Bảo Lâm: Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu

Huyện Bảo Lâm đang tập trung ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với các nguồn nguyên liệu thế mạnh của địa phương như cà phê, chè, dâu tằm, cây ăn trái và khoáng sản. Đây là hướng đi quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững.

Công ty Nhôm Lâm Đồng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về khai thác, chế biến khoáng sản

Công ty Nhôm Lâm Đồng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về khai thác, chế biến khoáng sản

NGUỒN NGUYÊN LIỆU DỒI DÀO

Bảo Lâm là địa phương có hơn 80% dân số sinh sống dựa vào nông nghiệp với các loại cây trồng chính như cà phê, chè, sầu riêng, bơ và dâu tằm. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, nông nghiệp Bảo Lâm đã có bước phát triển vượt bậc theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Các vùng sản xuất cà phê, chè, dâu tằm, cây ăn quả ứng dụng khoa học - kỹ thuật đã hình thành gắn với các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa.

Hiện nay, Bảo Lâm có gần 37.000 ha cà phê, cơ bản đã chuyển đổi và ghép cải tạo bằng các giống cho năng suất, chất lượng cao. Năm 2024, năng suất trung bình của cà phê huyện Bảo Lâm ước đạt trên 3,5 tấn nhân/ha. Trong khi đó, cây chè có diện tích gần 5.900 ha, với diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 92,5%, năng suất trung bình đạt 16,5 tấn búp tươi/ha/năm. Riêng diện tích chè Ô long chất lượng của Bảo Lâm đạt khoảng 1.200 ha. Cùng với đó, nghề trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện Bảo Lâm đang được quan tâm đầu tư phát triển và đạt hơn 800 ha. Tương tự, cây sầu riêng được người dân tập trung canh tác và đạt tổng diện tích gần 6.500 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều loại cây ăn trái khác như bơ, chanh dây và mắc ca. Trong tổng thể của ngành Nông nghiệp, Bảo Lâm đang có hơn 16.000 ha cây trồng các loại sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng an toàn sinh học.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Trương Hoài Minh, cho biết: Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, địa phương luôn chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án để người dân tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thông minh, an toàn sinh học. Đến hết năm 2024, địa phương đã có 64 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 4 sao… đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Qua đó khẳng định, nông nghiệp Bảo Lâm đã tạo ra nguồn nguyên liệu cà phê, chè và các sản phẩm thế mạnh dồi dào, chất lượng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến nông sản”.

Cùng với thế mạnh nông nghiệp, Bảo Lâm được xem là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào. Nổi bật là ngành công nghiệp khai thác khoáng sản bô xít. Những năm qua, Dự án Bô xít - Nhôm Lâm Đồng do Công ty Nhôm Lâm Đồng vận hành khai thác, sản xuất, với công suất đạt trên 750.000 tấn alumin/năm. Đây là một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước về khai thác khoáng sản; đồng thời, tạo công ăn, việc làm ổn định cho một lượng lớn lao động tại địa phương.

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN

Với nguồn nông sản, khoáng sản phong phú, đa dạng, Bảo Lâm được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, chè, dâu tằm, cây ăn trái và khai thác bô xít… Qua đó, tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với huyện Bảo Lâm nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Theo thống kê, toàn huyện có 482 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủy điện, nông, lâm, thủy sản, chế biến nông sản và du lịch, dịch vụ. Cùng với đó, có 93 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 20.775 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 12.163,71 ha. Trong đó, có 71 dự án đang hoạt động, với vốn đầu tư trên 20.392 tỷ đồng; 16 dự án đang triển khai thực hiện các hạng mục, với vốn đầu tư là 383,51 tỷ đồng và 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Riêng ngành Công nghiệp có 48 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu trên các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản và khai thác, chế biến khoáng sản.

Hiện, Cụm công nghiệp Lộc Thắng có 7 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, với tỷ lệ lấp đầy đạt 61%. Bên cạnh đó, đã hình thành các điểm lẻ công nghiệp tập trung các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu như chè, cà phê… tại các xã, thị trấn góp phần tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Viết Vân - Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, huyện đã thành lập tổ chuyên môn do ông Trịnh Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng. Tổ chuyên môn có nhiệm vụ đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tiếp nhận và giải quyết, đề xuất giải quyết các khó khăn liên quan của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới. Với chủ đề “Bảo Lâm kết nối - đồng hành - cùng phát triển”, địa phương luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư gắn kết lâu dài.

Cùng với công nghiệp chế biến, huyện Bảo Lâm đang tập trung kêu gọi thu hút đầu tư nhiều dự án gắn với các tiềm năng, thế mạnh, như: Xây dựng các khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Lộc Thắng (300 ha), hồ Tân Rai (145 ha), hồ Đắk Long Thượng (500 ha), hồ Đắk Lé (300 ha); Khu du lịch kết hợp phát triển dược liệu Tà Đùng - Bảo Lâm (5.000 ha) và Dự án phức hợp Sân golf - khách sạn - thương mại - biệt thự nghỉ dưỡng ở khu đất hoàn nguyên bô xít 300 ha; xây dựng khu thương mại, khu dân cư chất lượng cao trên địa bàn huyện; xây dựng khu tái định cư phục vụ Dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; xây dựng trung tâm hành chính huyện và khu thương mại - dịch vụ - du lịch thị trấn Lộc Thắng…

“Với quyết tâm chính trị cao nhất, Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã và đang tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Qua đó, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế góp phần nâng cao giá trị chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, địa phương rất cần sự đồng hành “hiến kế” của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, vững mạnh, phát triển hiệu quả góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bảo Lâm nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung”, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Nguyễn Viết Vân nhấn mạnh.

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202412/bao-lam-uu-tien-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-gan-voi-nguon-nguyen-lieu-0272699/
Zalo