Đội ngũ luật sư công: Có thể hình thành từ nguồn công chức, viên chức ngành Tư pháp

Việc hình thành đội ngũ luật sư chuyên trách ở các Bộ, ngành và địa phương trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm bảo đảm các yêu cầu ngày càng cao về việc tuân thủ và thực thi pháp luật trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hoạt động tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp của luật sư. (Ảnh minh họa: BN)

Hoạt động tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp của luật sư. (Ảnh minh họa: BN)

Chưa có mô hình thống nhất về tư vấn pháp lý cho cơ quan nhà nước

Luật sư công (LSC) là khái niệm đã xuất hiện trong đời sống pháp lý ở Việt Nam trong thời gian gần đây với nhiều cách tiếp cận khác nhau về nội hàm, ý nghĩa của khái niệm này. Trong đó, có hai cách tiếp cận chính sau: Quan điểm thứ nhất, LSC là công chức, viên chức nhà nước đảm nhận nhiệm vụ tư vấn pháp lý cho người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước; được cử làm đại diện giải quyết tranh chấp hoặc tham gia tố tụng tòa án, trọng tài mà một bên là Nhà nước hoặc cơ quan nhà nước trong nước hoặc quốc tế; tham gia tư vấn, hỗ trợ bảo vệ người yếu thế (trợ giúp pháp lý - TGPL) trong các vụ việc về dân sự, hình sự.

Việc hình thành đội ngũ luật sư chuyên trách ở các Bộ, ngành và địa phương trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm bảo đảm các yêu cầu ngày càng cao về việc tuân thủ và thực thi pháp luật trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Quan điểm thứ hai, LSC là những LS thuộc khu vực tư nhân, cung cấp dịch vụ pháp lý cho các nhóm “yếu thế” trong xã hội trong các quan hệ tranh chấp. Thực tiễn ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, trong xã hội còn có nhiều đối tượng không đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ LS trong quá trình giải quyết tranh chấp nên chính sách TGPL sẽ tạo thuận lợi hơn cho các đối tượng này được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), trong tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Việt Nam hiện nay đã hình thành các cơ quan, đơn vị, đội ngũ pháp chế thực hiện các chức năng liên quan đến công tác pháp luật, trong đó có các nhiệm vụ có thể được coi là các nhiệm vụ của “LS Nhà nước”. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thuộc ngành Tư pháp nói riêng và công tác tư pháp nói chung vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, chưa thực sự thể hiện đầy đủ vai trò là cơ quan tham mưu, “gác cổng” về mặt pháp lý cho các Bộ, ngành và chính quyền các cấp và phòng ngừa, giải quyết khiếu kiện về hành chính, bồi thường nhà nước và tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý áp dụng pháp luật phát sinh trong thực tiễn, kịp thời bảo vệ lợi ích nhà nước, quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Các tồn tại, hạn chế nêu trên là do chưa có mô hình thống nhất về tư vấn pháp lý cho lãnh đạo cơ quan nhà nước trong tổ chức thi hành pháp luật. Thực tế cho thấy hoạt động tổ chức thi hành pháp luật chính là sự vận hành chức trách của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước nhằm thực hiện quy định pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Đây là công việc đòi hỏi có kiến thức chuyên môn pháp lý cũng như nhuần nhuyễn kỹ năng, nguyên tắc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định rõ, đầy đủ điều kiện cần thiết để thực hiện mà tùy thuộc vào cách thức sử dụng đến đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế trong từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức ở một số cơ quan chưa thống nhất; trình độ, năng lực của đội ngũ những người làm công tác pháp chế chưa đồng đều, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ tư pháp khác, nên chất lượng tư vấn về pháp lý còn chưa cao. Một số cán bộ có năng lực thường xuyên bị luân chuyển, điều động sang các công tác khác (đặc biệt ở địa phương) dẫn đến rất khó có thể hình thành đội ngũ chuyên gia pháp lý chuyên sâu. Trong khi đó, công tác pháp chế liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, ở một số lĩnh vực chuyên sâu như tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ... mặc dù có đội ngũ cán bộ chuyên gia nhưng lại không được đào tạo về mặt pháp lý nên không phát huy được khả năng của họ trong việc tư vấn pháp lý chuyên ngành.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết tranh chấp tại các cơ quan của Việt Nam thường làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, số lượng tương đối ít và thường xuyên biến động, dẫn tới tình trạng quá tải trong một số thời điểm; đồng thời gây ảnh hưởng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ này ít được tham gia tranh tụng trong các cơ chế giải quyết tranh chấp trong nước cũng như quốc tế, chuyên viên tư vấn pháp lý thiếu kỹ năng tranh tụng. Trong khi đó, cơ chế thuê đội ngũ LS ở bên ngoài tư vấn, tham gia giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam tuy đã được thực hiện nhưng còn nhiều bất cập trong điều kiện hiện nay.

Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) ở các địa phương là những người có kiến thức pháp luật, được đào tạo bài bản. Song, phạm vi chức năng, nhiệm vụ còn hẹp, chưa phát huy được khả năng chuyên môn trong việc tham gia các tư vấn pháp lý theo yêu cầu của chính quyền các cấp, làm đại diện cho cơ quan nhà nước trước Tòa án hành chính và yêu cầu bồi thường nhà nước; hay bảo vệ quyền và lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước tại các địa phương.

Đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thi hành pháp luật

Trên cơ sở các yêu cầu đặt ra trong quá trình tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, các yêu cầu về tinh gọn bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 18 NQ/TW, thực tiễn hoạt động tư pháp của Việt Nam và kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đề xuất hình thành đội ngũ LSC ở các Bộ, ngành và địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) từ nguồn công chức, viên chức đang làm việc trong ngành Tư pháp, trong đó bao gồm TGVPL hiện nay.

Cụ thể, tại Trung ương, hình thành đội ngũ LSC của các Bộ, ngành từ các công chức tư pháp, pháp chế đang công tác pháp chế tại các Bộ, ngành; là viên chức, làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập (nghiên cứu viên, giảng viên, giáo sư chuyên ngành luật và trong chuyên ngành khác). Khi có vụ việc, Nhà nước trưng dụng, điều động họ tham gia với trách nhiệm, nghĩa vụ riêng, có chế độ thù lao thỏa đáng, kết thúc vụ việc họ lại trở lại nhiệm vụ của một công chức, viên chức bình thường. Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức tuyển chọn để Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp thẻ LSC.

Luật sư tích cực tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân. (Ảnh: TH)

Luật sư tích cực tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân. (Ảnh: TH)

Tại địa phương, hình thành đội ngũ LSC tại địa phương (LSC trung cấp ở cấp tỉnh và LSC sơ cấp ở cấp huyện) từ nguồn là các cán bộ, công chức tư pháp hoặc cán bộ chuyên ngành khác (đã qua đào tạo pháp lý và nghiệp vụ LS) đang công tác pháp chế tại các sở, ngành và đội ngũ TGVPL hiện nay. Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức tuyển chọn để UBND cấp tỉnh trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp thẻ LSC hoạt động tại địa phương.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của LSC, tùy từng vị trí của LSC trong hệ thống cơ quan nhà nước, LSC có thể thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như: Tư vấn pháp lý cho Chính phủ và chính quyền địa phương; TGPL cho người dân theo quy định của pháp luật; Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; Đại diện cho Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế và trong nước; Khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ các đối tượng yếu thế, lợi ích công.

Về quyền, LSC có quyền như công chức, viên chức nhà nước, được hưởng các chính sách, đãi ngộ đặc thù để bảo đảm thu hút và yên tâm cống hiến trong bộ máy nhà nước, được luân chuyển để có kinh nghiệm thực tiễn từ Trung ương về địa phương và ngược lại. Đồng thời, LSC có các quyền trong hoạt động nghề nghiệp như LS tư và các quyền đặc thù khác (do Chính phủ ban hành); được hưởng chế độ thù lao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ LSC; được thực hiện chức năng LSC không chỉ trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị đang công tác mà có thể được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Cùng với đó, LSC có các nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp như LS tư và có các nghĩa vụ đặc thù khác như chấp hành sự quản lý, giám sát của đơn vị mình theo quy chế công chức, công vụ và giải quyết công việc pháp lý theo ủy thác, phân công; không được tham gia các dịch vụ pháp lý được trả lương, làm việc bán thời gian; không tham gia công ty luật và các tổ chức dịch vụ pháp lý khác, không được làm LS giải quyết các công việc pháp lý ngoài đơn vị.

Với mô hình trên, chúng ta sẽ hình thành đội ngũ LSC chuyên nghiệp là giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác thi hành pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; không làm phát sinh tổ chức bộ máy và tác động đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước khác. Đồng thời, tận dụng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang làm công tác tư pháp, pháp chế và TGVPL có trình độ chuyên môn cao hiện có; phù hợp với chủ trương của Đảng trong việc một cơ quan, cán bộ thực hiện nhiều nhiệm vụ, công tác có tính liên thông. Không những thế, hình thành chế định LSC sẽ tạo thuận lợi trong thiết kế chính sách đãi ngộ phù hợp, đặc thù, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thi hành pháp luật hiện nay.

T.Hoàng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doi-ngu-luat-su-cong-co-the-hinh-thanh-tu-nguon-cong-chuc-vien-chuc-nganh-tu-phap-post536468.html
Zalo