Hơn 25 tỷ USD vốn ngoại chảy vào nền kinh tế, cao nhất lịch sử
Với mức vốn thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, Việt Nam ghi nhận năm 2024 là cột mốc quan trọng trong thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn thực hiện của các dự án FDI trong năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023. Đây là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, bất chấp những khó khăn và biến động kinh tế toàn cầu.
Lũy kế đến ngày 31/12/2024, cả nước có 42.002 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 322,5 tỷ USD, chiếm 64% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá dòng vốn FDI tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Mặc dù tổng vốn đăng ký năm 2024 giảm nhẹ 3% so với năm 2023, sự gia tăng đáng kể ở vốn điều chỉnh (tăng 50,4%) và số lượng dự án mới (tăng 1,8%) cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Các dự án lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng tái tạo và công nghệ cao đã và đang được triển khai, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Năm 2024 cũng chứng kiến sự mở rộng đầu tư mạnh mẽ từ các đối tác chiến lược như Singapore và Hàn Quốc.
Trong năm qua, các nhà đầu tư đã rót vốn vào 18 trong số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 25,58 tỷ USD, chiếm gần 67% tổng vốn đầu tư. Ngành bất động sản đứng thứ hai với 6,31 tỷ USD, chiếm gần 17%.
Đáng chú ý, Singapore dẫn đầu về nguồn vốn FDI vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn, tăng 31,4% so với năm 2023. Theo sau là Hàn Quốc với 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5%, tăng 37,5%. Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản cũng duy trì vị thế trong top 5 nhà đầu tư lớn nhất.
Về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu với gần 5,12 tỷ USD vốn đầu tư FDI, gấp 2,8 lần so với năm trước. Hải Phòng và TP.HCM lần lượt giữ vị trí thứ hai và ba với 4,94 tỷ USD và 3,04 tỷ USD. Hạ tầng phát triển, chính sách ưu đãi và môi trường kinh doanh thuận lợi là những yếu tố thu hút dòng vốn vào các địa phương này.
Khu vực FDI tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp gần 291 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023 và chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 289 tỷ USD, tăng 12,4%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 241,6 tỷ USD, tăng 15,5%, chiếm 63,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhờ xuất siêu gần 49,2 tỷ USD, khu vực FDI đã bù đắp phần nhập siêu 25,4 tỷ USD của doanh nghiệp trong nước, đưa cả nước đạt mức xuất siêu 23,8 tỷ USD.
Ngoài ra, khu vực FDI còn đóng góp khoảng 20,49 tỷ USD vào ngân sách Nhà nước, tiếp tục là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế.