Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số: Vì người dân và doanh nghiệp

Bình Thuận đang bước vào một chặng đường mang tính bản lề khi vừa phải thực hiện các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, vừa chuẩn bị cho quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Báo cáo quý II/2025 của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh đã phần nào khắc họa bức tranh đa sắc: Nhiều thành tích nổi bật, nhiều nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng đồng thời cũng bộc lộ không ít điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Những nỗ lực nổi bật

Một trong những kết quả đáng chú ý nhất là Bình Thuận đã chủ động ban hành Chương trình công tác năm 2025, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo – qua đó đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai Nghị quyết 57 và Quyết định 204. Đặc biệt, UBND tỉnh đã cụ thể hóa nhiều chính sách quan trọng, từ ban hành quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho trái thanh long, đến kế hoạch phát triển hạ tầng số, triển khai chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận họp quý II/2025.

Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận họp quý II/2025.

Bên cạnh đó, phong trào “Bình dân học vụ số” là một điểm nhấn khác, với các chương trình phổ biến kỹ năng số được phát trên sóng truyền hình, mạng xã hội, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, đưa tinh thần chuyển đổi số lan tỏa tới nhiều tầng lớp dân cư. Trong khi đó, hệ thống các hội thảo khoa học cấp tỉnh đã trở thành diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận, đề xuất giải pháp đột phá, từ việc ứng dụng AI, công nghệ số trong quản lý, sản xuất, đến việc định hướng phát triển kinh tế ba trụ cột của tỉnh. Ở cấp doanh nghiệp, tỉnh đã phê duyệt 11 doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện được hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số, triển khai số hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm – một bước đi quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại kinh tế số.

Lĩnh vực chuyển đổi số tại Bình Thuận ghi nhận nhiều tiến bộ: Đề án 06 được thực hiện nghiêm túc; dữ liệu công dân được tập trung làm sạch, đồng bộ; các phân hệ Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) đang được thử nghiệm tại Bình Thuận và La Gi; tích hợp hệ thống văn bản điều hành giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận đã được thí điểm mở rộng. Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc. Một số nhiệm vụ quan trọng phải chờ hướng dẫn từ bộ, ngành Trung ương, như triển khai ứng dụng IoT trong sản xuất, giao thông, y tế; phát triển các nền tảng số quốc gia; xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dịch vụ số theo mô hình hợp tác công – tư (PPP). Các dự án quy mô toàn tỉnh như kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh hiện vẫn chủ yếu ở giai đoạn thí điểm, chưa thể triển khai chính thức. Trong khi đó, một số chỉ tiêu làm sạch dữ liệu có nguy cơ chậm tiến độ; trang thiết bị, phần mềm, nhân lực ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đôi khi hoạt động chưa ổn định...

Quyết tâm vượt khó

Bước sang quý III, Bình Thuận đã vạch ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện Đề án thành lập Khu Công nghệ cao, tiếp tục làm sạch dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu chuyên ngành, triển khai mô hình “Xã, phường thông minh” đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương hai cấp, đẩy mạnh truyền thông sáng tạo trên báo chí, mạng xã hội để nâng cao nhận thức cộng đồng. Về hạ tầng, tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng, xây dựng phương án đảm bảo các hệ thống thông tin, nền tảng số, cơ sở dữ liệu hoạt động liên tục, không bị gián đoạn trong quá trình sáp nhập. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải ưu tiên số hóa hồ sơ, tài liệu của các đơn vị thuộc diện giải thể, sáp nhập; rà soát, điều chuyển kịp thời phương tiện, công cụ, trang thiết bị công nghệ thông tin để không làm gián đoạn hoạt động bộ máy.

Ngoài ra, tỉnh cũng xác định thúc đẩy sử dụng các phần mềm dùng chung, tích hợp hệ thống văn bản điều hành giữa các khối Đảng, chính quyền, Mặt trận là giải pháp then chốt để đổi mới phương thức lãnh đạo trong thời đại số. Những thành tựu đạt được trong quý II/2025 là tiền đề quan trọng, nhưng để đi xa hơn, Bình Thuận cần tiếp tục gắn kết sức mạnh tập thể: Từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và từng người dân. Chỉ khi mọi chủ trương, chính sách đi vào thực chất, chạm tới nhu cầu thực tiễn, thì cuộc chuyển đổi số ở Bình Thuận mới thực sự phát huy hiệu quả, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, tinh thần chủ động, sáng tạo, tin rằng Bình Thuận sẽ vững vàng vượt qua, kiến tạo những bước đột phá mới, góp phần mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn trong kỷ nguyên sáp nhập tỉnh, đổi mới bộ máy, nâng tầm địa phương trên bản đồ kinh tế - công nghệ quốc gia.

KIM ANH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-vi-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-130566.html
Zalo