Đổi mới trong đổi mới dựng xây một Việt Nam phồn thịnh, rạng ngời

Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, là một sự kiện 'long trời lở đất', được ra đời trong một bối cảnh và hoàn cảnh lịch sử thật đặc biệt của nó. Trải qua gần 40 năm của Đổi mới với sự thành công trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng,… là sự kiểm chứng cho sự lãnh đạo của Đảng cũng như niềm tin của dân nơi Đảng trong quá trình dựng xây một Việt Nam phồn thịnh, rạng ngời.

Trong bài viết này tác giả đi vào luận giải sứ mệnh của Đảng trong khởi xướng và lãnh đạo Đổi mới ở Việt Nam; Đổi mới lần một và những thành công của nó là tiền đề cho thực hiện Đổi mới trong Đổi mới hướng tới xây dựng một Kỷ nguyên mới ở Việt Nam, một kỷ nguyên của chủ nghĩa xã hội với ấm no, hạnh phúc, phồn thịnh, rạng ngời.

Đặt vấn đề

Đổi mới ở Việt Nam không phải được tiến hành ngay sau khi chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, mà Đổi mới ở nước ta là cả một hành trình “thai nghén lịch sử của riêng nó”; nói như Gs Đặng Phong trong cuốn Tư Duy Kinh Tế Việt Nam 1975 - 1989 thì thời kỳ này được khái quát là “Đêm trước Đổi mới”. Lịch sử sau gần 40 năm nhìn lại (tính từ mốc sự kiện năm 1986, tại Đại hội VI của Đảng) chúng ta đã thấy được một thời kỳ mà sau này trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội VI Đảng đã thẳng thắn chỉ ra với “Sai lầm sau giải phóng với cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp kéo dài”. Do vậy Đổi mới ở Việt Nam là sự kiện chín muồi tất yếu của lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Sứ mệnh của Đảng và sự bức thiết phải Đổi mới ở Việt Nam

Có thể thấy, sau giải phóng với cơ chế quản lý kinh tế cũ chỉ phù hợp trong kinh tế thời chiến và tất yếu nó không phù hợp với thời bình trong thời bình xây dựng và kiến thiết quốc gia do vậy nó đã nảy sinh nhiều bất cập trong thực tiễn đặt ra cần được giải quyết. Nhìn lại lịch sử chúng ta có thể thấy, sau thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa tới độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc. Sự kiện này đã cho thấy tính đúng đắn của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đưa đất nước ta tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Tuy nhiên lịch sử đã đi qua để ngày nay chúng ta không có chữ “giá như, biết thế, có lẽ” cho những ngày đó mà ngày hôm nay chúng ta có thể nhìn nhận và khái quát lại những gì của lịch sử để có thể rút ra những bài học cho chính chúng ta trong tương lại không “vướng, mắc lại” những sai lầm khuyết điểm đó.

Sau Giải phóng miền Nam (1975) Đảng lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên với nhiều lý do khác nhau, với những nguyên nhân khác nhau chúng ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trong việc đề ra các chính sách kinh tế vĩ mô để phát triển đất nước, từ đó đã tạo ra những nguy cơ lớn trong việc mất ổn định về kinh tế, chính trị đối với đất nước ta; đời sống của người dân ngày càng khó khăn với các nhu cầu ăn, mặc ở thiết yếu trong cuộc sống,… những sai lầm này đã gây ra nhiều hệ lụy to lớn cho sự tồn vong của một dân tộc nếu như nó không được khắc phục bằng những biện pháp, cách thức cũng như quy luật vận hành của riêng nó.

Ảnh: Phạm Nguyễn

Ảnh: Phạm Nguyễn

Ngay đầu thập niên 1980, tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta diễn ra rất khó khăn và căng thẳng, lạm phát của nền kinh tế đã tăng lên mức phi mã đặc biệt sau hai cuộc tổng điều chỉnh giá – lương - tiền. Đây là phát súng hiệu đầu tiên diễn ra vào năm 1985 với mục tiêu ban đầu nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu – bao cấp, chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, được thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa V, Đảng Cộng sản Việt Nam,… Tuy nhiên thực tiễn đã cho thấy do lúc ấy chúng ta chưa có các biện pháp đồng bộ nên khi áp dụng thì cuộc cải cách này đã khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn,… tuy nhiên đây là những tiền đề kinh tế - xã hội cho việc chấm dứt cơ chế kinh tế bao cấp để chuyển sang chính sách kinh tế “Đổi Mới” sau này. Như chính sau này Giáo sư Trần Nhâm (2005), trong tác phẩm Trường Chinh với hành trình Đổi mới tư duy (Nxb. Chính trị quốc gia) đã khẳng định: Sau khi nhận thấy yêu cầu cấp bách của thực tiễn cũng như hình hài con đường đổi mới của Việt Nam, đồng chí Trường Chinh cho rằng tình thế lúc này không thể kéo dài được nữa nhưng để thay thế cái cũ phải nắm vững lý luận, hiểu rõ thực tế và nhìn thẳng vào sự thật,….

Tất cả những khó khăn về kinh tế - xã hội ở nước ta lúc bấy giờ đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan được Đảng ta nhìn nhận và đánh giá trong các Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương trình Đại hội VI như sau:

"Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”

“Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản, vừa "tả" khuynh vừa hữu khuynh”.

“Chúng ta vừa chủ quan nóng vội, vừa bảo thủ trì trệ, trong thực tế hai mặt đó cùng tồn tại và đều cản trở bước tiến của cách mạng”.

“Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.

Có thể thấy, ngay trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng đã xác định và chỉ rõ, nguyên nhân của những khủng hoảng “những cái sai” trong giai đoạn này được bắt nguồn từ những quyết sách nóng vội, chủ quan, bảo thủ, trì trệ về kinh tế. Những sai lầm ấy cũng có nguyên nhân, khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng “Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Và do vậy để có thể giải quyết được vấn đề này Đảng phải bắt tay vào khắc phục được những nguyên nhân tạo ra nó, có như vậy mới từng bước đưa dân tộc Việt Nam vượt qua được khủng hoảng, trì trệ trong xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước ở giai đoạn (1975 - 1985).

Như vậy, sứ mệnh của Đảng ta ở đây với vai trò là người dẫn dắt, lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam do đó Đảng cũng chính là Người thấu hiểu sâu sắc thực tiễn của cách mạng Việt Nam đề ra đường lối Đổi mới một cách đúng đắn – kịp thời – sát với tất yếu lịch sử để khẳng định Đảng ta vừa là Đảng của giai cấp nhưng cũng đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Một Đảng dám chỉ ra những khuyết điểm để rồi tự khắc phục những khuyết điểm bằng việc gánh vác trọng trách đưa dân tộc Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện nền kinh tế - xã hội đất nước từ 1986 đến nay. Chính nhờ sự tiên phong của Đảng, cùng sự đồng hành của toàn dân tộc đã đưa Nhân dân Việt Nam đạt được sự ấm no, phồn thịnh, rạng ngời như ngày hôm nay.

2. Lần một của Đổi mới Đảng lấy nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết những nhu cầu ăn mặc ở của Nhân dân

Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng trong công cuộc xây dựng và kiến tạo đất nước sau khi giành độc lập với một thời kỳ được gọi bằng cái tên “Thời kỳ Bao cấp” bằng việc thực hiện và duy trì một cách máy móc một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã được áp dụng toàn diện ở nước ta trong khoảng thời gian 1976 – 1985.

Ở giai đoạn này chúng ta có nhiều vi phạm trong nguyên tắc quản lý kinh tế, cũng như duy trì việc trao đổi trên thị trường bằng quan hệ tem phiếu,… với mong muốn chủ quan của chúng ta thông qua tem phiếu giúp xóa bỏ giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, nơi mọi người dân có thể phát triển một cách công bằng. Tuy nhiên việc thực hiện cơ chế tem phiếu này đã gây ra nhiều tổn thương một cách trầm trọng cho nền kinh tế Việt Nam đưa tới hệ lụy vô cùng to lớn là “khủng hoảng kinh tế” (nói theo cách nói của Gs Đặng Phong trong cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 - 1989 và sau này Đảng ta đã chỉ ra), các nhu cầu ăn, mặc, ở thiết yếu của Nhân dân không được giải quyết, các nhu cầu về hàng tiêu dùng thông thường trong xã hội thiếu thốn một cách trầm trọng. Cũng chính trong lúc này Đảng ta đã đúng khi nhận thức một cách đầy đủ những khó khăn, thách thức của “khủng hoảng kinh tế” nước ta lúc bấy giờ sẽ kéo theo những hệ lụy vô cùng to lớn tới xã hội, hay nói cách khác từ khó khăn về kinh tế nếu không nhận thức – đánh giá đúng – giải quyết một cách thấu đáo, hiệu quả nó sẽ rất dễ kéo đến các thách thức về “khủng hoảng xã hội” trong tương lai hay nói một cách khác từ khó khăn thách thức về kinh tế nó sẽ đưa đến những hệ lụy tiềm ẩn về chính trị và xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, Đảng ta đã vô cùng sáng suốt khi Nhận thức đúng – Phân tích đúng – Chỉ ra đúng căn nội sinh của nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ và đề ra đường lối Đổi mới căn bản, toàn diện về kinh tế - chính trị và xã hội của đất nước. Trong đó, tại Đại hội này mục tiêu quan trọng nhất được Đại hội giao cho Ban Chấp hành Trung ương khóa VI chỉ đạo thực hiện thành công những nhiệm vụ đề ra trong Báo cáo chính trị, với 10 nhiệm vụ quan trọng đó là: lấy “Xây dựng và tổ chức thực hiện ba chương trình về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu...” là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của Đại hội, để từ đó giải quyết các nhu cầu Ăn – Mặc - Ở trong Nhân dân đang là những nhu cầu bức thiết của đời sống Nhân dân. Giải quyết được những nhiệm vụ này mới góp phần giải quyết được những mục tiêu sau này của dân tộc Việt Nam.

Ngay khi Đại hội kết thúc Ban Chấp hành Trung ương đã bắt tay vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra trong việc Xây dựng và tổ chức thực hiện “Ba chương trình về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”, với các nhiệm vụ mà chúng ta đã đạt được đó là: Thứ nhất; đã Bảo đảm nhu cầu lương thực của xã hội và có dự trữ; đáp ứng một cách ổn định nhu cầu thiết yếu về thực phẩm. Mức tiêu dùng lương thực, thực phẩm đủ tái sản xuất sức lao động. Thứ hai; đáp ứng được tốt nhu cầu của nhân dân về những hàng tiêu dùng thiết yếu.

Thứ ba; chúng ta đã tạo được một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu để đáp ứng được phần lớn nhu cầu nhập khẩu vật tư, máy móc, phụ tùng và những hàng hóa cần thiết.

Thành tựu sau gần 40 năm Đổi mới, đã minh chứng rõ nét cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta trong việc đề ra chủ trương đúng đắn, sát với thực tiễn cách mạng nước ta. Kết quả của Đổi mới đã cho thấy kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế từ 4 tỷ USD lên gần 476,3 tỷ USD (GDP, 2024); thu nhập bình quân đầu người từ 160 USD lên trên 4.700 USD. Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường, Việt Nam vẫn ưu tiên và đang tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có bảo đảm cân đối lương thực, thực phẩm và có xuất khẩu.

Như vậy có thể thấy rằng với đường lối Đổi mới đúng đắn, sáng tạo hợp quy luật vận động của lịch sử - sát thực tiễn ở Việt Nam đã tạo ra cho dân tộc Việt Nam có được những thành tựu vô cùng to lớn của hiện tại và tương lai như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng 3.2.2025 đó là Rạng rỡ Việt Nam – một Việt Nam rạng ngời vững bước tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của ấm no, phồn thịnh, rạng ngời.

3. Lần hai của Đổi mới Đảng hướng tới dựng xây Kỷ nguyên mới vì một Việt Nam phồn thịnh, rạng ngời

Với gần 40 năm Đảng đã dẫn dắt toàn Dân tộc thực hiện “Đổi mới trong Đổi mới” xây dựng những tiền đề, cơ sở vật chất cho dân tộc Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới, với các điều kiện, tiền đề về lực lượng sản xuất - quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng – kiến trúc thượng tầng,… Đây là cơ sở quan trọng cho việc xác lập cũng như chuẩn bị các điều kiện, tiền đề về kinh tế - xã hội cho dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ấm no, phồn thịnh, rạng ngời của chủ nghĩa xã hội trong tương lai.

Thực tiễn đã cho thấy với gần 40 năm của Đổi mới, từng bước và toàn diện nền kinh tế xã hội ở nước ta, với việc Đảng đã lựa chọn đúng và sát thực tiễn cho con đường phát triển của cả dân tộc Việt Nam phù hợp quy luật phát triển của nhân loại đã tạo ra những đột phá vô cùng to lớn để đưa một dân tộc Việt Nam anh dũng trong chiến đấu, kiêu hãnh trong lao động sản xuất đã biến Việt Nam từ một nước thuần nông, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, trì trệ thì tới năm 2024 quy mô nền kinh tế đạt gần 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 trên tổng số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam từ khi thực hiện Đổi mới đến nay luôn thực hiện chính sách mở để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu với mục tiêu hướng tới đến năm 2045 (dấu mốc kỷ niệm 100 ngày nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời) đã và đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong nhiệm kỳ khóa XIV của Đảng (2026 đánh dấu thời kỳ Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc), với mức tăng trưởng hàng năm đạt hai con số (trên 10% một năm), như kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: "Với thế và lực đã tích lũy được sau 40 năm Đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam".

Ngày nay nhìn lại lịch sử với 50 năm ngày đất nước được thống nhất, 40 năm của Đổi mới, 95 năm Đảng ra đời. Chúng ta thấy sự đúng đắn to lớn khi dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta đã có được một cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế to lớn như ngày hôm nay. Trong tất cả mọi mặt của đời sống xã hội của người dân đều được nâng lên để từ đó chúng ta mới thấy được, cũng như suy tôn sự vĩ đại của Đảng ta. Thực tiễn là sự minh chứng thật công bằng và khách quan cho chúng ta khi đặt ra cho thấy, sau những năm 1970 mà khởi đầu là cuộc khủng hoảng năm 1973 Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đối diện với những thách thức vô cùng to lớn về kinh tế, kéo theo là sự khủng hoảng về xã hội. Đứng trước thực tế này các Đảng Cộng sản lãnh đạo ở các nước này cũng đề ra đường lối “Cải tổ, Cải cách Mở cửa, Đổi mới” khác nhau với mục tiêu đưa các dân tộc ấy thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không phải Đảng cộng sản nào cũng đưa ra được đường lối cách mạng đúng đắn để lãnh đạo cách mạng các nước vượt qua cú sốc của khủng hoảng cách mạng ấy; thực tiễn đã chỉ ra chỉ có một số nước với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, sát thực tiễn mới vượt qua những thách thức của thời đại ấy, với một số nước như Trung Quốc, Việt Nam,… trong đó có Việt Nam là một mẫu hình của phong trào cách mạng thế giới. Còn lại có một số nước như Liên Xô và các nước Đông Âu đã không vượt qua được cú sốc của thời đại và Đảng Cộng sản tại các nước này mất vai trò lãnh đạo cách mạng các dân tộc và nhân dân các nước ấy. Việc đưa ra thực tiễn như vậy mới thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cùng sự lựa chọn đúng của Nhân dân và đồng hành cùng Đảng trong công cuộc Đổi mới là sự chuẩn bị thật đầy đủ các điều kiện cho công cuộc Đổi mới trong Đổi mới tiếp theo của dân tộc Việt Nam.

Với tất cả sự chuẩn bị những điều kiện tiền đề cho công cuộc Đổi mới trong Đổi mới của dân tộc Việt Nam hay nói như đồng chí Tổng Bí thư trong chuyên đề giảng dạy tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thì đó là sự chuẩn bị cho dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì lúc này sứ mệnh lịch sử cùng với trọng trách to lớn gánh vác nhiệm vụ của non sông đất nước một lần nữa lại được đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam mà với hạt nhân quy tụ kết tinh tinh hoa của Đảng cùng toàn dân tộc là Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban chấp hành Trung ương Đảng với khát vọng xây dựng một: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”. Chúng ta thấy sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo của người lãnh đạo, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta dựng xây một trang sử mới huy hoàng cho dân tộc Việt Nam hướng tới 100 năm một Việt Nam - ấm no, phồn thịnh, rạng ngời.

Kết luận

Như vậy có thể thấy với những thành tựu đã đạt được của gần 40 năm Đổi mới như càng khẳng định một chân lý đúng đắn là niềm tin của Nhân dân vào Đảng ngày càng được củng cố, để từ niềm tin đó, sự thống nhất và đoàn kết nơi Nhân dân và Đảng là sự chung sức, đồng đồng lòng của người dân với Đảng trên mọi mặt của đời sống từ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội đến an ninh quốc phòng. Thắng lợi công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đã tạo nền móng vững chắc, với thế và lực cho đất nước Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, một kỷ nguyên của ấm no, phồn thịnh, rạng ngời.

Nguyễn Thị Thùy Linh - Nguyễn Thị Minh Nhâm - Nguyễn Lê Thạch

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doi-moi-trong-doi-moi-dung-xay-mot-viet-nam-phon-thinh-rang-ngoi-post1743897.tpo
Zalo