Đổi thay trên vùng 'đất thép'
Phát huy truyền thống cách mạng, 50 năm sau ngày giải phóng, quân dân huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đã đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Chúng tôi về huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh trong những ngày tháng tư lịch sử. Các trục đường đều rực sắc cờ, hoa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Đi vào các xóm, ấp, trò chuyện với người dân, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào về sự đổi thay trên vùng “đất thép” năm xưa.

Mô hình nuôi bò sữa thu nhập cao tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Cựu chiến binh (CCB) Phan Thanh Liêm, ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cho hay, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, cuộc sống nhiều thời điểm thiếu trước hụt sau. Biết hoàn cảnh của gia đình tôi, Hội CCB huyện Củ Chi đã vận động các nhà hảo tâm và đồng đội đóng góp, hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại ngôi nhà cho CCB Phan Thanh Liêm. Có ngôi nhà khang trang, gia đình tôi ổn định cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, nuôi bò sữa, vươn lên thoát nghèo.

Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Thực hiện phong trào CCB giúp nhau vượt khó trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, những năm qua, Hội CCB huyện Củ Chi đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình, “Ấm tình đồng đội”, “Tặng thẻ bảo hiểm y tế”, “Trao bò giống sinh sản cho hội viên khó khăn”, “Đường cờ Tổ quốc”… Trong 5 năm qua, Hội CCB huyện Củ Chi đã xây dựng, sửa chữa 6 ngôi nhà đại đoàn kết. Các tổ chức hội, hội viên đã hỗ trợ hội viên khó khăn hơn 4 tỷ đồng/năm, giúp nhiều hội viên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Chiến sĩ lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh giúp nhân dân huyện Củ Chi làm đường giao thông nông thôn.
Những mô hình của Hội CCB huyện Củ Chi, là một trong nhiều mô hình giảm nghèo, làm giàu trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả của huyện Củ Chi những năm qua.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Củ Chi - “đất thép” là vùng căn cứ cách mạng, nằm sát sào huyệt của địch. Với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”; quân, dân Củ Chi đã đoàn kết, dũng cảm, kiên cường chiến đấu xây dựng “Vành đai diệt Mỹ”… Hôm nay, chúng ta bước đi trên mảnh đất này, chúng ta như chạm tay vào những bức tường đất sét từng che chở quân dân Củ Chi chiến đấu anh dũng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một thế hệ đã gồng mình giữ trận, để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, để những giá trị nhân văn không bao giờ phai mờ.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) giúp nhân dân Củ Chi sửa chữa kênh mương nội đồng.
Tuy nhiên, lập nhiều chiến công, hậu quả sau chiến tranh ở Củ Chi rất nặng nề khi đất đai hoang tàn, cỏ cây xác xơ, con người thì nghèo khó. Phát huy truyền thống cách mạng trong xây dựng nông thôn mới, Củ Chi đã triển khai nhiều mô hình, biện pháp giảm nghèo. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quán triệt tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân vào cuộc. Các địa phương đều có kế hoạch, chương trình, mục tiêu cụ thể để thực hiện hiệu quả.

Các đơn vị lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh phối hợp khánh thành tuyến đường giao thông tại huyện Củ Chi.
Theo đó, huyện ủy, UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Địa phương đã khảo sát nắm vững tâm tư, khả năng của người dân, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề truyền thống, trồng cây cảnh, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ…hình thành những vùng chuyên canh nhiều sản phẩm chủ lực của thành phố. Mỗi năm, huyện giúp các hộ dân vay hàng nghìn tỉ đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, Củ Chi đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng nhiều mô hình, trồng rau sạch, cây cảnh, nuôi bò sữa, bò thịt, bò sinh sản, lợn, gia cầm, thủy cầm…ứng dụng công nghệ cao. LLVT các đơn vị, địa phương cùng chung tay hỗ trợ Củ Chi trong xây dựng nông thôn mới về đường giao thông, sửa chữa kênh mương nội đồng.Hiện, huyện đã thành lập mới 55 tổ hợp tác xã với gần 2.000 hội viên và hình thành 112 chi hội nghề nghiệp với trên 5.200 hội viên tham gia. Các xã đều đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 85 triệu đồng/người/năm, nâng mức sống người dân ngoại thành gần ngang bằng với người dân nội thành.
Bằng cách làm trên, địa phương giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông nhàn, thất nghiệp ngay tại xóm, ấp, khắc phục tư tưởng bỏ quê hương làm ăn xa. Bình quân mỗi năm, địa phương tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, giữ vững ổn định cơ cấu lao động, sản xuất. Huyện cũng quan tâm chăm lo xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa cho gia đình chính sách, người nghèo với nhiều biện pháp huy động nguồn lực xã hội.
Huyện Củ Chi cũng luôn năng động, sáng tạo trong thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, giúp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, hình thành nhiều ngành nghề mới và các khu công nghiệp có chất lượng cao. Các mô hình sản xuất đều được địa phương áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường.
Cách xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Củ Chi đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn thể, xã hội, nhất là phát huy truyền thống đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân và nêu cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu... Nhiều kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp đô thị của huyện Củ Chi đã lan tỏa tại nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Bài và ảnh: DUY NGUYỄN