Đổi mới quy trình triển khai đề tài, ứng dụng khoa học công nghệ

Chiều ngày 6/5, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi dự Phiên họp Tổ 17 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi và Cà Mau), thảo luận về 3 dự án Luật: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Toàn cảnh buổi họp Tổ 17

Toàn cảnh buổi họp Tổ 17

Đơn giản hóa quy trình, thủ tục; thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 57/NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính cách mạng, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ông Lê Quốc Chỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định điều hành họp Tổ 17

Ông Lê Quốc Chỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định điều hành họp Tổ 17

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham dự họp Tổ 17

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham dự họp Tổ 17

Đại biểu Trần Thị Hồng An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Hiệp định TRIPS về sở hữu trí tuệ, thương mại trong sở hữu trí tuệ, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), do đó đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và chủ trì thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có các quy định phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Theo đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung 1 điều hoặc 1 mục quy định về cơ chế đặc thù thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trong đó làm rõ cơ chế lưỡng dụng của KHCN và ĐMST.

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Điều 63), đồng thời bổ sung nguyên tắc nhiệm vụ, dự án được hỗ trợ từ các quỹ trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh và phản biện khoa học. “Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, tài chính trong hợp tác quốc tế về KHCN và ĐMST; thiết kế các quy định để kịp thời giải quyết những bất cập về hợp tác quốc tế trong thực tiễn triển khai”, đại biểu Trần Thị Hồng An kiến nghị.

Cùng quan điểm về việc cần thiết đơn giản hóa quy trình, thủ tục, cải cách thủ tục hành chính trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đề nghị cần đổi mới quy trình triển khai thực hiện các đề tài, nghiên cứu khoa học, công nghệ. Theo đó, cần có cơ chế cho phép các nhà khoa học, các doanh nghiệp chủ động, tự bỏ tiền ra để triển khai các đề tài nghiên cứu, công trình thành sản phẩm, sau đó nếu được nhà nước chấp nhận, phê duyệt thì trả tiền. “Đây cũng là hướng gỡ rối cho trình tự hiện nay. Chứ nếu theo trình tự hiện nay, tôi đảm bảo các nhà khoa học không xin được tiền đâu. Tôi đề nghị phải đổi mới cái tổ chức thực hiện này. Thay vì các nhà khoa học cứ phải đi xin, họ sẵn sàng bỏ trí tuệ, kinh phí ra, khi có sản phẩm thì nhà nước trả tiền”, đại biểu Đinh Ngọc Minh nhấn mạnh.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Phân tích dưới khía cạnh khác, đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao dự thảo Luật đã có nhiều Điều quy định giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu. Tuy nhiên, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét quy trình triển khai thực hiện, tránh việc lạm dụng gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Xử lý mạnh tay đối với vi phạm về hàng hóa kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng

Cũng tại buổi thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội đã góp ý nhiều nội dung đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật bởi hai luật này có tính giao thoa với nhau.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng hàng hóa giao bán trên sàn giao dịch điện tử hay bán hàng online trên mạng hiện nay chứa đựng những nguy cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng. “Đề nghị phải có các quy định, giải pháp để tiếp tục quản lý hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử, trên mạng để đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng”, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc khởi kiện khi mua, sử dụng hàng hóa kém chất lượng, do vậy đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; bổ sung chế tài xử lý mạnh tay, nhất là đối với các vi phạm về hàng hóa liên quan đến sức khỏe con người.

Các ý kiến khác cũng đề nghị cần có quy định chặt chẽ đối với các sản phẩm, hàng khóa không đủ chất lượng bị thu hồi; quy định rõ trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ ngành, địa phương trong xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, quy định chặt chẽ việc kiểm tra để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Ông Lê Quốc Chỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định điều hành họp Tổ 17

Ông Lê Quốc Chỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định điều hành họp Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 17

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Khắc Phục - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93926
Zalo