Đối mặt nhiều rủi ro, biên lợi nhuận của Thép Nam Kim (NKG) mỏng dần

Với việc kênh xuất khẩu chiếm tới 67% doanh thu, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) đang đối mặt rủi ro khi nhiều quốc gia có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép.

Kênh xuất khẩu chiếm đến 67% tổng doanh thu của Thép Nam Kim.

Kênh xuất khẩu chiếm đến 67% tổng doanh thu của Thép Nam Kim.

Trong quý 3/2024, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 5.188 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 64,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 175% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, nếu so với quý 2/2024, lợi nhuận của doanh nghiệp tôn mạ này đã giảm tới 70,5%. Nguyên nhân chủ yếu do quý 3 là mùa thấp điểm của ngành thép nói chung, buộc Thép Nam Kim phải tung ra nhiều chương trình chiết khấu, cạnh tranh về giá bán. Theo đó, biên lợi nhuận gộp trong kỳ chỉ còn 8,7%.

Đáng chú ý, tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim vẫn chiếm 67% tổng doanh thu, thuộc mức cao nhất trong số các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam. Điều này có thể khiến công ty đối mặt rủi ro lớn khi nhiều quốc gia đang có xu hướng tăng cường các biện pháp bảo hộ cho ngành thép nội địa.

Diễn biến biên lợi nhuận của Thép Nam Kim qua các quý. (Nguồn: Thép Nam Kim, Chứng khoán DSC)

Diễn biến biên lợi nhuận của Thép Nam Kim qua các quý. (Nguồn: Thép Nam Kim, Chứng khoán DSC)

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán DSC, hoạt động xuất khẩu của Thép Nam Kim dự kiến sẽ tiếp tục khuynh hướng giảm cho đến hết nửa đầu năm 2025 dưới áp lực của các biện pháp phòng vệ thương mại và nhu cầu yếu khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến giảm tốc.

Cũng theo Chứng khoán DSC, trong trường hợp, áp lực phòng vệ thương mại buộc Thép Nam Kim phải chuyển dịch kinh doanh về thị trường nội địa thì áp lực điều chỉnh biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp diễn do phải cạnh tranh gay gắt với nhiều doanh nghiệp lớn khác như Tập đoàn Hoa Sen, Tôn Đông Á, Tập đoàn Hòa Phát.

Thị phần tôn mạ của Thép Nam Kim trong 9 tháng đầu năm 2024 cũng đã sụt giảm rõ rệt, chỉ còn đứng thứ 4 với 10,6% thị phần cả nước do công ty dồn lực cho kênh xuất khẩu.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của Thép Nam Kim còn đối mặt với sức ép từ việc giá thép cuộn cán nóng (HRC), nguyên liệu đầu vào chính, có xu hướng tăng. Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng thép dư thừa và triển khai nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Chứng khoán DSC cho rằng, việc giá HRC tăng sẽ tác động rõ tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tôn mạ trong 1 - 2 quý tới. Tuy vậy, Thép Nam Kim đã chủ động phòng thủ bằng cách gia tăng nhập khẩu vật liệu, bổ sung hàng tồn kho. Trong quý 3/2024, hàng tồn kho của công ty đã đạt 6.577 tỷ đồng, tăng 14,5% so với quý 2/2024.

Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán DSC dự phóng tổng doanh thu của Thép Nam Kim trong năm nay đạt 21.240 tỷ đồng và lãi ròng đạt 552 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 370% so với năm 2023.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/doi-mat-nhieu-rui-ro--bien-loi-nhuan-cua-thep-nam-kim--nkg--mong-dan-131231.htm
Zalo