Đổi mới sáng tạo trong truyền thông để bảo vệ động vật hoang dã
Tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam, đặc biệt các loài quý hiếm đang ở mức báo động, bất chấp nỗ lực truyền thông không ngừng của các nhà bảo tồn. Dù đối mặt với vô vàn thách thức, khó khăn về nguồn lực, các sáng kiến bảo tồn vẫn tiếp tục được triển khai nhằm giảm thiểu vấn nạn này.
Báo động về mất cân bằng sinh thái
Nhiều số liệu, bằng chứng cho thấy mức độ sử dụng, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD quý hiếm tại Việt Nam đang ngày càng diễn biến phức tạp. Cụ thể, theo báo cáo năm 2017 của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), Việt Nam không chỉ là quốc gia trung chuyển mà còn được xem là một trong những thị trường tiêu thụ ĐVHD lớn nhất thế giới.
Chỉ riêng về việc sử dụng tê tê - loài ĐVHD thuộc danh mục động vật cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN và CITES, bị nghiêm cấm buôn bán xuyên quốc gia, một khảo sát trên gần 9.000 người Việt từ 18 tuổi trở lên, cho thấy 17% đã từng sử dụng tê tê hoặc các sản phẩm từ loài này. Trước đó, theo một nghiên cứu năm 2015 của Viện Xã hội học, tại Thủ đô Hà Nội, 69% người được khảo sát từng tiêu thụ ĐVHD, trong đó 67% sử dụng trong y học cổ truyền.
Sự thờ ơ và hạn chế nhận thức của một bộ phận xã hội về việc sử dụng ĐVHD trái phép không chỉ đẩy các loài quý hiếm vào bờ vực tuyệt chủng mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Những hành vi tiêu thụ bất chấp này góp phần kích thích chuỗi cung ứng buôn bán ĐVHD, dẫn đến tình trạng săn bắt tàn nhẫn và phá hủy môi trường sống tự nhiên. Một minh chứng là vào ngày 18/11/2024, Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam (SVW) phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương đã cứu hộ thành công 11 cá thể tê tê Java từ một vụ vận chuyển trái phép tại Phủ Lý.
Mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật chặt chẽ, nhưng nạn săn bắt và buôn bán trái phép ĐVHD quý hiếm vẫn diễn ra phức tạp. Hơn hết, “nỗi đau” của thiên nhiên không chỉ là tiếng kêu cứu của các loài động vật mà còn là sự báo động về mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và tương lai của chính con người.
Đổi mới sáng tạo trong nỗ lực truyền thông
Trong cuộc chiến chống lại nạn sử dụng ĐVHD trái phép, các nhà bảo tồn đã liên tục đổi mới và có nhiều sáng kiến độc đáo, sáng tạo nhằm thúc đẩy cách thức tuyên truyền hiệu quả, thay đổi gốc rễ nhận thức của mọi người. Đơn cử, “Trung tâm Thiên nhiên lưu động” là một sáng kiến mới được công bố vào ngày 27/11 của SVW, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), dự kiến được đưa vào hoạt động chính thức tại Hà Nội cuối năm 2024.
“Trung tâm Thiên nhiên lưu động” được xây dựng trên ý tưởng mang giáo dục bảo tồn đến gần hơn với cộng đồng thông qua các chương trình tương tác trực quan, thay vì yêu cầu mọi người tham gia các khóa học truyền thống. Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW, trung tâm không chỉ là một triển lãm mà còn là cầu nối giúp mọi người cảm nhận sự mất mát của thiên nhiên và hiểu rõ tác động của nó đến cuộc sống. Từ đó, mỗi cá nhân hình thành ý thức và hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường.
Hoạt động chính của trung tâm được thực hiện thông qua ba xe buýt lưu động, được trang bị công nghệ hiện đại như mô hình 3D, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Các nội dung trưng bày, trò chơi tương tác và khu vực hoạt động bên ngoài xe đều hướng tới việc truyền tải thông điệp bảo tồn.
Trước đó, tháng 10 vừa qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) đã ra mắt phim ngắn truyền thông thứ 58 tên “Phóng sinh động vật hoang dã: Thiện hay Ác?”, phác họa hành trình đau thương của một cá thể rùa từ khi bị săn bắt đến lúc bị phóng sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, bảo vệ ĐVHD bắt đầu từ ý thức và hành động của mỗi cá nhân. Từ chối tiêu thụ ĐVHD là bước đầu tiên để giảm nhu cầu và ngăn chặn chuỗi cung ứng sản phẩm trái phép. Mỗi người cần mạnh dạn lên tiếng phản đối hành vi sử dụng ĐVHD, xây dựng văn hóa cộng đồng không tiêu thụ sản phẩm này. Các hành động khác là “tẩy chay” các cơ sở buôn bán trái phép, kêu gọi cộng đồng chung tay ngăn chặn và thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm.