Đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp
Những năm gần đây, các doanh nghiệp bước đầu đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nhằm phát triển sản xuất để tăng doanh thu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ứng dụng công nghệ vào phát triển doanh nghiệp
Hiện toàn tỉnh có hơn 2.600 doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện đổi mới, đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến vào một số ngành sản xuất công nghiệp mà tỉnh có lợi thế như: Chế biến chè chất lượng cao, sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu, sản xuất giấy, thép, bột đá siêu mịn; sản xuất gạch, cấu kiện bê tông siêu tính năng... Hiện các hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp ở tỉnh ta tập trung vào 2 nội dung cơ bản là đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình sản xuất.
Tiêu biểu về đổi mới sản phẩm là Công ty cổ phần gỗ Đông Dương (Hàm Yên) với việc đầu tư dây chuyền sản xuất ván ghép thanh. Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Đông Dương cho biết, nhận thấy tiềm năng thị trường rộng mở của loại sản phẩm ván ghép thanh, Công ty đã đầu tư xây dựng và lắp đặt một dây chuyền sản xuất ván ghép thanh, gồm: Nhà xưởng diện tích 2.700 m2, 4 lò sấy, 1 máy ghép ngang cao tần, 2 máy bào hai mặt, và một chuyền Finger ghép dọc.
Việc ứng dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất đã giúp công ty tạo ra sản phẩm mới có chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 11205:2015 (ISO 13609:2014) đáp ứng yêu cầu sản xuất đồ gỗ; tăng năng suất, tiết kiệm chi phí từ đó hạ giá thành sản phẩm.
Còn tại Công ty CP chè Sông Lô, công ty đã đổi mới công nghệ ứng dụng, cải tiến dây chuyền sản xuất tự động hóa trong sản xuất chè xanh cao cấp phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Ông Vũ Đức Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chè Sông Lô cho biết, hiện công ty có 440 ha vùng nguyên liệu chè ở thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn, Na Hang. Hàng năm, công ty xuất bán ra thị trường 3.500 - 4.000 tấn chè, doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Công ty đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất chè đen OTD, máy vò, máy tách màu GTS 1200B, hệ thống bảo quản sấy, đóng gói tự động. Sản phẩm chè sản xuất ra đạt các yêu cầu của QRS theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018.
Qua đó đã giúp cho sản phẩm chè đen của công ty đứng vững khi xuất khẩu vào các nước Trung Đông.
Nhiều doanh nghiệp nhờ việc đổi mới công nghệ nên đã tận dụng được nguyên liệu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, như: Công ty TNHH Vĩnh An đầu tư dây chuyền sản xuất gạch sử dụng lò nung Tuynel trần phẳng với công suất 15 triệu viên/năm và hệ thống bản cắt viên tự động, robot sắp xếp gạch; Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm đầu tư nhà xưởng và hệ thống máy móc, thiết bị để sơ chế, sản xuất dược liệu, như: Nồi chiết xuất cao dược liệu, nồi chưng cất tinh dầu, máy sấy dược liệu, máy sản xuất trà túi lọc, máy nghiền được liệu; Công ty TNHH MTV Sơn Dương Greenfarm đã đầu tư hệ thống nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel với diện tích trên 8.000 m2 để sản xuất nông sản chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đáp ứng nhu cầu thị trường…
Doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo
Doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, nhân tố quan trọng trong tác động đến hiệu quả của hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đổi mới công nghệ của doanh nghiệp ở tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm khi số lượng các doanh nghiệp đổi mới, cải tạo công nghệ chưa nhiều, nguồn lực tài chính còn hạn chế nên hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa mạnh mẽ.
Với chức năng quản lý, từ năm 2020 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 9 doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng; tham mưu trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt cho 9 doanh nghiệp chủ trì thực hiện 9 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi với tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ gần 46 tỷ đồng; 5 doanh nghiệp, hợp tác xã chủ trì thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ 3,7 tỷ đồng. Qua thực hiện các đề tài, dự án đã xây dựng được hàng trăm mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển giao được khoảng 120 lượt quy trình công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, tỉnh có 397 sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; trong đó có 80 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và có 4 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; 2 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia.
Nhờ sớm đưa dây chuyền sản xuất chế biến gỗ công nghệ của Đức và Đài Loan, khép kín từ nguyên liệu tới sản phẩm, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã sản xuất thành công các sản phẩm gỗ, đồ nội thất với nguyên liệu được xử lý sấy, tẩm, thực hiện ghép thanh định hình phục vụ sản xuất sản phẩm hoàn thiện theo yêu cầu, công suất 2.500 - 3.000 m3 gỗ/năm. Trong thời gian tới doanh nghiệp dự kiến đầu tư mở rộng sản xuất nhà máy chế biến gỗ tại xã Thắng Quân (Yên Sơn) với quy mô mặt bằng nhà máy rộng 28 ha, công suất thiết kế nhà máy 150.000 m3 sản phẩm/năm. Nhờ đổi mới công nghệ, năm 2024, công ty có 2 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia là Ván sàn Woodsland và đồ gỗ nội, ngoại thất Woodsland.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, việc đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng và khẳng định vị thế trên thị trường. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự đồng hành và hỗ trợ chặt chẽ từ phía các cấp, ngành và địa phương thông qua những chính sách phù hợp, định hướng rõ ràng, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động tự đánh giá năng lực, xây dựng chiến lược đổi mới công nghệ và không ngừng cải tiến để đáp ứng yêu cầu của thị trường.