Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng, hiện thực hóa giấc mơ nâng tầm nông sản Việt
Vừa qua, tại Hà Nội, Tập đoàn PAN phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: 'Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu'.
15/05/2025 08:25
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cách mạng 4.0, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị thì việc ứng dụng công nghệ để chọn tạo giống cây trồng mới, đưa các giống cây trồng vào thực tiễn vừa có khả năng mang lại năng suất cao vừa có khả năng chống chịu sâu bệnh vừa có chất lượng tốt và phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững trở nên rất cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho rằng: Chọn tạo giống cây trồng là nền tảng của nông nghiệp. Trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhanh, thị trường đòi hỏi cao hơn, người tiêu dùng ngày càng khắt khe, thì giống, công nghệ giống chính là điểm khởi đầu của mọi chuỗi giá trị. Tập đoàn PAN luôn xác định đây là trọng tâm chiến lược. Và để làm tốt việc này, không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học.
Bà Trà My khẳng định: “Nếu chúng ta chỉ có khát vọng mà thiếu công nghệ, thiếu đổi mới sáng tạo, thiếu nguồn gene, thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng thì mọi nỗ lực đều không đi xa. Vì vậy, việc kết nối và chia sẻ tri thức giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong các lĩnh vực như quản lý, khai thác nguồn gene, phát triển công nghệ chọn tạo giống mới trong nghiên cứu và chọn tạo giống cây trồng sẽ giải quyết những thách thức đang gặp phải trong lĩnh vực chọn tạo giống, tạo ra những thành tựu".
GS, TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Thế giới cũng như Việt Nam đạt được thành tựu rất đặc biệt trongchọn tạo giống cây trồng. Tại Việt Nam, chúng ta có những giống lúa từ 100-120 ngày thay cho giống lúa 180-200 ngày; từ giống lúa cao 180cm xuống còn 100cm; giống lúa từ 3-4 bông lên 9-10 bông; từ giống lúa chỉ có năng suất 3-4 tấn trở thành giống lúa 9-10 tấn. Việc chuyển từ giống lúa năng suất sang giống lúa vừa năng suất cao, vừa ngon, vừa chống chịu sâu bệnh, đó là thành tựu chọn tạo giống".

GS, TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Ông Cường thông tin: "Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 9,18 triệu tấn với kim ngạch 5,75 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 23% về giá trị so với năm 2023. Kết quả này có công từ công tác chọn tạo giống. Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để đáp ứng nhu cầu về chọn tạo giống cây trồng của Việt Nam và trên thế giới”.
Theo ông Nguyễn Đình Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam: “Dữ liệu thống kê năm 2024 cho thấy, hơn 60% số giống được công nhận do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và đề xuất, khẳng định vị trí then chốt của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này. Vì vậy, những giải pháp như ưu đãi tài chính, cải cách pháp lý, phát triển hạ tầng nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, thúc đẩy hợp tác công-tư (PPP) và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và nguồn gene tiên tiến không chỉ giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu giống mới mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét".
Nhấn mạnh vai trò của Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, bà Nguyễn Thị Trà My cho rằng: "Đây là động lực để chúng tôi xuất khẩu mạnh mẽ và tiếp tục chinh phục những thị trường khó tính nhất. Chúng tôi đã có hàng loạt kế hoạch hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các đối tác để thể hiện cam kết đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống - không chỉ trên giấy tờ mà bằng những kết nối thực chất cùng xây dựng một mục tiêu phát triển bền vững".
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinaseed.
Trong khuôn khổ sự kiện, Tập đoàn PAN cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hợp tác phát triển quan hệ quốc tế và kết nối đối tác; tài trợ học bổng cho sinh viên.

Tập đoàn PAN và Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết biên bản hợp tác
Tập đoàn Vinaseed, thành viên của Tập đoàn PAN, cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long về hợp tác trong nghiên cứu phát triển, trình diễn và khảo nghiệm giống; nghiên cứu phát triển sản phẩm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
THU HÀ-TIẾN ANH