Đối thoại: Đảng vì dân, dân tin Đảng
Mong muốn kiến tạo không gian phát triển xứng tầm, hình thành tầm vóc mới cho Đồng Nai, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đem lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân vùng đất thân yêu này, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền tỉnh, nhất là người đứng đầu, thường xuyên sâu sát cơ sở, chủ động dành thời gian trực tiếp đối thoại với nhân dân. Ý Đảng thuận lòng dân đồng hành dệt nên những ước mơ táo bạo, chung tay tự làm mới mình, chính là 'chìa khóa vàng' mở cánh cửa hiện thực hóa khát vọng đưa Đồng Nai 'cất cánh' tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Với tư cách người đứng đầu, tôi sẵn sàng đón tiếp người dân đến gặp bất cứ lúc nào sau buổi đối thoại hôm nay, để đóng góp ý kiến, chia sẻ, hiến kế kiến tạo vùng đất này”, là thiện ý Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh bày tỏ trong lúc đối thoại với đại diện khoảng 1,7 ngàn hộ dân vùng Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) mới đây.
Hóa giải xung đột lợi ích, thống nhất ý chí và hành động
Để làm Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa diện tích 293 hécta có tổng mức đầu tư hơn 72,2 ngàn tỷ đồng, chính quyền cần sớm thu hồi hơn 3 ngàn thửa đất của khoảng 1,7 ngàn hộ dân.
Bước chân vào địa điểm chỉ ít phút nữa diễn ra buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Viện (ngụ khu phố Nhất Hòa) cho hay: “Hôm nay có lãnh đạo tỉnh, huyện về đây để lắng nghe ý kiến của chúng tôi, điều đó quá tốt”.
Thấu hiểu lo âu, tâm tư, nguyện vọng của bà con thuộc diện giải tỏa, di dời, dồn dập nêu lên xoay quanh chuyện nổi cộm giá cả đền bù, tái định cư, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh chỉ đạo, hạ tầng khu tái định cư tại chỗ phải được xây trước một bước ngay từ bây giờ. Nhấn mạnh pháp luật nào cũng phải dựa trên nền tảng ý nguyện của nhân dân, cơ sở thực tiễn đất nước và cuộc sống cho phù hợp, khả thi, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh quán triệt dứt khoát: “Nếu ai bị đẩy ra đường không có chỗ ở, các đồng chí báo lên Tỉnh ủy cho tôi”. Đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành phố Biên Hòa lắng nghe, cầu thị, không được bỏ sót bước nào, để xây dựng khung chính sách giá đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tốt nhất cho người dân.
Thẳng thắn giải đáp câu hỏi người dân đặt ra họ sẽ được hưởng lợi gì từ dự án này đem lại, trường hợp công trình triển khai chậm gây hệ lụy đến cuộc sống bà con thì sẽ xử lý như thế nào, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, total (tổng cộng, trọn vẹn) Nhà nước chăm lo lợi ích cho nhân dân chia ra thành nhiều “món”. UBND tỉnh phải tính toán đầy đủ, làm rõ total chủ sở hữu đất đai hợp pháp được hưởng đúng pháp luật và đảm bảo an dân; giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tổng hợp, tham mưu giải pháp, biện pháp cụ thể có tình có lý. Quá trình bắt tay vào giải phóng mặt bằng xảy ra sơ sót, yêu cầu phải giải quyết khiếu nại của người dân đúng pháp luật, không chấp nhận chậm trễ.
Trọng dân, vì dân, có trách nhiệm với dân, kèm theo phong cách dẫn dắt thông điệp gần gũi, chân thành, đi vào lòng người, lãnh đạo cao nhất của tỉnh định hướng đến người dân: Chúng ta phải cố gắng nắm lấy “cú hích” năm 2026 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác, cộng hưởng lợi thế hệ thống đường vành đai, đường cao tốc, các tuyến giao thông đồng bộ, hiện đại mở ra cơ hội đủ để cho cù lao Phố, Biên Hòa trỗi dậy thành vùng đất thịnh vượng, tạo ra sinh kế giúp ích đời sống người dân về lâu dài. Bắt đầu từ việc gấp rút chỉnh trang đô thị, điều đó đồng nghĩa rất cần người dân chia sẻ, ủng hộ để Biên Hòa có diện mạo đẳng cấp trong tương lai, không thể “lụp xụp” như bây giờ. Đây là lý do thôi thúc lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại chủ yếu ghi nhận, tham khảo ý kiến người dân, để đưa ra quyết định chính sách triển khai thực hiện vừa đúng pháp luật, vừa được sự đồng thuận cao của nhân dân, từ đó trả lại giá trị cho “cù lao Phố” phát triển vững chắc, để người nông dân tái thiết cuộc sống mới tốt hơn, đổi đời ngay trên mảnh đất cha ông để lại.
Ý nghĩa của dự án không ngoài mục đích nào khác, mà nếu làm tốt ngay hôm nay và không thể muộn hơn, chúng ta có quyền mơ về một sức sống sông Hàn (Đà Nẵng) ngay giữa lòng thành phố Biên Hòa, thay cho cù lao buồn tẻ đã “ngủ quên” suốt thời gian dài, như lời kỳ vọng của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức bộc bạch trước đông đảo bà con.
Lĩnh hội thông tin cập nhật khá toàn diện từ lãnh đạo tỉnh, thành phố, đại diện nhiều gia đình vốn gắn bó 3-4 thế hệ với ruộng lúa, vườn cây bên “cồn”, đã phần nào giải tỏa tâm trạng trăn trở, bức xúc và biểu thị đồng tình sẽ hợp tác di dời, nhường đất cho dự án tiếp cận tiện ích công cộng, môi trường sống mới, góp phần đánh thức vai trò dòng sông Đồng Nai.
Ra về khi buổi đối thoại khép lại bằng tràng pháo tay tán thưởng của đại đa số người dân ngay giây phút người đứng đầu Đảng bộ tỉnh dứt lời phát biểu, ông Đào Thanh Tùng (ngụ khu phố Nhất Hòa) gửi gắm: “Hy vọng sau buổi đối thoại, những nguyện vọng chính đáng người dân phản ánh sẽ được lãnh đạo các cấp quan tâm xem xét, giải quyết hợp lòng dân”.
Việc của dân là việc của Đảng, việc của Đảng là việc của dân
Điển hình thành công vận dụng cơ chế đối thoại, trước đó có thể kể đến lãnh đạo tỉnh đối thoại cùng người dân khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (phục vụ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành), 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và tất cả những buổi đối thoại với các giai tầng xã hội được liên tục tiến hành thời gian qua. Quan điểm người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh đưa ra tại diễn đàn và được công khai rộng rãi trước công luận không đơn thuần chỉ là lời hứa, mà còn trở thành cam kết chính trị nghiêm túc.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện, xã tự giác đặt lợi ích chính đáng của người dân lên trên hết thành nguyên tắc bất di bất dịch, sẵn sàng tiếp thu các ý kiến khác biệt bằng thái độ công tâm, khách quan và bản lĩnh, tận tâm, kiên trì đeo bám chuyển hóa vấn đề sau đối thoại, thì dù công việc khó khăn, phức tạp đến mấy, cũng sẽ tìm ra tiếng nói chung, “hạ nhiệt” bức xúc tại chỗ, chặn đứng nguy cơ phát sinh “điểm nóng”. Khi cá nhân lãnh đạo nỗ lực thực hành phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như một nhu cầu tự thân, thì dù đối diện tình huống hóc búa giống như “cuộn chỉ rối”, vẫn sẽ có cách lần hồi ra đầu sợi dây, huy động sức mạnh trí tuệ tập thể từng bước tháo gỡ “nút thắt”, khơi thông “điểm nghẽn”. Ngay cả với trường hợp giải tỏa dây dưa kéo dài, ban đầu rất khó thuyết phục, nhưng với tấm lòng cởi mở nắm bắt họ cần gì, nghĩ gì, lãnh đạo từ đó khéo léo “đả thông” tư tưởng, thậm chí làm cho người dân chuyển từ tâm lý bi quan sang lạc quan, hiểu ra nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước cũng chính là việc của mình và tự nguyện hợp tác, bàn giao mặt bằng.
Ở lăng kính phản chiếu, có dịp tiếp xúc mắt thấy tai nghe, người dân có điều kiện đánh giá chính xác uy tín, năng lực, chú trọng tính trung thực, liêm chính cán bộ của mình. Nhất là, nhìn vào chất lượng hoạch định chính sách, cho ra đời những quyết sách đúng pháp luật, sát thực tiễn, hợp lòng dân sau đối thoại, người dân phát huy vai trò giám sát, phản biện, thể hiện mức độ tín nhiệm, hài lòng đối với bộ máy công quyền.
Thực tế minh định, ít kênh tương tác nào phát huy hiệu quả tốt hơn là đối thoại trực tiếp, góp phần tạo “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, cũng như mang lại lợi ích thiết thực, hài hòa cho cả hai phía, qua đó nhân lên niềm tin, khơi dậy cảm hứng, năng lượng tích cực, đồng tâm hiệp lực làm nên việc lớn. Minh chứng rõ nét là Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, đột phá đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh hiện nay như: Cảng hàng không quốc tế Long thành, các tuyến đường vành đai, đường cao tốc, công trình chỉnh trang hạ tầng đô thị thành phố Biên Hòa… Trong bối cảnh tỉnh đang đảm đương gánh vác một phần sứ mệnh quốc gia, càng tối kỵ ai đó khoác áo “công bộc” mà thực chất quan liêu, xa rời quần chúng, thiên về mệnh lệnh hành chính trong lãnh đạo, điều hành, dễ khiến mất lòng dân.
Nói về tinh thần cống hiến phụng sự nhân dân, đề cao dân chủ “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” của cán bộ địa phương, ông Vũ Bình An (ngụ xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) cho biết: “Bây giờ duy trì bộ phận “một cửa” rồi, bí thư, chủ tịch huyện thường trực tiếp xuống gặp người dân trong công việc, thảo luận, nghe ý kiến nhân dân. Muốn phát triển huyện vững mạnh thì từng xã, thị trấn phải vững mạnh. Như chúng tôi ở đây đang xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế phát triển mạnh lắm, nhân dân càng nhiệt tình đóng góp xây dựng chính quyền vững mạnh”.
Đó là lý do ông Nguyễn Duy Ngành (ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) gợi ý nên tăng cường đối thoại hơn nữa: “Lãnh đạo tiếp xúc với dân, ở xã cũng đã thường làm, bí thư, chủ tịch đối thoại với dân, những vấn đề khúc mắc được cấp trên trực tiếp giải thích và cái gì vượt khả năng cũng được kiến nghị lên cấp cao hơn, đáp ứng được nguyện vọng của dân. Hoạt động này ý nghĩa, nên tổ chức càng nhiều càng tốt, ít nhất mỗi năm 2 lần”.
95 mùa Xuân của Đảng đã kiểm nghiệm chân lý đúng đắn “có dân là có tất cả”, trở thành bài học vô giá. Nói như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: “Chúng ta đang nỗ lực xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, nên làm sao làm cho cán bộ của Đảng, Nhà nước gần dân hơn. Mọi hoạt động của chính quyền, của Đảng phải hướng về dân, để lắng nghe được những vấn đề mà người dân quan tâm và truyền đạt chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với dân, tạo nên động lực từ trong dân để thực hiện những chủ trương đó”.
Theo người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, “Đồng Nai có đủ điều kiện có thể bứt phá, phát triển một cách mạnh mẽ và nhanh về đích hơn. Do đó, những tiêu chí của một vùng đất về nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân phải nỗ lực để thực hiện. Phải tạo ra sự phát triển vượt bậc so với điều kiện tỉnh mình đang có. Và để đem lại một cuộc sống thịnh vượng cho nhân dân, sự phát triển mạnh mẽ cho tỉnh, đòi hỏi sự nỗ lực của cả đội ngũ và tham gia của người dân”.