Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức tiến hành công tác lập pháp

Cho ý kiến về Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Kỳ họp này đã quán triệt và thực hành quyết liệt tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

“Việc gì giải quyết có lợi cho dân là phải giải quyết ngay”

Trình bày dự thảo Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, Kỳ họp thứ Tám đã thành công tốt đẹp. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước, đây là một trong những nội dung trọng tâm của Kỳ họp. Công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, đúng định hướng của Đảng với quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao của các đại biểu Quốc hội.

Cùng với đó, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để xem xét kỹ lưỡng kết quả thực hiện kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025; xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương…

Về công tác lập pháp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Khối lượng nhiệm vụ công tác xây dựng pháp luật trình Quốc hội tại Kỳ họp rất lớn - lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của đại đa số người dân và doanh nghiệp. Trong đó, có 9 dự án luật, dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn phát sinh.

Hầu hết hồ sơ tài liệu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích, thảo luận kỹ lưỡng, nhất là đối với các vấn đề lớn, quan trọng, các chính sách mới nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm yêu cầu pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính minh bạch, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong từng dự án, dự thảo…

Nhất trí với dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ Tám, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp vừa qua nhìn chung đã được các Bộ chuẩn bị khá chặt chẽ, chu đáo. Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề hệ trọng quốc gia, nhiều quyết sách mang tính lịch sử, được người dân và cử tri hoan nghênh, ủng hộ.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Có thể thấy qua các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; quyết định khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành; việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết tồn đọng trong lĩnh vực đất đai các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng… Qua những quyết sách quan trọng được Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ Tám, có thể thấy rõ, tư tưởng “việc gì giải quyết có lợi cho dân là phải giải quyết ngay và chịu trách nhiệm trước đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tại kỳ họp vừa qua, một số nội dung có thể chủ động chuẩn bị sớm hơn để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu gửi các đại biểu trước thay vì đề nghị bổ sung trong thời điểm diễn ra kỳ họp. Chỉ ra vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị tài liệu thật sớm đối với những nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. “Muốn chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại một kỳ họp thì phải chuẩn bị nội dung kỹ, sớm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phân tích, đánh giá kỹ hơn nguyên nhân góp phần vào thành công Kỳ họp

Phân tích những nguyên nhân góp phần làm nên thành công của Kỳ họp thứ Tám, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị. Với cách làm này, những chủ trương lớn, chủ trương mới, hay những vấn đề lớn cần được luật hóa sớm khi trình Quốc hội xem xét, quyết định sẽ thuận lợi hơn.

Một nguyên nhân nữa góp phần vào thành công của Kỳ họp thứ Tám, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã bám sát tinh thần đổi mới tư duy, phương pháp xây dựng pháp luật và thực hành một cách quyết liệt. Dẫn ví dụ cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, với một số dự án Luật, trong lần trình Quốc hội đầu tiên, Chính phủ xây dựng dự thảo rất dài, nhưng sau khi quán triệt tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp, thì bản dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám đều được "thu gọn" hơn rất nhiều.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tương tự, đối với những dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp cũng vậy. Đơn cử, như dự án Luật Dữ liệu, lúc đầu, dự thảo Luật được Chính phủ trình ra với 7 chương, 67 điều nhưng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, các cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cùng rà soát, thống nhất, chỉnh lý, thì dự thảo Luật đã giảm xuống còn 5 chương, 46 điều.

“Nhiều luật khác cũng thế, các Ủy ban của Quốc hội rất quyết liệt thực hiện tinh thần đổi mới là Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

Cùng với đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội và cơ quan của Chính phủ cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công của kỳ họp. Khẳng định kết quả này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ đã chủ động phối hợp họp từ rất sớm, báo cáo kịp thời Bộ Chính trị về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, để cho ý kiến cụ thể...

Từ những phân tích trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, bổ sung những nguyên nhân trên vào phần bài học kinh nghiệm rút ra qua tổng kết, đánh giá kết quả đạt được trong chuẩn bị, tổ chức và tiến hành Kỳ họp trong báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-moi-manh-me-tu-duy-phuong-thuc-tien-hanh-cong-tac-lap-phap-post399016.html
Zalo