'Đời như tiểu thuyết' - những câu chuyện ấm áp tình người

Hướng tới dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhà báo - nhà văn Trương Đức Minh Tứ cho ra mắt tập bút ký 'Đời như tiểu thuyết', tiếp tục khẳng định vị thế và dấu ấn của ông trong sự nghiệp văn chương.

Trương Đức Minh Tứ là một cái tên quen thuộc trong làng báo chí Việt Nam, không chỉ bởi vai trò Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị mà còn vì một gia sản văn chương thấm đẫm hơi thở cuộc sống, tình đời, tình người và đầy chất thơ của một cây bút trưởng thành từ Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Huế.

Bìa tập bút ký “Đời như tiểu thuyết”.

Bìa tập bút ký “Đời như tiểu thuyết”.

Những câu chuyện gặp trên đường đời

Trong tập bút ký dài gần 300 trang này, Trương Đức Minh Tứ đã dẫn dắt độc giả bước vào thế giới của những số phận, những câu chuyện đời thường nhưng đượm đầy cảm xúc. Hơn một phần ba dung lượng của “Đời như tiểu thuyết” là bút ký cùng tên, một chương viết được nhà báo, nhà văn Trương Đức Minh Tứ dày công chắt lọc từ những tư liệu quý báu và những trang viết tâm huyết mà nhà văn Châu La Việt (con trai nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và NSƯT Tân Nhân) dành tặng. Cũng vì lẽ đó, cuộc trùng phùng của cha con nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã trở thành điểm nhấn đặc biệt cho tập sách.

Bút ký "Đời như tiểu thuyết" không chỉ là tấm gương phản chiếu những giá trị sâu sắc của cuộc sống mà còn là bản trường ca tôn vinh tình người, tình đời và những nỗ lực không ngừng nghỉ của con người trong cuộc sống. Những ai cầm trên tay “Đời như tiểu thuyết” sẽ đều cảm nhận được hơi thở ấm áp của cuộc đời, được dẫn dắt qua từng câu chuyện mà nhà báo - nhà văn Minh Tứ kể - chân thành, nhân văn và giàu cảm xúc.

Tác giả Trương Đức Minh Tứ.

Giữa những biến cố của cuộc đời, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng rời xa quê nhà, xa gia đình, bỏ lại sau lưng tất cả và để lại đứa con trai thuở mới chỉ là một bào thai nằm trong bụng mẹ. Cuộc hội ngộ sau nhiều thập kỷ xa cách không chỉ là câu chuyện của riêng cha con ông mà còn gợi lên những giá trị về tình cảm gia đình thiêng liêng. Lá thư đầy xúc động của người nhạc sĩ viết cho con trai đã lấy đi nước mắt, chạm đến tận cùng trái tim của biết bao độc giả:“Hoài, đứa con trai đầu lòng yêu quý của ba! Chối bỏ - từ ngữ ấy không hề có trong từ điển đời ba. Hoặc có chăng đi nữa, thì ba chưa bao giờ dùng nó. Ba chưa bao giờ chối bỏ con. Suốt ba lăm năm trời nay, con luôn ở trong ký ức của ba, trong trái tim ba, trong tâm hồn ba…”.

Bên cạnh câu chuyện về tình phụ tử, tập sách còn dệt nên những bức tranh giàu tính nhân văn khác. Đó là những câu chuyện về tinh thần dấn thân vì Tổ quốc và tình yêu của người anh hùng thời kháng chiến; những hoàn cảnh éo le gặp trong cuộc sống; khát vọng hòa bình của miền đất còn mang trên mình bao chứng tích của chiến tranh hay những con người, vùng đất với bao điều mới lạ ở bên ngoài đất nước mà tác giả ghi lại trong những chuyến viễn du;…

Nổi bật trong số đó là “Chuyện về người thầy giáo thương binh” Hồ Roàng – người dân tộc Vân Kiều ở xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh. Câu chuyện kể về một người thầy tận tụy, sống trong nghèo khó và mù lòa nhưng vẫn dành trọn trái tim cho sự nghiệp giáo dục, cống hiến bất chấp nghịch cảnh. Trong một lần hướng dẫn học sinh lao động làm vườn địa lý, thầy đã không may cuốc phải bom bi sót lại từ thời chiến. Vụ nổ đã cướp đi đôi mắt của thầy, để lại trên cơ thể và cuộc đời ông những vết thương không thể lành. Mất đi ánh sáng, thầy vẫn không buông bỏ sứ mệnh của mình - vẫn bám trường, bám lớp, tiếp tục giảng dạy bằng cả trái tim và nghị lực phi thường. Khi không thể tiếp tục công việc giảng dạy vì thương tật, thầy Hồ Roàng đã xin vật liệu dựng một túp lều gần trường chỉ để sống với niềm an ủi cuối cùng là ngày ngày được nghe tiếng đọc bài của các em học sinh. Tuy vậy, đời thường đâu chỉ có nỗi đau mà còn có cả những chuyện tình đẹp như mơ, dù nhuốm màu buồn bã.

Trong “Thêm một tình sử bên dòng Ô Lâu”, Minh Tứ kể lại câu chuyện tình yêu đầy xúc động của đôi vợ chồng chiến sĩ Ngô Xuân Hòa và Huỳnh Thị Thuận. Từ những năm tháng cùng nhau chiến đấu trên chiến trường đến hành trình hai mươi năm người vợ tìm kiếm thi thể chồng, câu chuyện ấy gợi lên sự thủy chung, nghĩa tình không phai mờ của những người từng sống và cống hiến vì đất nước. Câu chuyện khép lại với hình ảnh đôi vợ chồng cùng yên nghỉ bên dòng sông Ô Lâu – minh chứng sống cho tình yêu và sự kiên cường, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện, thầm thì kể lại những câu chuyện không lời.

Chân dung những nhà báo kỳ cựu

Ngoài những câu chuyện đời thường đầy cảm xúc, “Đời như tiểu thuyết” còn dành những trang viết đặc biệt để phác họa chân dung các nhân vật tiêu biểu trong làng báo chí Việt Nam. Với kinh nghiệm nhiều năm làm báo, Trương Đức Minh Tứ đã vẽ nên hình ảnh gần gũi, chân thực về những người đồng nghiệp mà ông ngưỡng mộ và gắn bó.

Trong cuốn sách, nhà báo Phan Quang - một biểu tượng lớn của làng báo Việt Nam, được tác giả Trương Đức Minh Tứ khắc họa không chỉ là một nhà quản lý báo chí lịch lãm, một cây bút với số lượng đầu sách đồ sộ mà còn là hiện thân của một nhân cách lớn. Là người con của mảnh đất anh hùng Quảng Trị, nhà báo Phan Quang đã dành cả đời cống hiến cho báo chí và văn chương, góp phần xây dựng nên những giá trị trường tồn cho nền văn hóa nước nhà.

Tác giả dành nhiều trang viết sâu sắc và đầy cảm xúc khi nhắc đến ông: “Đọc tác phẩm cũng như có dịp tiếp xúc với nhà báo Phan Quang, chúng ta học hỏi thêm được nhiều điều về nghề báo, nghề văn, kể cả nhân cách người cầm bút; biết thêm nhiều gương mặt chính khách cũng như những cây bút tài hoa từ trong nước đến thế giới mà ông đặc tả. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, từ tác phẩm của nhà báo Phan Quang, “qua những con người bất cập được cả một thời đại””.

Cũng trong “Đời như tiểu thuyết”, tác giả Trương Đức Minh Tứ cũng dành sự tôn kính đặc biệt khi vẽ nên chân dung nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Từng là phóng viên chiến trường lăn lộn trong khói lửa kháng chiến chống Mỹ, ông mang trong mình tình yêu và ân tình sâu nặng với mảnh đất Quảng Trị - nơi in dấu những ký ức không thể phai mờ trong cuộc đời ông. Quảng Trị - mảnh đất từng chịu đựng đạn bom như muốn xóa sạch mọi sự sống, lại là nơi Nguyễn Hồng Vinh bước chân theo bộ đội vào giải phóng Đông Hà tháng 4/1972 từ tuyến đường Trường Sơn. Đó cũng là nơi ông mang nỗi đau riêng khi người anh ruột đã hy sinh trên Đường 9 năm 1968 mà đến nay phần mộ vẫn chưa được tìm thấy. Chính những ký ức ấy càng làm sâu thêm sự gắn bó của ông với vùng đất kiên cường này.

Tác giả Minh Tứ bày tỏ lòng ngưỡng mộ: “Đọc tác phẩm báo chí và văn chương của ông, tôi như được tiếp thêm năng lượng sống tích cực, để mỗi sáng mai thức dậy, nghĩ mình phải làm một điều gì đó có ích, như ông, một đời báo, một đời thơ - chiến sĩ mà cây bút và trách nhiệm xã hội luôn được đề cao, không bao giờ ngừng nghỉ”.

Một nhân vật đáng chú ý khác là nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được tác giả miêu tả với sự khâm phục sâu sắc. Tác giả Trương Đức Minh Tứ đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần gắn bó của ông với đồng nghiệp, gia đình và cuộc sống. Nhà báo Phạm Quốc Toàn từng tâm sự với tác giả, rút ra một điều gan ruột: "Nghĩa tình bè bạn, một tài sản vô giá luôn đong đầy. Luật nhân quả, mình sống tốt với bạn, với đời thì bạn và đời sẽ tốt với mình, sẽ yêu thương mình".

Cẩm Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-nhu-tieu-thuyet-nhung-cau-chuyen-am-ap-tinh-nguoi.html
Zalo