Đổi mới, sáng tạo để thu hút công chúng đến bảo tàng

Bảo tàng là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu những hiện vật, tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa, nghệ thuật hoặc một chuyên ngành, lĩnh vực nhất định. Để ngày càng tạo được sự hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng, nhiều bảo tàng nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong sưu tầm, lưu giữ, tổ chức trưng bày theo hướng tăng cường kết nối, giúp du khách 'chạm vào' ký ức một cách chân thực nhất.

Khách quốc tế tìm hiểu nỗi đau da cam tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Khách quốc tế tìm hiểu nỗi đau da cam tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Điểm đến văn hóa - sản phẩm du lịch

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, nhiều bảo tàng công lập và ngoài công lập trên cả nước đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiện vật gốc, áp dụng phương tiện khoa học kỹ thuật làm phong phú nội dung, đổi mới hình thức phục vụ công chúng, trở thành điểm đến văn hóa, đồng thời là sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Là một trong 7 bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Quận 3) đã trở thành điểm đến tham quan trải nghiệm của người dân và du khách. Trung bình mỗi năm, bảo tàng đón trên 1 triệu lượt khách tới tham quan.

Theo Ban Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nơi đây được bình chọn là một trong những điểm tham quan thú vị trong khuôn khổ Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị”. Bảo tàng được trang web du lịch quốc tế TripAdvisor bình chọn vào danh sách các bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Đơn vị cũng là thành viên của Mạng lưới Bảo tàng vì hòa bình quốc tế, thành viên của Hội đồng quốc tế bảo tàng.

Truyền tải thông điệp nhất quán “yêu hòa bình, chống chiến tranh xâm lược”, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh xây dựng nhiều chủ đề trưng bày nổi bật, tạo ấn tượng với du khách từ tên gọi chủ đề, chọn lọc hiện vật, mô hình được trưng bày cho đến phương thức chuyển tải thông điệp tới công chúng. Đó là các chủ đề: Những sự thật lịch sử; Hồi niệm; Việt Nam - Chiến tranh và hòa bình”; Chất độc da cam trong chiến tranh; Tội ác chiến tranh xâm lược, thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến; Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và một số khu vực trưng bày ngoài trời.

Bên cạnh các chủ đề trưng bày thường xuyên, bảo tàng còn thực hiện chuyên đề trưng bày ngắn hạn, gắn với sự kiện lịch sử, dịp kỷ niệm, thu hút người xem bởi cách thức thể hiện, tiếp cận vấn đề sâu sắc, độc đáo từ nhiều góc nhìn khác nhau. Đơn vị thường xuyên phối hợp các trường học, cơ quan, đơn vị ở Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương lân cận, tổ chức triển lãm lưu động gắn với hoạt động giáo dục truyền thống.

Tương tự, với vị trí thuận lợi, nằm ngay trên đường Trần Phú, ven biển ở thành phố Vũng Tàu, liền kề di tích văn hóa lịch sử quốc gia Bạch Dinh, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là điểm đến tham quan được nhiều người dân và du khách lựa chọn. Nơi đây hiện lưu giữ trên 28.000 tài liệu, hiện vật và tư liệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…

Bảo tàng được xây dựng khang trang, hiện đại. Song để thu hút công chúng, nội dung, cách thức trưng bày phải tạo sự hấp dẫn, phong phú, hiệu ứng lan tỏa từ chính những khách tham quan. Hiện nay, bảo tàng tổ chức trưng bày thường xuyên các chủ đề chính: Đất nước, con người; Bà Rịa - Vũng Tàu thời tiền - sơ sử; Bà Rịa - Vũng Tàu thời khẩn hoang mở đất thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX; Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 1859 - 1975; Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ 1975 đến nay); Sưu tập cổ vật Bà Rịa - Vũng Tàu. Các chủ đề được thể hiện bằng hiện vật và các mô hình, phối cảnh, tranh 3D sinh động.

Đến tham quan Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, du khách Đậu Văn Dinh (Nghệ An) cho biết, anh rất ấn tượng với bộ sưu tập các cổ vật thu được từ những con tàu đắm trên vùng biển phía Nam đất nước. Ngoài ra, các hộp hình giúp tái hiện nổi bật những giai đoạn lịch sử, nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhiều điểm đến là bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa được kết nối đưa vào chương trình tour của các đơn vị lữ hành hoặc thông qua chia sẻ của du khách từng đến tham quan bảo tàng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, thu hút mỗi năm trên 15 triệu lượt khách tới địa phương.

Tăng sức hấp dẫn gắn với chuyển đổi số

Cùng với tăng cường các nội dung, hiện vật, mời nhân chứng liên quan đến trò chuyện cùng khách tham quan, một giải pháp quan trọng của các bảo tàng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động trưng bày, giới thiệu, tăng trải nghiệm cho khách tham quan.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Long Hưng, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, số hóa bảo tàng hiện là xu thế tất yếu của các bảo tàng trên thế giới. Bởi vì, với mô hình bảo tàng vật lý, người xem có thể bị giới hạn trong việc tiếp cận thông tin, hiện vật trực tiếp do khoảng cách về địa lý. Chuyển đổi số bảo tàng giúp người xem dễ dàng truy cập và tham quan bảo tàng trên không gian mạng dù chưa đến trực tiếp. Đồng thời, bảo tàng được số hóa cũng là cơ hội thuận lợi để các tổ chức văn hóa và du lịch quảng bá văn hóa địa phương.

Việc sử dụng công nghệ hiện đại mang đến nhiều trải nghiệm mới, người xem có thể dễ dàng truy cập thông tin chi tiết liên quan tới hiện vật, chủ đề trưng bày, “tương tác” với hiện vật trong không gian 3 chiều, đắm chìm trong không gian có cả âm thanh và hình ảnh.

Theo đại diện Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bảo tàng ứng dụng công nghệ thông tin, gắn mã QR giúp du khách thuận tiện tìm hiểu thông tin, thực hiện thuyết minh tự động, bố trí màn hình chạm và chương trình tham quan trực tuyến. Bảo tàng còn sử dụng công nghệ 3D tái hiện một số nội dung liên quan đến chủ đề trưng bày.

Đơn cử, bảo tàng sử dụng công nghệ 3D tái hiện hình ảnh 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Bảo tàng còn kết hợp công nghệ ánh sáng, âm thanh…giúp du khách cảm nhận tính thực tế, chân thật của hình ảnh các nhà tù. Cùng với đó, các thông tin được chuyển tải trong màn hình “chạm” rất phong phú, thiết kế “bắt mắt” kèm hiệu ứng chuyển động khiến du khách tránh cảm giác đơn điệu, nhàm chán.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Bà Lưu Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Bảo tàng cho biết, mới đây, bảo tàng tiếp nhận dự án số hóa không gian bảo tàng. Theo đó, một bảo tàng ảo được xây dựng nhờ sử dụng công nghệ tiên tiến như, máy scan 3D, máy scan hồng ngoại, công nghệ Photogrammetry (kỹ thuật đo chụp ảnh từ các góc độ khác nhau) để thu thập dữ liệu từ hiện vật và công trình thực tế. Từ đó không chỉ mang đến trải nghiệm mới lạ cho khách tham quan, giúp họ tương tác với hiện vật trong không gian 3 chiều mà còn cho phép người xem trên khắp thế giới truy cập vào khi chưa có điều kiện đến tham quan trực tiếp bảo tàng.

Thanh Trà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/doi-moi-sang-tao-de-thu-hut-cong-chung-den-bao-tang-20241204102128245.htm
Zalo