Đối thoại chủ nhật: Nâng cao chất lượng đường sắt đô thị Hà Nội
Đường sắt đô thị (ĐSĐT) đang là loại hình giao thông được nhiều người dân Thủ đô lựa chọn để di chuyển. Vì vậy, việc tăng cường quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả các tuyến ĐSĐT là nhiệm vụ trọng tâm của TP Hà Nội trong thời gian tới. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Có thể thấy, các tuyến ĐSĐT của Hà Nội đang hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Đề nghị ông thông tin rõ hơn về vấn đề này?
Ông Khuất Việt Hùng: Năm 2024, Hanoi Metro vận chuyển an toàn hơn 14,7 triệu lượt hành khách, trong đó, tuyến 2A Cát Linh-Hà Đông vận chuyển hơn 11,8 triệu lượt, tăng 9% so với năm 2023, bình quân mỗi ngày vận chuyển hơn 41.000 lượt hành khách.

Ông Khuất Việt Hùng.
Đối với đoạn trên cao tuyến 3.1 Nhổn-ga Hà Nội bắt đầu vận hành từ ngày 8-8-2024. Tính đến hết ngày 31-12-2024, tuyến đã vận chuyển an toàn hơn 2,8 triệu lượt hành khách, bình quân mỗi ngày vận chuyển hơn 18.000 lượt hành khách và tiếp tục có xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới.
PV: Từ những kết quả trên, ông đánh giá thế nào về xu hướng sử dụng ĐSĐT của người dân?
Ông Khuất Việt Hùng: Những con số nêu trên cho thấy sự tin tưởng và ủng hộ ngày càng tăng của người dân đối với loại hình giao thông công cộng này. Việc người dân ngày càng ưa chuộng tàu điện có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, tàu điện là phương tiện giao thông công cộng hiện đại, tiện lợi và an toàn, di chuyển nhanh chóng và đúng giờ, giúp người dân tiết kiệm thời gian, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm. Thứ hai, sử dụng tàu điện góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Thứ ba, giá vé tàu điện hiện nay rất phù hợp với chi phí đi lại và thu nhập của người dân.
Trong năm 2024, tuyến 2A Cát Linh-Hà Đông có 70% lượt hành khách đi lại bằng vé tháng; con số này ở tuyến 3.1 Nhổn-ga Hà Nội là 60%. Nếu phân loại theo mục đích di chuyển thì số hành khách sử dụng ĐSĐT để đi làm chiếm 47%; học sinh, sinh viên chiếm 45% và 8% còn lại sử dụng cho các mục đích khác. Tại Singapore, con số này là 50% với người đi làm và 43% với sinh viên. Còn ở thành phố Kuala Lumpur (Malaysia), nhóm hành khách chính sử dụng ĐSĐT gồm 36% người đi làm và 58% là sinh viên. Các số liệu thống kê cho thấy những tín hiệu tích cực từ người dân Thủ đô trong việc sử dụng tàu điện làm phương tiện di chuyển thường xuyên.
PV: Vậy thời gian tới cần làm gì để tăng cường phát triển hệ thống giao thông kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để người dân di chuyển đến các tuyến ĐSĐT, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Nếu coi ĐSĐT là trục xương sống thì các tuyến giao thông kết nối (xe buýt, taxi) được ví như những mạch máu của giao thông Thủ đô. Vì vậy, cần nhiều giải pháp thiết thực mang tính đồng bộ.

Nhân viên của Hanoi Metro thực hiện nhiệm vụ tại ga Cát Linh, tuyến 2A Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: PHẠM HOÀNG
Đầu tiên, cần xác định rõ xe buýt và xe buýt điện là những loại hình phương tiện kết nối trọng yếu với các tuyến ĐSĐT trong mạng lưới giao thông công cộng. Kinh nghiệm từ các nước có hệ thống ĐSĐT phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... cho thấy, việc bố trí các điểm chờ xe buýt và xe buýt điện cần lấy các nhà ga metro làm trung tâm để trung chuyển hành khách theo mô hình xương cá, nghĩa là các tuyến xe buýt và xe buýt điện sẽ đóng vai trò gom khách trong bán kính 2-3km và đưa đến các nhà ga metro. Hiện nay, Hà Nội có hơn 90 tuyến xe buýt và buýt điện kết nối với các nhà ga của hai tuyến ĐSĐT. Các tuyến xe buýt này đang hoạt động khá hiệu quả, tuy nhiên, khi nhu cầu đi lại của người dân bằng tàu điện tăng cao thì việc nghiên cứu, rà soát các điểm kết nối xe buýt là cần thiết.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện khác như xe công nghệ (taxi, xe ôm công nghệ), xe đạp điện công cộng... kết nối với các nhà ga tàu điện. Hiện nay, có rất nhiều hành khách sử dụng xe công nghệ để liên kết hành trình với các tuyến ĐSĐT, tuy nhiên tại xung quanh nhà ga, phần lớn các vị trí đón, trả khách còn lộn xộn, chưa chuyên nghiệp, đôi lúc gây ách tắc giao thông trong khung giờ cao điểm. Vì vậy, việc bố trí các điểm đón, trả khách cố định không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tạo hình ảnh chuyên nghiệp mà còn có thể giúp đa dạng hóa lựa chọn phương thức di chuyển cho hành khách. Cùng với đó, cần nghiên cứu bố trí thêm các điểm trông giữ phương tiện cá nhân cho hành khách trong bán kính 500m xung quanh các nhà ga và tạo điều kiện ưu tiên cho hành khách sử dụng tàu điện thường xuyên.
PV: Đề nghị ông cho biết những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và vận hành của các tuyến ĐSĐT trên địa bàn Thủ đô thời gian tới?
Ông Khuất Việt Hùng: Để nâng cao chất lượng dịch vụ và vận hành, thời gian tới, Hanoi Metro sẽ tập trung triển khai 3 hạng mục chính. Đầu tiên là nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên, đặc biệt trong công tác bảo trì, bảo dưỡng phương tiện và hạ tầng công trình, từng bước làm chủ công nghệ; cải tiến quy trình quản lý giúp bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả trong công tác vận hành. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ để đưa ra các phần mềm quản lý; triển khai bán vé tàu điện trực tuyến thông qua các nền tảng số; đẩy mạnh các kênh thông tin hướng dẫn hành khách trên đa nền tảng. Cuối cùng là tăng cường kết nối các phương tiện với các nhà ga metro, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tham gia giao thông và sử dụng tàu điện.
Tôi tin rằng, với những nỗ lực không ngừng, ĐSĐT sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô, góp phần xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!