Các chính sách hỗ trợ phụ nữ liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường ổn định, đảm bảo giá cả hợp lý cho sản phẩm nông nghiệp sạch; công tác xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp, OCOP; an toàn thực phẩm.
Các chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số; hỗ trợ phụ nữ nghèo và đơn thân tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ xã hội để vươn lên trong cuộc sống; công tác hỗ trợ, tư vấn, hạn chế và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình, phòng chống tai nạn, tệ nạn cho trẻ em.
Công tác phát triển đảng viên trẻ, đảng viên nữ; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ hội; chính sách và chế độ hỗ trợ đối với cán bộ hội không chuyên trách.
Các chính sách dành cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cán bộ nữ, cán bộ nữ dân tộc thiểu số; hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn, thị trường, thông tin, phát triển kinh tế tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập.