Đổi thay từ một phong trào
Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Một trận thi đấu bóng chuyền giữa các thôn của xã Thiệu Lý.
Về xã Thiệu Lý, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay rõ nét của vùng quê nông thôn. Diện mạo làng quê khang trang, sạch đẹp với những con đường bê tông nối liền ngõ xóm, thôn. Nhà văn hóa thôn, khu thể thao, khu vui chơi được đầu tư đồng bộ.
Chủ tịch UBND xã Thiệu Lý Lê Khắc Bảo cho biết: Xã hiện có 7/7 thôn được công nhận đơn vị văn hóa, 93% hộ gia đình văn hóa. Mỗi thôn đều có nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa - thể thao của người dân. Cùng với đó, mỗi thôn thành lập 2 đến 3 đội văn nghệ - thể thao... Đó là kết quả từ việc xã đã quan tâm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với XDNTM.
Theo đánh giá của huyện Thiệu Hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn được triển khai sâu rộng, gắn với XDNTM, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Kết quả từ phong trào đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện.
Để phong trào lan tỏa sâu rộng, Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện đã bám sát các chương trình, kế hoạch của cấp trên và thực tiễn tại địa phương để làm cơ sở ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch và giải pháp thúc đẩy phong trào phát triển, trong đó tập trung chỉ đạo phong trào xây dựng thôn, tiểu khu văn hóa, gia đình văn hóa. Đồng thời, Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện và các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, quyết định liên quan đến nâng cao chất lượng văn hóa và các nội dung của phong trào tới từng thôn, từng hộ gia đình để Nhân dân biết và thực hiện. Các hội, đoàn thể, địa phương chủ động lồng ghép các nội dung của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với các phong trào, cuộc vận động thi đua và hoạt động của đơn vị.
Trong quá trình thực hiện, huyện đã xác định thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Do đó, đã tập trung tuyên truyền về ý nghĩa và vai trò của gia đình đối với xã hội; tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa và phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các địa phương gắn việc xây dựng gia đình văn hóa với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và trong cộng đồng dân cư; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình và dân tộc.
Huyện cũng phối hợp với các hội, đoàn thể lồng ghép phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế. Hiệu quả từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Năm 2024, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn huyện đạt 93,6%; tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 93,4%.
Một trong những giải pháp để phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa lan tỏa mạnh mẽ được huyện Thiệu Hóa triển khai đó là ban chỉ đạo các cấp đã huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao. Các xã, thị trấn đã dành quỹ đất quy hoạch trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, khu thể thao, khu sinh hoạt cộng đồng gắn với XDNTM.
Đến nay, huyện có trung tâm hội nghị, nhà thi đấu và luyện tập, sân vận động, nhà trưng bày truyền thống. 100% xã, thị trấn có trung tâm văn hóa, khu thể thao và điểm vui chơi, giải trí cho người già, trẻ em. 100% thôn, tiểu khu có nhà văn hóa, khu thể thao. Các thiết chế văn hóa - thể thao có đầy đủ trang thiết bị, được sử dụng đúng mục đích.
Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Thiệu Hóa Trần Ngọc Tùng, cho biết: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự hưởng ứng tham gia của Nhân dân. Thông qua phong trào, người dân đã phát huy vai trò chủ thể của mình và từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình trong các phong trào của địa phương như làm đường, xây dựng nhà văn hóa, dọn vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, các hoạt động phong trào văn hóa - thể thao... Kết quả đạt được từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành động lực để địa phương thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.