Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nông dân tiếp tục là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần tiếp tục đổi mới theo hướng hiệu quả, bền vững và thực chất.
Trên cơ sở đó, Hà Nam tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, ổn định thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng kinh tế số ở khu vực nông thôn. Cụ thể, năm 2025: hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3.000 lao động nông thôn (trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.500 người, nghề phi nông nghiệp cho 500 người); giai đoạn 2026-2030: hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 15.000 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho 12.500 người, đào tạo nghề phi nông nghiệp 2.500 người. Sau đào tạo, có từ 95% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Để thực hiện được mục tiêu này, các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tầm quan trọng của kỹ năng lao động và cơ hội có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo nghề nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập gắn với thị trường lao động, chú trọng cả số lượng, cơ cấu, chất lượng đào tạo, quan tâm công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động để thích ứng với sự thay đổi của thị trường và công nghệ sản xuất. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm quốc tế nhằm đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động ở khu vực nông thôn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và những năm tiếp theo.
Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đào tạo lao động nông thôn. Tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân. Bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề. Gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với doanh nghiệp và thị trường lao động.