Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức

Chia sẻ bên lề Quốc hội sau khi kết thúc đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, các Đại biểu Quốc hội cho rằng, đợt 1 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành nhiều nội dung đề ra, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với dấu ấn trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Các Đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ, đóng góp những ý kiến sâu sắc và toàn diện vào nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An): Nền tảng quan trọng, tạo đà cho kinh tế bứt phá trong năm 2025

Với tinh thần nghiêm túc, tích cực, khẩn trương và sôi nổi, đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với hơn 20 ngày làm việc đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra. Tôi cho rằng, đợt 1 có nhiều điểm nhấn quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Với khối lượng công tác lập pháp rất lớn tại đợt 1, nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, quyết định sự hiệu quả của các giải pháp điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thích ứng với thực tiễn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay và trong thời gian tới. Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, rõ ràng về sự cần thiết, các cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để trình ra Quốc hội, các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội rất chất lượng, trí tuệ.

Đáng chú ý, tại đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 với tỉ lệ tán thành cao. Việc Quốc hội nhất trí cao thông qua các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đó, chỉ tiêu đặt ra của năm 2025 là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%... Tôi hy vọng, với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, quyết liệt đã đề ra, kết quả đạt được của năm 2024 sẽ là nền tảng quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế bứt phá trong năm 2025.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều biến động, điều này thể hiện quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và phát triển, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025.

Cùng với đó, qua các phát biểu thảo luận của Đại biểu Quốc hội ở hội trường tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, tôi nhận thấy, các ý kiến này không lặp lại nội dung đã nêu tại thảo luận tổ, và sau thảo luận tổ, Cơ quan soạn thảo có ngay báo cáo giải trình bước đầu ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Tôi cho rằng, với cách thức như vậy, các phiên thảo luận có nhiều đại biểu phát biểu hơn, cung cấp thêm thông tin đa dạng và chọn lọc nội dung đóng góp sâu sắc, xác đáng hơn. Các ý kiến đóng góp của Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường cũng như ở tổ đã thể hiện sự đầu tư, nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn, rà soát kỹ lưỡng với hệ thống pháp luật hiện hành. Các quy định, chính sách mới được đề xuất, kiến nghị của Đại biểu Quốc hội rất hay, trách nhiệm, có tầm nhìn... Điều này cho thấy Đại biểu Quốc hội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình, xứng đáng với niềm tin tưởng của cử tri và Nhân dân.

 Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung.

Trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 8 này, tôi cho rằng, nội dung đáng chú ý khác là Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày (11 - 12/11/2024). Các Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, trọng tâm, thẳng thắn. Điều này thể hiện Đại biểu đã rất tích cực nghiên cứu các báo cáo, nắm chắc tình hình và hết sức trách nhiệm với tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri, các phát biểu tranh luận của Đại biểu đã làm cho phiên chất vấn thêm sinh động, dân chủ, sâu sát đến cùng vấn đề mình quan tâm.

Tôi mong rằng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ giữ lời hứa, thực hiện theo đúng tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay” như Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị, nhằm thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Từ những nội dung các dự án luật, dự thảo nghị quyết mà Quốc hội xem xét tại đợt 1, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 16 dự án luật và các nghị quyết tại đợt 2. Tôi tin tưởng rằng, với những chính sách, quy định pháp luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (một luật sửa nhiều luật) có hiệu lực thi hành sẽ đáp ứng được mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế trong quá trình thực thi pháp luật thời gian qua. Tôi cho rằng, việc Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các Luật, Nghị quyết này là giải pháp căn cơ nhất, hiệu lực, hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm nay và những năm tiếp theo, cũng như tạo ra cơ chế thuận lợi, thông thoáng để đẩy nhanh hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang): Giải quyết những vấn đề cấp thiết mà doanh nghiệp, cử tri quan tâm

Kỳ họp này có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết, nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm.

Trong đó, một nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân là về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đây là dự án mà Đảng đã có chủ trương, Quốc hội đang thảo luận kỹ càng, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt và cũng là mong muốn của nhiều người dân, đúng là ý Đảng, lòng dân, dự án được thực hiện thành công sẽ là “chiếc chìa” khóa khơi dậy nhiều tiềm lực của đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu để dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm.

Tôi nghĩ rằng, cần đưa ra bức tranh tổng thể cả những mặt tích cực, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức; để từ đó có giải pháp và phương án phù hợp nhất đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Để đảm bảo hiệu quả, khả thi và tránh thất thoát trong triển khai, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá kỹ tác động chính sách thể hiện trong chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đồng thời, trong suốt quá trình thực hiện cần lưu ý giải pháp liên quan đến khoa học - công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ phải là giải pháp xuyên suốt, quan trọng nhất trong tất cả các khâu, đáp ứng phát triển kinh tế số của ngành đường sắt.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình): Quyết đáp những vấn đề “nóng”, sát sườn với người dân

Tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, việc tập trung vào công tác lập pháp thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước.

Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Những dự án luật này không chỉ mang tính thời sự mà còn đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, bởi chúng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu.

Thành công của đợt 1 Kỳ họp thứ 8 có dấu ấn lớn của công tác điều hành linh hoạt, hiệu quả. Với sự nhạy bén và quyết đoán, Đoàn Chủ tịch đã không ngần ngại điều chỉnh chương trình làm việc để dành thời gian hợp lý cho các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường. Đó cũng là thể hiện sự đổi mới trong tư duy về xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, các phiên chất vấn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và dư luận. 3 nhóm vấn đề được chọn để chất vấn là những vấn đề rất sát, “nóng” như quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay. Trong đó, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ vừa qua; tình hình về thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật chưa được kiểm soát tốt, vấn đề về thuốc, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe người dân… đang được nhiều người dân quan tâm.

Thiên An (Ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-moi-tu-duy-xay-dung-phap-luat-the-hien-quyet-tam-vuot-qua-kho-khan-thach-thuc-post322162.html
Zalo