Đổi thay nơi ngã ba biên giới Sín Thầu
Ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đồng bào người Hà Nhì, Mông, Khơ Mú… đã, đang góp sức xây dựng vùng đất biên cương Tổ quốc ngày một đổi thay, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình.
Sín Thầu đã bước sang trang mới
Cách đây khoảng 20 năm, mỗi khi nhắc tới xã Sín Thầu, ai cũng phải lắc đầu ái ngại. Khi đó đường vào Sín Thầu chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Nhắc chuyện xưa để thấy giờ đây Sín Thầu đã bước sang trang mới. Từ TP Điện Biên Phủ lên xã Sín Thầu, chặng đường hơn 200km đã trải nhựa phẳng lì, xe chạy bon bon tới tận bản cuối cùng của xã là A Pa Chải, nơi có cột mốc số 0 mà “1 con gà gáy 3 nước cùng nghe tiếng”.
Trường học được xây dựng khang trang, không còn cảnh giáo viên phải dùng bạt che gió, che mưa nữa. Trụ sở UBND xã được xây dựng kiên cố thay thế cho ngôi nhà gỗ ghép khi xưa. Trạm y tế khang trang. Đường dẫn đến các bản đã bê tông hóa.
Cuộc sống người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Không còn những nỗi lo về cái ăn, cái mặc; thay vào đó là sự sung túc, ấm no. Những con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, nối dài đến các bản. Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã cho biết, Sín Thấu có 250 hộ với trên 1.500 nhân khẩu ở 7 bản như A Pa Chải, Tá Miếu, Tả Kố Khừ, Tả Ko Ki, Pờ Nhù Khò, Lỳ Mà Tá… Trong đó 100% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Hà Nhì và một số đồng bào Mông, Khơ Mú... Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách thiết thực; đời sống Nhân dân các dân tộc cũng như diện mạo của xã đã có nhiều khởi sắc.
Ông Pờ Chinh Phạ tự hào, Sín Thầu đã thực hiện được 6 không “không có người nghiện ma túy, không chặt phá rừng làm nương, không có người du canh, du cư, không xuất cảnh trái phép, không sinh con thứ ba, không theo tà đạo hay tôn giáo lạ...”.
Niềm tin với Đảng, cùng sự đoàn kết của người dân nơi biên cương Mường Nhé là ngọn lửa dẫn đường cho Sín Thầu vượt qua khó khăn để xây dựng và bảo vệ biên cương vững mạnh. Nhớ lại những ngày gian khó, ông Pờ Chinh Phạ kể rằng, ngày trước Sín Thầu mịt mùng rừng núi, đường ra trung tâm chỉ là lối mòn, chỉ có cách vượt đường rừng mà đi. Đa phần người dân khi đó chưa nói được tiếng phổ thông, Ai đã rời Sín Thầu, không muốn quay lại. Bao năm bà con sống trong cảnh đèn dầu. Nhiều năm về trước bà con còn trồng cả cây thuốc phiện. Đời sống vốn nghèo khó lại bị khói thuốc phiện bủa vây, đẩy bao gia đình rơi vào cảnh khổ sở.
Năm 1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) được thành lập. Cùng thời điểm, Chi bộ Trung Thầu, Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng đất ngã ba biên giới cũng được thành lập. Từ đây người dân tiếp cận được với những điều mới mẻ. Những lớp học xóa mù chữ được thành lập. Bộ đội Biên phòng cùng thầy giáo vận động bà con xóa bỏ những hủ tục, phá bỏ cây thuốc phiện, vận động Nhân dân cai nghiện.
Thời gian đó, biết bao cuộc họp bản, họp dân được triển khai nhằm tuyên truyền về tác hại thuốc phiện. “Nhiều cụ già nghiện thuốc phiện rất nặng, cán bộ đến vận động nhiều lần mới dần hiểu ra và tình nguyện ra trung tâm xã cai nghiện. Suốt 20 năm, phải kiên trì lắm mới xóa được cây thuốc phiện. Người nghiện trong bản cũng không còn”, Chủ tịch xã nhớ lại.
Vừa phát triển kinh tế, vẫn giữ bản sắc văn hóa
Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế, bên cạnh tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt cho người dân, nhiều năm gần đây xã đã vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh địa phương như khai hoang ruộng nước, đưa giống lúa mới vào sản xuất. Từ điều kiện đất đai sẵn có, nhiều hộ mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, nhờ đó thu nhập ngày càng nâng cao.
Vài năm gần đây, Sín Thầu còn nổi lên là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn với điểm nhấn là cột mốc số 0 nơi ngã ba biên giới, phong cảnh thơ mộng, núi non hùng vĩ, văn hóa đặc sắc.
Đến Sín Thầu, một điều dễ nhận thấy là sự hiếu khách của bà con người Hà Nhì. Hầu hết các hộ dân sống ở 7 bản đều là người Hà Nhì (chiếm tới 90% dân cư). Đây cũng là địa phương gìn giữ được nét đẹp văn hóa của người dân bản địa. Vào thăm bất cứ một gia đình Hà Nhì nào, đều được bà con rộng cửa đón khách. Người Hà Nhì sinh ít con, nên có điều kiện chăm sóc tốt cho gia đình, truyền dạy văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau.
Tại Sín Thầu, từ trang phục đến những vật dụng sử dụng thường ngày được phụ nữ Hà Nhì tự làm và tự thêu. Ngoài ngày mùa bận rộn, những phụ nữ lại miệt mài bên khung thêu để tạo ra những chiếc túi xách tay, chiếc khăn đội đầu… đậm bản sắc.
Ông Tạ Văn Sơn (Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé) cho biết, tuy còn khó khăn song những đổi thay ở Sín Thầu những năm qua thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là trong việc hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc qua về xây dựng nông thôn mới. Sín Thầu đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Cơ sở hạ tầng ngày một khang trang. Đời sống, thu nhập của Nhân dân trong xã không ngừng cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...