Đổi mới sáng tạo: Động lực để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá

Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị ra đời, được coi như kim chỉ nam, định hướng cho sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST). Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển, góp phần cùng đất nước bứt phá trong trong kỷ nguyên mới.

Khách tham quan trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: M. Thúy

Khách tham quan trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: M. Thúy

Nghị quyết 57 - Nghị quyết giải phóng sự sáng tạo

ĐMST được xem là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt. Tại Việt Nam, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy ĐMST đã, đang và sẽ luôn được xem là một trong những quyết sách quan trọng giúp Việt Nam vượt qua thách thức “bẫy” thu nhập trung bình và xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững, có tính thích ứng cao.

Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp một cách hiệu quả. Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, tạo thành lời hiệu triệu, là mệnh lệnh đối với toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học, doanh nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như mọi tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số.

ĐMST chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý, Nghị quyết số 57 đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Được coi như một "Khoán 10" cho hành trình phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST, chuyển đổi số của Việt Nam, Nghị quyết 57 được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá về mô hình sản xuất mới dựa trên khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số. "Nghị quyết Khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo. Tinh thần chung của cả Nghị quyết Khoán 10 và Nghị quyết 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Sẵn sàng cho thời cơ mới

Theo các chuyên gia, Nghị quyết 57 sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các chính sách liên quan đến hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu.

Nhanh chóng nắm bắt thời cơ, các doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh nghiên cứu, ĐMST, tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết, Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu cụ thể, rõ ràng với những giải pháp đầy đủ, toàn diện, với những chính sách đột phá để tháo gỡ những "điểm nghẽn" làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, ĐMST trong thời gian qua. Là một trong những doanh nghiệp có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực ĐMST, với trách nhiệm cùng đồng hành thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ có các thiết bị 5G tiên tiến, cùng với hệ sinh thái lõi mạng truyền dẫn cho 5G, giúp kết nối nhanh hơn, chính xác hơn, phục vụ chuyển đổi số. Mục tiêu đến năm 2030 là có các thiết bị 6G đầu tiên cung cấp thương mại.

Trong lĩnh vực bán dẫn, Viettel đặt ra mục tiêu trong năm 2025 sẽ hoàn thành đề án xây dựng một nhà máy chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ hiện đại, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để trình Thủ tướng Chính phủ triển khai. Xác định đến năm 2030, sẽ có nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam...

Với vai trò là một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet cam kết đầu tư cho nghiên cứu, phát triển làm chủ công nghệ số chiến lược được Đảng đề ra. "Phải sáng tạo, phải dẫn dắt, phải làm chủ... Doanh nghiệp lớn phải đi cùng, phải là lực lượng tiên phong gánh vác trách nhiệm này" - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hãng hàng không Vietjet khẳng định.

Để hiện thực hóa sứ mệnh này, Hãng hàng không Vietjet đã xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể gồm: Đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ Blockchain, nền tảng quan trọng của nền kinh tế số. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác sâu rộng với các đối tác trong và ngoài nước để nâng cao năng lực, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp...

Trong bối cảnh mới, nhiều doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư vào ĐMST thông qua việc thành lập các trung tâm nghiên cứu và triển khai các dự án nghiên cứu mới. Đơn cử như Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông - một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ĐMST trong lĩnh vực chiếu sáng. Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu trong ngành chiếu sáng tại Việt Nam vào năm 2025, Công ty đã có lúc dành tới hơn 20% lợi nhuận sau thuế cho hoạt động R&D, đồng thời thành lập 3 trung tâm nghiên cứu: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chiếu sáng, Trung tâm R&D Số và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương mại hóa HST-4.0...

Có thể thấy, khát vọng vươn lên dẫn đầu thị trường thông qua ĐMST không chỉ là một chiến lược ngắn hạn mà là một cam kết lâu dài của các doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Với sự quyết tâm và tầm nhìn rõ ràng, cùng với những cơ hội đang được mở ra, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, góp phần đưa nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới./.

M. THÚY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doi-moi-sang-tao-dong-luc-de-doanh-nghiep-viet-nam-but-pha-38154.html
Zalo