Thi hành án dân sự: Doanh nghiệp kỳ vọng sự đột phá từ luật mới

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS) thời gian vừa qua đã có những chuyển biến tích cực nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng về thủ tục THADS ở một số nơi, các thủ tục còn kéo dài, gây mất thời gian cho doanh nghiệp.

Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn chuyển giao quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án; xử lý tài sản trên đất và quyền thuê đất trả tiền hàng năm; thi hành án có yếu tố nước ngoài, phán quyết của trọng tài thương mại…

Dự kiến các văn bản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến công tác thi hành án dân sự (THADS).

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật THADS (sửa đổi) sáng 18/12 tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, Luật THADS năm 2008 được sửa đổi năm 2014 và sửa đổi tiếp một số điều năm 2022. Vừa rồi Luật Đất Đai cũng sửa đổi thêm một vài điều của Luật THADS. Theo đó, đã đem lại những kết quả rất tích cực trong công tác THADS trong thời gian qua. Năm 2023-2024, toàn hệ thống THADS đã thi hành xong trên 620.000 việc và thu được số tiền trên 116.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Hoa, sau thời gian dài thực thi, đến nay Luật THADS cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, cần phải có sự sửa đổi, thay đổi cách toàn diện. Chính vì vậy, Bộ Tư Pháp cũng đã tham mưu cho Chính phủ và đề xuất Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2025. Dự kiến thì sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ IX vào tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp thứ X vào tháng 10/2025.

"Trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, các tranh chấp kinh tế phát sinh ngày càng nhiều. Do đó, một trong những đối tượng chịu tác động rất lớn của Luật THADS là các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng với vai trò là người được thi hành án và là người phải thi hành án", bà Hoa nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao vai trò của Luật THADS trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp và xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Ông cho rằng doanh nghiệp, với các giao dịch phức tạp từ vay vốn, mua bán hàng hóa đến thuê mặt bằng, đều cần sự hỗ trợ của hệ thống thi hành án khi phát sinh tranh chấp hợp đồng.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, ban hành từ năm 2028, đến nay Luật thi hành án dân sự đã được thực thi trong 16 năm. Bối cảnh đất nước hiện nay có nhiều thay đổi đòi hỏi luật này cần được sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Tỷ lệ thi hành án thành công hiện nay (83% về số vụ việc và 47% về tiền) vẫn thấp hơn kỳ vọng của doanh nghiệp, và thủ tục thi hành án tại một số địa phương còn rườm rà, gây mất thời gian.

"Điểm tích cực là tỷ lệ thi hành án đã cải thiện qua từng năm, cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của ngành thi hành án," ông Tuấn nói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ và cơ sở dữ liệu quốc gia để cải thiện hiệu quả công tác này.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã có những đóng góp thẳng thắn mang tính xây dựng để Dự thảo Luật THADS được bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Đơn cử, bà Chu Thị Quỳnh Hoa từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất không áp dụng quy định cho phép người được thi hành án yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án, do xung đột với các quy định bảo mật thông tin khách hàng trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bà Dương Thị Thu Hà, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH CDR Counsel, cho rằng quy định về "người giám định trong thi hành án dân sự" cần được chỉnh sửa để không thừa và thiếu. Bà đề xuất sửa đổi theo hướng tập trung vào các điều kiện cung cấp dịch vụ giám định thương mại theo Luật Thương mại và các nghị định liên quan.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định trùng lặp, như "xem xét thẩm định tại chỗ" (Điều 57 Dự thảo), để rút ngắn quy trình và tránh chồng chéo với các bước kiểm tra hiện trạng tài sản trong thi hành án.

Công tác xác minh tài sản, vốn là thách thức lớn trong thi hành án, được đề xuất cải thiện thông qua việc khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia và thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu áp dụng tốt, tỷ lệ thi hành án thành công về giá trị tài sản có thể tăng đáng kể, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Hội thảo cũng thống nhất rằng Dự thảo Luật THADS cần được thiết kế thực tiễn, khả thi và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Các ý kiến đóng góp tại sự kiện sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan và thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/thi-hanh-an-dan-su-doanh-nghiep-ky-vong-su-dot-pha-tu-luat-moi/20241218111755465
Zalo